Có một quan điểm dạy con khá phổ biến, cho rằng giáo dục cần phải nghiêm khắc, uốn nắn con liên tục để hành vi xấu không trở thành thói quen. Tuy nhiên, mặt trái của điều này là cha mẹ không cho con “quyền được mắc lỗi”, từ đó dẫn đến một loạt các hệ lụy cho sự phát triển bình thường của con.

Trẻ con cần được mắc lỗi. Bởi vì trẻ đang trong quá trình phát triển một cách tự nhiên. Trẻ khám phá thế giới đồng thời khám phá chính bản thân mình, cũng giống như những nhà khoa học không ngừng làm thí nghiệm vậy.

Hãy tưởng tượng, một nhà khoa học “không được phép mắc lỗi” thì người ấy có thể làm nên thành tựu gì chăng? Nếu như vậy trong lịch sử hẳn sẽ không có Edison với hàng nghìn thí nghiệm thất bại trước khi phát minh ra dây tóc bóng đèn.

“Trẻ sinh ra đã là một nhà khoa học rồi.”

Neil deGrasse Tyson

Khi bọn trẻ quăng đồ hoặc làm rơi vỡ thứ gì đó, phụ huynh thường cho rằng chúng đang phá hoại, hết sức ngăn chặn chúng lại. Nhưng sự thật là cha mẹ đang tước đi cơ hội để con khám phá thế giới xung quanh. Nếu hiểu rằng đây là một thí nghiệm vật lý về sức bền vật liệu, cha mẹ sẽ bỏ đi suy nghĩ con đang mắc “lỗi”.

Có đứa trẻ nào không hứng thú với các vũng nước? Một cách rất tự nhiên, chúng muốn nhảy vào bất cứ vũng nước nào trước mặt, trong khi phụ huynh luôn né tránh và cũng muốn tránh cho con. Họ lo sợ “con bị bẩn quần áo”.

Thực ra trải nghiệm này là hình ảnh minh họa cho miệng hố trong vũ trụ. Bạn nghĩ miệng hố trên mặt trăng được tạo ra như thế nào? Tất nhiên, không phải do những đứa trẻ nhảy trong vũng bùn tạo ra, nhưng do một cái gì đó đập vào bề mặt khiến nó bắn tung tóe và điều này tạo ra miệng hố. Vậy bạn có còn nghĩ rằng hành động của con là một “lỗi”?

“Chúng luôn làm những việc, mà nhìn chung là phá hoại. Tuy nhiên, đó là một kiểu khám phá.”

Neil deGrasse Tyson

Như vậy, một câu hỏi nghiêm túc được đặt ra trong gia đình: Con mắc lỗi, hay cha mẹ đang mắc lỗi?

Có một người mẹ rất chú ý đến việc nuôi dạy con. Chị để ý từng li từng tí từng việc của con. Thấy con làm sai ở đâu là người mẹ xăm xắn chỉnh sửa cho con.

Chị yêu cầu con phải biết chào hỏi, biết nói cảm ơn. Chỉ cần con không làm như vậy thì chị sẽ phê bình con ngay lập tức là thiếu lịch sự. Với những lỗi lớn hơn thì người mẹ ấy “chăm chỉ” áp dụng hình phạt và không quên giảng giải cho con về cái đúng sai.

Kết quả là cô con gái 5 tuổi của chị trở nên vô cùng nhút nhát và tự ti. Cô bé bị ám ảnh bởi “đúng hay sai” và không dám tự đưa ra quyết định. Khi chơi với các bạn cùng trang lứa, cô cũng đợi người khác làm thế nào rồi mới làm theo. Chỉ cần có mẹ ở bên cạnh thì làm gì cô bé cũng ngước mắt nhìn mẹ, thấy mẹ nói là “đúng” rồi thì mới dám tiếp tục làm.

Đó là một câu chuyện bi ai! Bởi người mẹ xuất phát điểm nguyện vọng là tốt, cũng chỉ vì mong muốn con nên người, muốn sửa mọi lỗi lầm cho con. Nhưng chính người mẹ ấy lại đang mắc một lỗi nghiêm trọng: Cô đã không cho con quyền được mắc lỗi. Sự kiểm soát quá lớn của cô trở thành cái bóng đè nặng lên tiến trình phát triển bình thường của con.

Để trưởng thành con cần trải nghiệm thất bại, bởi vì chính trong thất bại con mới có khả năng tự học, tự nhận thức, như cái cây lớn lên mà không cần sự can thiệp thô bạo nào khác. Những lời phàn nàn hay trách mắng của cha mẹ chỉ mang đến cảm xúc tiêu cực cho con. Nhắc nhở liên tục và sử dụng hình phạt giống như một thông điệp rằng “con không được phép sai” và “sai lầm là điều tồi tệ”.

Thực ra không để con mắc lỗi mới chính là “lỗi”.

“Không cho trẻ mắc lỗi, bắt trẻ phải nhất nhất nghe lời cha mẹ chẳng khác nào việc không cho trẻ được phép vấp ngã trong quá trình tập đi. Làm vậy là các bậc phụ huynh đang lấy sự hoàn mỹ tạm thời, bề ngoài để thay thế sự hoàn thiện lâu dài trong quá trình trưởng thành của trẻ. Đối với một đứa trẻ, sự tự tin, điềm đạm trong nội tâm quan trọng hơn sự thận trọng, rón rén; trí tò mò quan trọng hơn là không mắc sai lầm; sự can đảm dám tự lựa chọn quan trọng hơn là lựa chọn đúng đắn”.

Trích Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt

Tất nhiên, sai lầm của con thường mang đến phiền toái, thậm chí là thiệt hại về kinh tế cho cha mẹ. Nhưng nếu đổi ngược lại, vì để bảo toàn khỏi rắc rối mà hết sức tránh đi “sai lầm của con” thì có phải cha mẹ đang gạt mất đi cơ hội để con vấp ngã rồi đứng dậy, cũng đồng nghĩa rằng con mất đi bài học và kinh nghiệm. Vậy ai đang mắc lỗi? Chúng ta có cách nào tránh đi tất cả các lỗi lầm mà sống một cuộc đời hoàn hảo?

“Sự cầu toàn có thể trở thành gánh nặng, vì không ai là hoàn hảo”.

Trích dẫn sách Perfectionism—What’s Bad About Being Too Good? (tạm dịch là Sự hoàn hảo – Quá tốt thì sẽ gây ra điều gì xấu?)

Trao cho con quyền được mắc lỗi thì sẽ không còn gánh nặng. Điều đó có nghĩa là khi trẻ làm đổ cơm, vỡ lọ hoa, quên mở tủ lạnh mà không đóng… bạn sẽ không còn tức giận. Cha mẹ chỉ cần nở một nụ cười khoan dung tự đáy lòng với trẻ, biết trẻ đã gặt hái thêm bài học từ sai phạm này. Cha mẹ cảm thấy vui vì điều đó. Còn trẻ cảm thấy biết ơn vì được tha thứ. Như thế sẽ giúp con ngày càng trở nên tốt hơn, như một người được hồi sinh mà muôn phần thêm trân quý cuộc sống.

Cha mẹ nên bỏ qua những lỗi nhỏ hàng ngày. Tuy nhiên đôi khi xuất hiện những lỗi nghiêm trọng thì cần phải “ra tay” chứ không dung túng cho cái xấu. Ra tay như thế nào?

Việc “nhắc nhở liên tục” hoặc “áp dụng hình phạt” đều là áp đặt và khiên cưỡng, không có tác dụng khiến con độc lập tư duy, tự tìm ra phương hướng cho bản thân. Người xưa dạy con bằng cách vừa giảng giải đạo lý phù hợp với mức độ tiếp thu của con, vừa dùng hình ảnh minh họa trực quan, cho con thấy hậu quả rõ ràng. Đó chính là giáo dục con một cách có lý trí!

Thuở xưa, Mạnh Kha vốn có linh tính và huệ căn thiên bẩm, nhưng cũng có thói ham chơi lười biếng như bao đứa trẻ khác. Mạnh Kha trốn học đi chơi nửa ngày. Khi con trai trở về nhà, Mạnh Mẫu chẳng nói chẳng rằng cầm kéo xoẹt một cái cắt đứt tấm lụa đang dệt làm hai mảnh. Mạnh Kha kinh ngạc hỏi mẹ: “Sao mẹ lại cắt ngang bỏ tấm vải như thế?”

Mạnh Mẫu nói: “Con bỏ học thì giống như tấm lụa mẹ đang dệt đây. Một người quân tử học để thành danh, học vấn uyên bác, do đó họ ở thì yên vui, họ hành động thì tránh xa cái hại, cái xấu. Hôm nay con không học thì không thể rời xa họa hoạn được, từ nay về sau mãi mãi chỉ làm những việc nhỏ nhặt quẩn quanh tạm bợ mà thôi. Bỏ dở giữa chừng không làm, như người phụ nữ dệt lụa cắt lụa phá khung cửi, thì lấy gì cho chồng con ăn và mặc đây?”

Mạnh Mẫu dùng việc “Cắt lụa” để ví với “Bỏ học”, chỉ ra bỏ dở giữa chừng thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. “Cắt lụa khuyên học” đã lưu lại ấn tượng rõ ràng vừa kinh lại vừa sợ trong tâm hồn cậu bé Mạnh Kha, từ đó cậu siêng năng gắng sức, ngày đêm không mệt mỏi chuyên cần học tập.

Video: Bác sĩ: hành trình chữa bệnh cho chính mình

videoinfo__video3.dkn.tv||4b87923ab__