Kiểm lâm Huế xác định, 2 trong 3 cây “quái thú” bị giữ 10 ngày qua có nguồn gốc rõ ràng nên được “phóng thích”. Tuy nhiên, đối với chủ cây, việc di chuyển 2 “quái thú” này đi đâu và bằng cách nào là việc không dễ dàng.
Trưa ngày 9/4, ông Đặng Văn Kiệm – Trưởng phòng Thanh tra pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đã xác minh xong 2 bộ hồ sơ nguồn gốc cây “khủng” đang bị tạm giữ ở Huế, theo Tuổi Trẻ.
2 cây này là cây đa sộp khai thác trên vườn nhà ông Phạm Đình Thưởng (xã Ea Pil, huyện M’Đrăk, Đắk Lắk) và vườn cà phê của ông Y Nô Byă (buôn Ê Cam, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk).
Theo hồ sơ mà ông Kiều Văn Chương (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cung cấp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, cả 2 cây trên đều được kiểm lâm và chính quyền địa phương xác nhận đúng nguồn gốc. “Chúng tôi đã trả lại 2 bộ hồ sơ này cho ông Chương và ông này có thể mang cây đi”, ông Kiệm nói.
Đến chiều nay, ông Chương vẫn chưa lên tiếng sẽ chuyển những cây khủng này về “quê” chúng ở Tây Nguyên hay tiếp tục hành trình “dâng chùa” , tặng người quen hoặc đến một nơi bí ẩn nào khác. Bên cạnh đó, chưa biết chủ cây sẽ làm cách nào để vận chuyển “quái thú” khi những chiêu chuyển “hàng độc” trước đây đã bị lộ.
Trước đó, ngày 7/4, công an thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã làm việc với các tài xế của Công ty Hải Sơn khai nhận, để chở 3 cây “quái thú” tránh được lực lượng CSGT ở các tỉnh, thành, họ chỉ đi vào ban đêm. Trên đường đi, các tài xế nháy đèn “hỏi” các tài xế đi ngược chiều xem phía trước có CSGT hay không? Bên kia “trả lời” có, các tài xế chở cây “khủng” sẽ dừng xe để tránh, rồi lựa lúc an toàn mới tiếp tục lưu thông, theo Dân Trí.
Bằng chiêu thức này, các tài xế đã “qua mặt” được nhiều chốt giao thông từ Đắk Lắk ra đến Thừa Thiên Huế. Cho đến khi tới Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế) mới bị phát hiện, bắt giữ.
Trên đường từ Đắk Lắk ra Thừa Thiên Huế, 3 xe chở cây “khủng” đã vượt qua hàng chục tổ, đội, trạm CSGT ở 7 tỉnh thành. Kiểu vượt trạm “tài tình” này khiến dư luận nghi ngờ có hay không sự bảo kê của CSGT để “con voi lọt qua lỗ kim”?.
Cây đa sộp còn lại có đường kính nhỏ nhất được Chi cục kiểm lâm đang tiếp tục xác minh làm rõ. Trong hồ sơ, cây đa sộp này đứng tên bà H’Yô Na Byă ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) có dấu hiệu bị làm giả. Ông Chương khai nhận mua cây đa sộp khai thác ở xã Ea Hồ này từ một người ở Hà Nội. Hôm nay, người này đã được phía kiểm lâm yêu cầu vào hiện trường khai thác cây tại xã Ea Hồ để làm việc về nguồn gốc cây. |
Thế Tam