Phần Lan từ lâu vốn được xem là quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Trọng điểm trong hệ thống của họ là đề cao sự tự do và khả năng của học sinh khi thiết kế chương trình học. 

Nếu bạn có ý định muốn con mình được nhận nền giáo dục chất lượng hàng đầu ở đất nước của ông già Noel này, thì bạn có thể tham khảo một số thông tin dưới đây để hiểu thêm vì sao với khí hậu khắc nghiệt, lượng dân cư ‘khiêm tốn’ và tài nguyên thiên nhiên có hạn, mà Phần Lan vẫn là quốc gia phát triển trên bán đảo Scandinavia khiến các nước phải phần nào ‘nể phục’ về trình độ của người dân.

Dưới đây là một số hỏi đáp vắn sẽ giúp cung cấp cái nhìn thực tế về giáo dục của Phần Lan.

Hỏi: Có phải học sinh Phần Lan sẽ không còn phải học trong lớp?

Trả lời: Không hẳn vậy. Sẽ có nhiều phương pháp giáo dục được áp dụng, trong nhà và ngoài trời trong đó giáo viên chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn, giúp học sinh tìm ra phương pháp học hiệu quả nhất cho bản thân.

Hỏi: Có phải tương lai sẽ thay thế bằng lớp học bằng “chợ học”, nơi học sinh có thể “mua” những môn học cảm thấy phù hợp?

Đáp: Không hẳn vậy. Vấn đề là giáo dục không nhất thiết phải bó buộc trong bốn bức tường, tùy theo trường cảm thấy thế nào cho phù hợp. Nói chung là phương pháp giáo dục sẽ thay đổi, học sinh không còn phải ngồi yên lặng trong lớp, mà có quyền chọn học ở đâu và học thế nào. Trường học mới sẽ không có hành lang, và các lớp học khép kín. Sẽ là một môi trường giáo dục mở.

Hỏi: Liệu học sinh có thể lựa chọn môn học không phù hợp cho tương lai của mình, ví như thích chọn môn toán chứ không phải là ngôn ngữ hay môn khác.

Trả lời: Không phải vậy. Không giống như Anh hay Mỹ, Phần Lan không có quan niệm môn nào quan trọng hơn môn nào.

Các môn là như nhau. Mục tiêu là giúp thế hệ trẻ có một nền giáo dục mở rộng, không chỉ tập trung học riêng một môn nào.

Hỏi: Ở Phần Lan học sinh có quyền quyết định mục tiêu thành tích của mình, từ đó các bài tập giao cho các em là nhằm đạt mục tiêu đó. Như vậy có rủi ro là nhiều em giỏi nhưng đặt mục tiêu không cao, để các em có nhiều thời gian vui chơi.

Đáp: Không phải vậy. Các mục tiêu và tiêu chí học tập được xác định trong giáo án cho các em có năng lực khác nhau. Giáo viên sẽ trò chuyện với các em về mục tiêu các em muốn đạt cho bản thân mình. Được tham gia thảo luận mục tiêu cho động lực học tập của các em sẽ được thúc đẩy.

Hỏi: Có phải học sinh sẽ không được chia nhóm theo cách thông thường mà thay vào đó các em có thể bắt nhóm với các bạn có cùng sở thích?

Đáp: Không phải.

Giáo viên sẽ phải chịu trách nhiệm với học sinh. Các nhóm học tập là để giúp đảm bảo các mục tiêu đưa ra trong giáo án có thể đạt được. Nên các trường học sẽ nhóm các học sinh với nhau theo nhiều cách phụ thuộc xem các em đang học gì và như thế nào. Một số em thích nói khi học, trong khi có các em lại thích im lặng.

Hỏi: Những học sinh thông minh sẽ không còn được bồi dưỡng bởi vì việc học nhiều không còn cần thiết.

Đáp: Không hẳn vậy

Nếu học sinh sớm đạt được điểm cao nhờ học nhiều, thì nó sẽ đúng. Có những lúc học thuộc lòng có tác dụng ví như học bảng cửu chương. Nhưng thay vì học vẹt, giáo trình mới nhấn mạnh vào kỹ năng như học xem mình phải học thế nào, tư duy phản biện, kỹ năng tương tác, khả năng sử dụng công nghệ. Thế giới đang thay đổi, trường học và việc học cũng phải thay đổi theo.

Hỏi: Ở Phần Lan không có bài tập về nhà?

Đáp. Không phải.

Ngược lại ở Phần Lan vì giờ học trên lớp ít nên trẻ sẽ được giao bài tập về nhà.

Hỏi: Sẽ không còn thi cử ở Phần Lan?

Đáp: Không phải.

Việc đánh giá sẽ trở nên liên tục, mang tính định hướng và hỗ trợ. Điểm không chỉ dựa trên kết quả kiểm tra. Các bài kiểm tra là một phần của quá trình học, nhưng không phải trọng tâm. Học sinh có thể thể hiện khả năng thông qua việc tự làm các dự án, hay thuyết trình. Nếu thi trượt, có thể làm lại, và rút ra được nhiều điều từ đó.

Hỏi: Như vậy Giáo viên sẽ trở thành siêu nhân vì phải áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, cũng như phải biết nhiều kỹ năng mới, kể cả như lập trình.

Đáp: Không phải.

Giáo trình mới sẽ đặt ra một số thách thức về phương pháp dạy học cho giáo viên. Cũng cần thời gian thích nghi. Nhưng thách thức lớn nhất là thay đổi vai trò chứ không phải kỹ năng. Giáo viên sẽ không còn là người cung cấp thông tin, và học sinh là người nghe bị động. Phần Lan muốn trường học trở thành một cộng đồng nơi mọi người học hỏi lẫn nhau – kể cả người lớn cũng học hỏi từ trẻ em. Các kỹ năng về công nghệ và lập trình sẽ được dạy cùng nhiều môn khác. Để hỗ trợ thầy cô giáo sẽ có những gia sư chuyên về kỹ thuật số.

9 thực tiễn thú vị về giáo dục cơ sở 9 năm ở Phần Lan

  1. Bảy tuổi là tuổi bắt đầu đến trường của trẻ. Giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm và trẻ sẽ tốt nghiệp khi 17 tuổi. Toàn bộ trẻ phải có một năm học dự bị.
  2. Sách giáo khoa, học phí, các trang thiết bị tài liệu học tập sẽ được cung cấp miễn phí trong vòng 9 năm.
  3. Học sinh được ăn một bữa miễn phí trên trường hàng ngày.
  4. Ngày học không kéo dài quá năm tiết đối với học sinh lớp một và hai, và không quá bảy tiết với học sinh lớp lớn hơn. Mỗi tiết là 45 phút.
  5. Không có các kỳ thi hay các bài kiểm tra xếp hạng.
  6. Một năm học có 190 ngày, bắt đầu giữa tháng 8 và kết thúc cuối tháng năm. Học sinh Phần Lan có 10 tuần nghỉ hè cũng như nghỉ lễ mùa thu, nghỉ Giáng sinh và nghỉ đông, thường vào tháng 2.
  7. 99.7% thế hệ trẻ ở Phần Lan hoàn thành giáo dục cơ sở.
  8. Sư phạm là ngành phổ biến và rất khó thi vào. Năm 2014 chỉ có 9% thi sinh đậu vào kỳ thi tuyển giáo viên của trường đại học Helsinki.
  9. Giáo viên dạy trẻ từ lớp 1 đến 6 phải có bằng thạc sỹ giáo dục. Từ lớp 7-9 phải có thêm bằng thạc sỹ về môn dạy, cũng như có học vấn cao.

Sự cân bằng giữa hoạt động thể chất và tinh thần, đồng thời để trẻ học tập theo khả năng và thế mạnh của bản thân khiến con người Phần Lan ngay từ nhỏ đã phát triển một cách toàn diện. Phần Lan đề cao óc sáng tạo và sự tự do, bởi họ hiểu chỉ khi con người cảm thấy có động lực từ trong chính bản thân mình, họ mới có thể giải phóng những khả năng tiềm ẩn và đóng góp được cho đất nước. Có thể nói, nền giáo dục Phần Lan chất lượng cũng nhờ tầm nhìn sâu sắc, thiết thực của chính phủ: đi từ gốc của vấn đề, xây dựng và phát triển một nền móng vững chãi trong nhận thức của con trẻ, và trợ giúp chúng tối đa để trở thành những đứa trẻ tài năng có học thức.

Theo Finland.fi

Lê Anh

Xem thêm: