Cần tiền trả nợ, nguyên chủ tịch HĐQT và cấp phó GPBank phê duyệt cho hai công ty “sân sau” vay, gây thiệt hại nhiều nghìn tỷ.
Ngày 19/12, TAND Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu – GPBank, gây thiệt hại gần 4.800 tỷ đồng (cả gốc và lãi), theo báo VnExpress.
Các bị cáo phải ra trước vành móng ngựa vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là Tạ Bá Long (62 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT GPBank), Đoàn Văn An (59 tuổi, nguyên phó chủ tịch HĐQT GPBank), cùng cấp dưới Phạm Quyết Thắng (44 tuổi, nguyên tổng giám đốc GPBank), Nghiêm Tiến Sỹ (44 tuổi, cựu phó tổng giám đốc GPBank), Nguyễn Anh Dung (39 tuổi, nguyên kế toán trưởng GPBank) và Nguyễn Ngọc Nam (41 tuổi, giám đốc công ty Sao Bắc).
Theo cơ quan công tố, năm 2009 và 2010, để có tiền tăng vốn điều lệ tại GPBank và sử dụng vào những việc khác, ông Long và ông An đã sử dụng ba công ty sân sau gồm Thành Trung, Đại Lải, Chí Linh để phát hành gần 4.000 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính CP Điện lực (EVNFinance) giá gần 3.400 tỷ đồng.
Sau đó, hai ông sử dụng hơn 2.600 tỷ trong số tiền trên để nhóm cổ đông của mình mua cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ ngân hàng này. Hơn 510 tỷ đồng được dùng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Còn lại gần 260 tỷ đồng, các bị cáo đầu tư vào ba doanh nghiệp trên.
Cùng thời điểm, GBBank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên hơn 3.000 tỷ đồng (vốn điều lệ ban đầu là hơn 2.000 tỷ đồng). Do không có tiền để trả gốc và lãi cho EVNFinance nên ông Long và An bàn cách rút tiền từ chính nhà băng của mình.
Hai ông đã ra chủ trương mua Tòa nhà Capital Tower (của Công ty Thành Trung góp vốn với Công ty Thủ Đô xây dựng) và đầu tư dự án Trung tâm Thương mại Văn phòng Nhà ở An Khánh (do công ty Sao Bắc làm chủ đầu tư) để rút 3.900 tỷ đồng của chính GPBank. Sau đó, hai công ty Thành Trung và Sao Bắc lần lượt được giải ngân 2.200 tỷ và 1.700 tỷ đồng.
Thực tế, hai công ty trên do ông Long và An sở hữu nên sau khi có tiền, hai ông đã rút ra để trả nợ EVNFinance. Việc làm này có sự giúp sức của Thắng, Sỹ, Dung và Nam khiến ngân hàng thiệt hại cả gốc lẫn lãi gần 4.800 tỷ đồng.
Xoay nghìn tỷ để lo cho “đại cuộc”
Về sai phạm khi mua Capital Tower, chủ tọa cho hay, tuy Công ty Thành Trung góp hơn 58% cổ phần nhưng Công ty Thủ Đô chưa có quyết định giao tòa nhà cho Thành Trung nên Thành Trung chưa phải chủ sở hữu.
Ông Long giải trình, việc mua tòa nhà trên được Hội đồng quản trị GPBank họp và ra quyết định. Mục đích mua để làm trụ sở và nơi đặt hệ thống dữ liệu nhà băng. Sau khi nghị quyết đầu tư được Hội đồng quản trị và các cổ đông thông qua, ông Long đã giao cho tổng giám đốc Thắng giải ngân cho Thành Trung 2.200 tỷ đồng.
“Bị cáo là chủ tịch HĐQT, vậy có được quyền mua tòa nhà Capital Tower giá 2.200 tỷ hay không”, chủ tọa chất vấn.
“Thực tế mới chỉ đặt cọc. Chỉ khi nào mua bán xong mới được gọi là đầu tư”, ông Long trả lời, song thừa nhận đã chuyển toàn bộ 2.200 tỷ đồng cho Thành Trung.
Chủ tọa cho hay, theo Luật các tổ chức tín dụng, ngân hàng không được phép đầu tư mua tài sản vượt quá 50% vốn điều lệ (GPBank thời điểm này vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng). Số tiền 2.200 tỷ sau khi chuyển cho Thành Trung đã được rút ra ngay cho Chí Linh (công ty sân sau của bị cáo An) để trả nợ cho EVNFinance.
Ngoài sai phạm trên, ông Long cũng bị cáo buộc đầu tư vào dự án Sao Bắc (công ty sân sau của ông An) số tiền 1.700 tỷ đồng. Chủ tọa cho hay, dự án Trung tâm Thương mại Văn phòng và Nhà ở An Khánh thực tế chưa được phê duyệt xây dựng. Số tiền Công ty Sao Bắc nhận đã được chuyển ngay cho Chí Linh dưới hình thức vay vốn, để trả nợ EVNFinance. Hành vi của bị cáo và đồng phạm khiến GPBank thiệt hại 3.900 tỷ đồng.
Ông Long trần tình việc đầu tư trên là tính tới quá trình “dài hơi” nhằm giúp GPBank tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng. Nếu việc đầu tư vào hai dự án có hiệu quả sẽ kêu gọi được các đối tác góp vốn trong tương lai. Tuy nhiên, năm 2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vào cuộc khiến “công việc dang dở”.
Thừa nhận GPBank bị thiệt hại, song bị cáo cho hay đã đề nghị các đối tác có tài sản thế chấp và gom cổ phần của các nhóm liên quan để khắc phục hậu quả. “Bị cáo có trách nhiệm động viên các công ty hoàn trả tiền cho GPBank”, ông Long trình bày.
Tới phần thẩm vấn mình, ông An cũng thừa nhận chủ trương đầu tư cho hai công ty trên là sai. “Áp lực tăng vốn điều lệ rất là căng với GPBank thời điểm đó”, bản thân bị cáo biết việc đầu tư sai nhưng hy vọng tương lai sẽ có các doanh nghiệp, cá nhân khác đổ vốn cho GPBank. “Bị cáo xin lỗi cấp dưới vì quyết định sai lầm của Hội đồng quản trị khiến họ vướng lao lý”, ông An chùng giọng.
Ngày mai phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
Ánh Tuyết