Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Từ xa xưa, đồ gốm đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân dân ta. Gốm cổ Việt Nam với lịch sử lâu đời đã trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính dân gian đặc sắc. Khi nói đến gốm cổ, chúng ta không thể không nhắc đến 3 làng gốm nổi tiếng xứ Kinh Bắc, nơi được xem là cội nguồn của gốm cổ Việt Nam.

Ảnh: youtube.com

Gốm cổ truyền Việt Nam đã có cách đây sáu, bảy ngàn năm. Gốm xuất hiện trong những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ Long… Rồi lại thấy xuất hiện trong di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun… Có thể nói, đồ gốm cổ truyền nước ta đã có những bước phát triển cao và hết sức phong phú.

Ảnh: vietnammoi.vn

Theo truyền thuyết xa xưa, sự xuất hiện của đồ gốm, đồ sứ như một điều bí mật, linh thiêng. “Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có thổ địa canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó mới biến thành gốm, sứ…”

Trong giai đoạn Phùng Nguyên (cách đây gần 4.000 năm) kỹ nghệ gốm ở nước ta đã phát triển mạnh. Con người thời đó đã nghĩ ra bàn xoay và chế tạo ra thứ men để phủ ngoài, tăng thêm vẻ đẹp cho đồ gốm. Cho tới thời Âu Lạc, kỹ nghệ gốm đã có bước phát triển vượt bậc so với ban đầu. Nghề nung gạch, làm ngói… cũng đã có từ đó đến tận ngày này.

Tuy nhiên, phải đến thời kỳ Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV) gốm sứ mới có thời kỳ phát triển toàn thịnh. Đó là những năm đất nước phồn thịnh, kinh tế mạnh mẽ, quân sự vững mạnh, văn hóa phát triển, đất nước an bình, mọi kỹ nghệ được khuyến khích phát triển.

Tương truyền, vào khoảng thời Lý – Trần (1009 – 1225) có người đỗ Thái học sinh (đặc biệt chức Thái học sinh thì mới có từ thời Trần) được cử đi sứ sang Trung Quốc (960 – 1127) là: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Ninh Bình), Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc), Lưu Phong Tú, người làng Kẻ Sặt (Hải Dương). Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông thì ba ông gặp bão phải nghỉ lại đây. Tại đây, có lò gốm rất nổi tiếng nên ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm. Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm lễ truyền nghề cho dân làng. Ông Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, ông Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng và ông Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bồ Bát (Bát Tràng).

Khi ba ông lấy các đồ gốm do tự tay mình chế được dâng Vua xem, nhà Vua thấy rất đẹp, liền khen thưởng các quan sứ thần bốn chữ “Trung ái Quán Thế” và phong cho ba ông danh “Khởi nghệ tiên triết”. Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ linh đình. Sau khi dâng ba tuần rượu, dân làng nhảy múa hoan hô để biểu dương các ngài đem nghề về truyền cho dân. Sau khi ba ông mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư” (tức Tổ nghề).

Gốm Thổ Hà

Đình làng Thổ Hà. (Ảnh: mytour.vn)

Từ xưa, gốm Thổ Hà đã được bán rộng rãi ở kinh thành Thăng Long. Vào thời vua Lê Hy Tông (1680-1705) có hai người dân Thổ Hà đến ở chùa Hà (Từ Liêm, Hà Nội) để bán các đồ gốm sứ ở các chợ trong ngoài thành Thăng Long. Trước đó, chùa xây vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) bằng gạch vồ, lợp lá gồi nhưng nhờ buôn bán phát đạt, thuận lợi nên hai gia đình đã tình nguyện góp một số tiền lớn cùng dân trong xóm xây dựng lại chùa Hà theo quy mô lớn bằng gạch ngói như hiện nay. Hiện tại, chùa Hà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người Thổ Hà xưa.

Ảnh: diadiemdulich.com

Điểm đặc trưng của gốm Thổ Hà là không dùng men, gốm được nung ở nhiệt độ cao để tự chảy men ra và thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc, dù chôn xuống đất hay ngâm trong nước hàng trăm năm nó vẫn giữ được màu như lúc mới ra lò. Do vậy, đồ gốm Thổ Hà để nghìn năm không bị mất màu nhờ kỹ thuật nung tốt.

Để có thể cho ra đời những sản phẩm chum vại, tiểu sành,… có màu nâu sẫm, màu da lươn bền đẹp, người làm gốm phải mua đất sét từ Choá ở huyện Yên Phong cách xa gần 10km, hoặc mua đất sét ở Xuân Lai cách đó 12km và phải chở qua sông rất vất vả. Đất sét phải là loại sét vàng, sét xanh, ít sạn và tạp chất để dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao, nhờ vậy nghệ nhân gốm Thổ Hà có thể tạo ra các sản phẩm gốm với dung tích cỡ lớn 400 – 500 lít.

Hiện tại, tuy chỉ còn duy nhất một gia đình làm nghề gốm cổ ở Thổ Hà nhưng các sản phẩm làm ra vẫn kế thừa tinh hoa của ông cha nên vô cùng đẹp và tinh tế, giữ được nét đặc trưng của gốm Thổ Hà truyền thống.

Gốm Phù Lãng

Ảnh: traihevietnam.vn

Gốm Phù Lãng nổi tiếng với các sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu…mà người ta gọi chung là men da lươn. Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ, dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét điêu khắc tạo hình.

Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, gốm Phù Lãng được tạo nên từ đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang).

Ảnh: baotayninh.vn

Công đoạn đầu tiên quyết định đến nét riêng của gốm Phù Lãng chính là chọn đất và xử lý đất sét. Bởi đất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo cao. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới được. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm. Dưới bàn tay của người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.

Đối với từng loại sản phẩm thì cách làm lại có sự khác nhau, gốm gia dụng và gốm trang trí sẽ được làm trên bàn xoay. Riêng đồ tín ngưỡng sẽ được in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại.

Ảnh: quehuongonline.vn

Điều làm nên sự đặc biệt trong sản phẩm gốm của làng nghề Phù Lãng đó là đến nay, làng vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế được.

Đến Phù Lãng vào bất cứ thời điểm nào trong năm, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra những nét đặc trưng rất điển hình của một làng gốm. Đâu đâu cũng thấy những sản phẩm gốm được xếp đầy trong làng.

Gốm Bát Tràng

Ảnh: sites.google.com

Phường gốm Bồ Bát sau khi rời ra ngoài Bắc, dọc theo con sông Hồng, tới một bãi sông có đất sét trắng, nhận thấy đây là mảnh đất phù hợp, họ dừng lại lập lò gốm ở đó, với tên gọi Bạch Phường thổ, sau này đổi là Bát Tràng phường. Và ngày nay, chúng ta vẫn quen gọi là Bát Tràng.

Gốm Bát Tràng hầu hết được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ nét tài hoa sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men tạo ra theo kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm nên đồ gốm sứ Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả màu ngà, đục.

Ảnh: chuyengomsuviet.blogspot.com

Bát Tràng có 5 dòng men đặc trưng được thể hiện qua mỗi thời kì khác nhau tạo nên những sản phẩm gốm độc đáo và đẹp mắt: Men lam xuất hiện đầu tiên ở Bát Tràng từ thế kỉ 14. Người thợ Bát Tràng sử dụng men lam đồng thời với kĩ thuật dùng bút lông làm công cụ vẽ trên các sản phẩm gốm sứ. Men lam không để trần như men nâu mà bao giờ cũng được phủ lớp men màu trắng bóng ở bên ngoài, có độ thủy tinh hóa cao sau khi nung. Men lam có sắc độ từ xanh chì đến xanh sẫm, xanh đen.

Ảnh: chogombattrang.vn

Men nâu thể hiện theo phong cách truyền thống và được vẽ theo kĩ thuật men lam. Trên các đồ gốm có niên đại thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15, men nâu được dùng tô lên các đồ án trang trí kết hợp với men nền màu trắng ngà bao gồm chân đèn, thạp, chậu, âu, đĩa…Men nâu có sắc độ đỏ nâu hay gọi là màu bã trầu, men này không bóng, trên bề mặt men thường có vết sần. Men nâu còn được dùng phủ toàn bộ rồi cạo bỏ phần men tạo thành đồ án hoa văn mộc.

Ảnh: bangomsubattrang.com

Men trắng (ngà) sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19. Men trắng, nhiều trường hợp ngả màu vàng ngà, bóng khi nhiệt độ nung đạt độ cao nhưng cũng nhiều trường hợp có màu trắng xám, trắng sữa, đục. Cùng với kiểu dáng và trang trí, men trắng ngà cũng tạo nên một nét riêng biệt của đồ men gốm Bát Tràng.

Ảnh: chogombattrang.vn

Men ngọc được dùng cùng với men trắng ngà và nâu. Men ngọc, men ngà và nâu tạo ra một dòng Tam thái rất riêng của gốm Bát Tràng thế kỉ 16–17. Trên chân đèn men ngọc tô lên những bông sen nổi, băng hoa tròn của dải cánh sen các bông hoa tròn hình bánh xe, các hình rồng, các bông hoa nổi đường diềm quanh vai. Men ngọc còn dùng vẽ mây, tô lên nhiều góc mảng diềm, đế và các cột dọc của long đình; men rêu sắc sẫm ở các cột vuông mô hình nhà 2 tầng hay một số mảng đường diềm lư hương chữ nhật. Men ngọc, sắc nhạt, trên chân đèn, đế nghê. Trên lư hương tròn men ngọc thấy điểm vào 4 hình chữ S nổi giữa thân và chân cùng một đôi chỗ trên bụng. Men ngọc sắc sẫm còn thấy tô trên một số mảng trang trí nổi, hình nghê của lư tròn và trên diềm trang trí nổi chân trước tượng nghê.

Ảnh: gomsubattrang.16mb.com

Men rạn là dòng men chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỉ 16 và phát triển liên tục qua các thế kỉ 17–19. Men rạn là một loại men gốm Bát Tràng độc đáo tạo ra do sự chênh lệch về độ co giữa xương gốm và men. Thế kỉ 18 Bát Tràng còn sản xuất nhiều đồ gốm men rạn có ghi niên đại. Đỉnh gốm men rạn chế tạo năm 1736, men rạn có màu trắng xám. Một đỉnh gốm men rạn khác, có nắp, thân và đế, chế tạo vào khoảng năm 1740 – 1768 lại dùng men rạn có màu vàng ngà… Về sau trên các đồ gốm, thợ Bát Tràng còn đắp nổi, khắc chìm hoặc không trang trí, men rạn có màu trắng xám.

Ảnh: angomsubattrang.com

Trải qua hàng trăm năm lịch sử với bao thăng trầm, biến cố 3 làng gốm cổ xưa kia giờ đây vẫn mang trong mình nguồn sống mãnh liệt và tinh hoa của người thợ làm nghề. Từng đường nét họa tiết, hoa văn từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đều mang những ý nghĩa lớn lao, là công sức, tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha.

Huệ Nhi