Hồng trần cuồn cuộn, trong dòng chảy mang tên “tiến bộ và phát triển”, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường “hội nhập”. Tuy nhiên, thuận theo việc cởi mở đón nhận cái mới, những điều mang cốt cách và linh hồn dân tộc cũng dần phai nhạt và bị lãng quên.

Chuyên đề “Việt Nam trong tôi” mong muốn tìm lại một Việt Nam tươi đẹp với thiên nhiên trong trẻo, thơ mộng và hùng vĩ, một Việt Nam hồn nhiên, mộc mạc trong từng nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, một Việt Nam mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã dưỡng thành những con người đẹp nhân cách, đẹp cả tấm lòng.

Với tất cả sự chân thành và nhiệt tâm, mời quý độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên bước lên chuyến hành trình tìm lại Việt Nam trong mỗi chúng ta.

Đón xem: VIỆT NAM TRONG TÔI

***

Trong gia đình truyền thống Việt Nam, bữa cơm không chỉ là nơi mọi người dùng bữa mà còn là nơi để các thành viên thể hiện sự quan tâm, yêu thương và gắn kết với nhau. Tình cảm gia đình, họ hàng, xóm làng trong văn hoá truyền thống Việt Nam được thể hiện trọn vẹn qua mâm cơm tròn.

Từ xưa đến nay, bữa cơm trong quan niệm của người Việt là vô cùng quan trọng. Nếu người Phương Tây không coi trọng bữa cơm gia đình, con cái trưởng thành đều ra ở riêng thì người Việt lại có thói quen cả nhà cùng nhau dùng bữa cơm chiều. Với các gia đình xưa, bữa cơm luôn được chú trọng.

(Ảnh: ngotoc.vn)

Trong giai đoạn đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày làm việc. Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối, trải chiếu ra ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày.

Gia đình xưa của người Việt Nam chúng ta thường rất đông thành viên và có đến 4 – 5 thế hệ chung sống cùng nhau. Do đó, vai trò của người phụ nữ trong việc bếp núc là rất quan trọng. Bữa cơm cũng hàm chứa ý nghĩa to lớn, phải theo đúng nghi thức, theo đúng trật tự, nề nếp của truyền thống “Tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường”.

(Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn)

Trung tâm của mâm cơm chính là ông bà, cha mẹ; con cháu phải thể hiện được lòng tôn kính, sự hiếu thảo ngay từ khi chưa bước vào mâm cơm. Và nghi thức đầu tiên phải thực hiện là “mời cơm”. Khi ngồi trong mâm cơm, trước khi bưng bát, cầm đũa, việc mời cơm trong gia đình là điều không thể thiếu. Người ít tuổi mời những người nhiều tuổi hơn: “Mời ông bà, cha mẹ, anh chị dùng cơm”.

Xưa kia, những điều người lớn dạy trẻ con trên mâm cơm thể hiện nếp văn hóa rất cao, cho dù đó là những gia đình bình dân vẫn phải giữ đúng nếp nhà. Đó là những điều cấm kỵ như: ăn không được ngậm đũa, không được quơ đũa trên dĩa thức ăn hay xóc bới thức ăn, không được dọng đũa xuống mâm cơm, không được gõ muỗng đũa vào miệng chén hay miệng nồi… Có rất nhiều thứ người lớn dạy dỗ trẻ nhỏ qua bữa ăn, mà đây vốn là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực.

Có lẽ, không ít người vẫn còn nhớ hình ảnh bữa cơm trong các gia đình nông dân Việt Nam chúng ta. Đó là những bữa cơm vợ chồng, con cái xúm xít nhau ngay bên bờ ruộng, góc rẫy hay trong chòi canh. Những bữa cơm đúng nghĩa “chia ngọt, sẻ bùi”, thấm đẫm mồ hôi nhọc nhằn, nhưng chứa chan biết bao yêu thương, gắn bó để cùng nhau vượt qua vất vả, gian nan. Đôi lúc có cả những bà con hàng xóm cùng ngồi chung mâm. Sự gắn bó giữa cha mẹ, con cái, hàng xóm láng giềng thể hiện vẹn nguyên bên mâm cơm đạm bạc nhưng thẫm đẫm tình người.

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”

Bữa cơm gia đình còn được xem như linh hồn của hạnh phúc, sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ “sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Bữa ăn gia đình, đặc biệt là bữa ăn gia đình nhiều thế hệ là một không gian văn hóa thể hiện quá trình tiếp nối và bảo lưu văn hóa tạo nên nét độc đáo riêng biệt trong văn hóa gia đình Việt. Ở đây, yếu tố văn hóa không chỉ được truyền tải qua sự đầm ấm của bữa ăn, mà còn được gìn giữ trong những khuôn phép cổ truyền.

(Ảnh: baoninhthuan.com.vn)

Ý nghĩa, vai trò của bữa cơm gia đình Việt Nam vẫn không bao giờ thay đổi, dù xã hội luôn đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan mà nhiều gia đình Việt chuyển từ truyền thống sang hiện đại, gia đình một thế hệ, hai thế hệ dần xuất hiện và thay thế cho gia đình nhiều thế hệ có từ trước tới nay. Điều này làm cho các bữa cơm gia đình đang ngày càng trở nên tẻ nhạt, thiếu đi sự quan tâm chăm sóc cho nhau, không những về mặt vật chất mà cả về tinh thần.

Cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con rồi đi chợ nấu cơm. Tuy nhiên, bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận làm thêm giờ, lúc thì con phải đi học thêm… Bữa cơm thường được ăn nhanh chóng để mỗi người một việc, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hôm sau, khoảng thời gian tận hưởng và chia sẻ cùng nhau dường như cũng ít dần đi.

Bữa cơm gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa gia đình người Việt. Dù xã hội đổi thay đến đâu, gia đình vẫn luôn nắm giữ những giá trị cốt lõi, là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng cho tâm hồn. Nơi đó, có tình người, có hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng đáng quý. Vậy nên, dù cho bất cứ ai có ngược xuôi trên khắp nẻo đường đời thì vẫn không thể nào quên được hương vị của bữa cơm gia đình – một nét đẹp văn hóa truyền thống trong gia đình Việt Nam.

(Ảnh: sapatrading)

Video xem thêm: Có những người chỉ vì mưu sinh mà phải dốc hết những gì mình có

videoinfo__video3.dkn.tv||19d011cbc__