Cho dù cha mẹ có nguyện vọng tốt đẹp như thế nào, trong tương tác hàng ngày với con có lẽ cũng không tránh khỏi những lúc cư xử “xấu”. Vậy những hành vi như thế nào được coi là “xấu”? 

Cha mẹ hãy chú ý và phát hiện xem mình có những đặc điểm sau đây không để kịp thời loại bỏ chúng ra khỏi giao tiếp với con hàng ngày nhé.

Đặc điểm thứ nhất: Nói vào mặt con, thay vì nói chuyện với con

Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái có vẻ càng ngày càng khó, đặc biệt là khi trẻ lớn hơn và có ý kiến ​​của riêng mình.

Tiến sĩ Barbara Greenberg, nhà tâm lý học lâm sàng nổi tiếng với những lần xuất hiện trên truyền hình quốc gia để nói về vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên cho rằng giao tiếp đúng cách là chìa khóa cho cha mẹ. “Những cha mẹ xấu không biết lắng nghe con cái của mình, và luôn nói vào mặt chúng thay vì nói chuyện với chúng”.

Nếu bạn nhận thấy mình như vậy hãy cố gắng thay đổi bằng cách giữ im lặng, lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe nhiều hơn. Khi con trẻ cảm thấy được lắng nghe chúng nhất định sẽ nói nhiều hơn, tâm sự nhiều hơn. 

Đặc điểm thứ hai: Cha mẹ bị lạc trong những suy nghĩ tiêu cực

Một số cha mẹ hay suy nghĩ tiêu cực, từ đó lại dẫn đến phản ứng tiêu cực ở con cái của họ. Tiến sĩ Jeffrey Bernstein, một chuyên gia quốc tế về tâm lý trẻ em nói rằng suy nghĩ của cha mẹ là gốc rễ của hành vi tiêu cực ở trẻ em.

Ông giải thích rằng: “không có đứa trẻ nào là hoàn hảo cả, nhưng cha mẹ thường không nhận ra vấn đề của con cái không nghiêm trọng như cách họ nghĩ, để rồi chính suy nghĩ trầm trọng hóa vấn đề của họ lại tạo ra cảm xúc tiêu cực cho con”.

Đối với những cha mẹ như vậy, điều cần làm là hãy cắt ngang mạch suy nghĩ tiêu cực của mình và chuyển thành những điều tích cực.

Ví dụ thay vì suy nghĩ “Ngày hôm nay con hành động trẻ con quá” thì hãy nghĩ “Chắc là con đang gặp chuyện gì khó khăn, không biết điều gì đang xảy ra với con nhỉ?”. Thay đổi cách suy nghĩ của mình cha mẹ sẽ tạo ra sự thay đổi trong tương tác với con.

Đặc điểm thứ ba: Cha mẹ không quản lý sự thất vọng của chính mình

Nuôi dạy con cái là một hành trình có nhiều điều phiền toái. Nhưng mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu như cha mẹ sớm nhận ra điều này. Đó là gì?

Tiến sĩ Bernstein tin rằng cha mẹ có thể nhận ra sự thất vọng của mình sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến hành vi của con. Nếu cha mẹ sớm xác định và quản lý sự thất vọng của mình, họ sẽ ngạc nhiên vì điều này lại giúp cải thiện những hành vi ngỗ ngược ở con.

Có thể bạn sẽ phải sắp xếp thêm thời gian cho một bữa sáng có “sự cố”, hoặc đơn giản là thêm 5 phút kiên nhẫn đợi bọn trẻ đi giày cho đúng, hãy chuẩn bị trước thời gian và tâm thái, tất cả đều nhằm mục đích ngăn chặn sự thất vọng trước khi nó xảy ra. Bạn sẽ không cần phải mắng mỏ tụi trẻ vì những phiền toái này bởi vì chính bạn đã chuẩn bị một tâm trạng “không thất vọng” rồi.

Đặc điểm thứ tư: Xem thường bạn bè của con 

Trong số các bạn của con có thể có một hoặc hai đứa “kỳ dị” khiến cha mẹ cảm thấy ái ngại. Tuy nhiên nếu thể hiện sự phê phán với chúng thì chỉ dẫn đến một kết quả xấu mà thôi.

Tiến sĩ Greenberg nói: “Cha mẹ xấu thường chê bai bạn của con. Chê bai bạn của con cũng giống như đang chê con vậy. Cha mẹ nên tìm hiểu xem tại sao mỗi người bạn này lại đặc biệt với con thì hơn”.

Đặc điểm thứ năm: Dán nhãn cho con

Cha mẹ xấu nhầm lẫn giữa hành vi xấu với bản chất xấu. Họ chỉ nhìn lựa chọn xấu của con mà đã cho rằng con không tốt.

Họ thường dán nhãn cho con như: lười biếng, có vấn đề, ích kỷ và thiếu suy nghĩ. Và những đứa trẻ được dán nhãn thường đầy thất vọng, tổn thương, tức giận và phẫn nộ.

Theo Vnexpress, Tuấn, một học sinh cấp hai cũng ở Hà Nội, được bố tặng chiếc xe đạp màu đỏ. Ngày đầu tiên dùng xe, cậu dắt về trong tình trạng xì lốp. Bố hỏi tại sao, Tuấn bảo do bạn bè chọc đinh. Ngày hôm sau, tình huống trên lặp lại. Bố Tuấn đưa con đến bác sĩ tâm lý mong con đỡ nhát, đỡ bị bắt nạt.

Nghe chuyện, chuyên gia kết luận Tuấn chịu để bạn bè bắt nạt vì ở nhà luôn sống trong sự ức hiếp của bố. Cậu bị chê bai “yếu đuối”, “ẻo lả”, “không đáng mặt đàn ông”, chẳng bao giờ được quyền quyết định thứ gì nên dần buông xuôi, không buồn phản kháng. 

Bạn biết không khi bị bố mẹ dán nhãn, những đứa con không có động lực thay đổi để tốt hơn. Đáng nhẽ, cha mẹ nên tập trung vào hành vi của con và tìm cách khắc phục mà không nên quy kết cho con một bản chất tiêu cực nào đó.

Bố của Tuấn trong trường hợp trên quả thực không chỉ mắc lỗi thứ năm “dán nhãn cho con” mà còn có cả 3 đặc điểm đầu tiên như “nói vào mặt con thay vì nói chuyện với con”, “suy nghĩ tiêu cực”, “không quản lý sự thất vọng của mình”, đã khiến con trở thành yếu kém và buông xuôi như vậy.

Đan Tâm

Theo Reader’s Digest

Video xem thêm: 26 thiếu niên từ 15 quốc gia đạp xe và nói về bí mật của chính quyền Trung Quốc

videoinfo__video3.dkn.tv||2eaeb70d4__