Bạn còn nhớ trường học toa tàu, nơi những đứa trẻ có thể học bất cứ những gì chúng thích theo đúng mong muốn và nhịp độ của mình. Nơi những đứa trẻ có quyền trèo cây và ngồi trên đó ngắm cảnh cùng bạn bè và học về những món ăn đến từ lòng đất, hay ngoài biển khơi. Ở các nước phương Tây, thực sự cũng có những ngôi trường lý tưởng như vậy.
Những ngôi trường bên ngoài truyền thống, trong lòng thiên nhiên
Trèo cây, nếm mưa, nghịch đất và chạy nhảy là một vài những hoạt động phổ biến tại các trường mầm non trong rừng, những ngôi trường nằm ngoài truyền thống, đang được các quốc gia phương Tây yêu chuộng. Trường học trong rừng tưởng chừng chỉ xuất hiện trong các câu chuyện cổ tích, nhưng nó đang thực sự hiện hữu khắp các nơi tại Đức, các nước Bắc Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Đúng như tên gọi, những học sinh theo học những ngôi trường này sẽ dành hầu hết hoặc ít nhất là một nửa thời gian ở trường để hoạt động trong rừng … mỗi ngày, bất kể trời đẹp hay xấu, mưa hay có tuyết. Những đứa trẻ từ 2 đến 6 tuổi sẽ làm quen với một môi trường thiên nhiên cố định (có thể là một công viên thành phố, hoặc một khu vực nhỏ trong những khu rừng thuộc một đại học nông lâm).
Ở đó, chúng ta có thể bắt gặp lại cảm giác “tự do” đầy thú vị trong câu chuyện “Totto-chan cô bé bên cửa sổ” khi chứng kiến những đứa trẻ có đủ không gian và thời gian để chạy nhảy, trèo cây, làm vườn, hát ca và nhảy múa.
Nếu bạn may mắn có một tuổi thơ thú vị ở quê nhà với những trưa hè trèo cây, tắm sông hay những buổi chăn trâu, thả diều trên đồng, có lẽ bạn đã có thể cảm nhận trọn vẹn được những gì mà những đứa trẻ tại “trường học trong rừng” trải qua mỗi ngày. Điểm khác biệt duy nhất là những trẻ nhỏ này có người hướng dẫn và chúng cũng được học thêm những kiến thức toán học, khoa học, vẽ tranh và chơi nhạc trong không gian rộng lớn này.
Ý tưởng nuôi dưỡng trẻ em nhỏ tuổi lạ lùng này xuất phát từ Đức vào cuối thế kỷ 18. Sau đó nó nhanh chóng được người Bắc Âu đón nhận và phát triển. Hoa Kỳ, đất nước của những đứa trẻ mất kết nối với thiên nhiên cũng nhanh chóng nhập cuộc. May mắn nhất, những đất nước kể trên đều là các quốc gia bảo tồn tốt hệ sinh thái và những khoảng xanh của mình.
Hiện nay, tại Đức có đến 700 trường mầm non trong rừng (chiếm khoảng 10% các trường mầm non trên toàn quốc). Số lượng các trường học theo mô hình này cũng chiếm tỉ lệ tương tự tại Hoa Kỳ.
Những đứa trẻ lớn lên giữa rừng xanh, sự khác biệt nằm ở đâu?
Người dân các nước phương Tây nhận ra rằng, sự phát triển của các thành phố khiến cho những đứa trẻ của họ mất đi rất nhiều khoảng không thiên nhiên để khám phá và học hỏi. Những đứa trẻ vì thế ngày càng “ngại tiếp xúc với thiên nhiên”, chúng chìm đắm trong những trò chơi ảo, những thế giới không thật và theo sau đó là rất nhiều hệ lụy về sức khỏe: bệnh béo phì, chứng căng thẳng tâm lý trong các trường học là những ví dụ điển hình.
Đó là một trong những lý do thôi thúc người Tây phương đưa những đứa trẻ của mình trở lại với thiên nhiên. Những chương trình học mẫu giáo trong rừng tuy khác nhau về cách thức thực hiện nhưng lại hướng đến mục tiêu chung: Giúp trẻ em kết nối lại với thiên nhiên, ngôi nhà vĩ đại, và giàu có của mỗi người. Sự kết nối này được cho là rất quan trọng cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra sự khác biệt mà trường học trong rừng mang đến cho những đứa trẻ. Kết quả khiến nhiều cha mẹ mong muốn con mình cũng được hưởng một chương trình học như vậy.
Đặc điểm lớn nhất của thiên nhiên chính là sự đổi thay từng ngày, từng giờ. Chính sự thay đổi liên tục này là nguồn kiến thức bất tận cho sự quan sát và học hỏi của trẻ. Trong những lớp học, các cô giáo luôn có thể lên kế hoạch cho những bài giảng. Nhưng trong rừng, những điều cô và trò cùng khám phá mỗi ngày đều là những bất ngờ mà thiên nhiên ngày hôm đó mang đến.
Sự bất ngờ, những điều mới mẻ luôn là động lực tốt nhất tạo nên sự hứng thú và ham thích tìm hiểu ở những đứa trẻ. Vì thế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ học “trong rừng” có trí tưởng tượng tốt và phong phú hơn những đứa trẻ học “trong nhà”.
Thêm vào đó, thiên nhiên rộng lớn và biến đổi liên tục chính là môi trường thuận lợi nhất để trẻ thực sự học được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
Việc chạy nhảy, nô đùa trong một không gian rộng lớn cũng góp phần khiến trẻ em có được cân nặng hợp lý và sự phát triển vận động tối ưu đối trong độ tuổi của các con.
Bên cạnh đó, một trong những hoạt động được yêu thích của các lớp học mẫu giáo trong rừng, đó là “giờ kể chuyện”, nơi những đứa trẻ kể cho nhau nghe những khám phá của chúng trong ngày. Sự hứng thú khiến cho những đứa trẻ thoải mái trao đổi và hào hứng với những điều mới mẻ mà chúng học được.
Bạn có nghĩ điều đó là lý do khiến các con có trau dồi kỹ diễn đạt cũng như khả năng lắng nghe người đối diện? Các nhà khoa học Hoa Kỳ hoàn toàn đồng ý với giả thuyết này.
Con người không thể ở trong thiên nhiên một cách thoải mái nếu chỉ có một mình. Những hoạt động của trẻ ở các trường mẫu giáo trong rừng thường xuyên diễn ra theo nhóm. Trẻ nhỏ sẽ cùng nhau khám phá, cùng nhau trải nghiệm những điều mới mẻ.
Làm việc cùng nhau trong những hoạt động ngoài trời sẽ tạo cho trẻ sự hòa đồng, khả năng phối hợp, thậm chí là kỹ năng đàm phán. Các nghiên cứu cho thấy, “những đứa trẻ của rừng” có khả năng thích ứng xã hội tốt hơn.
Đặc biệt, kết nối lại với thiên nhiên là liều thuốc phòng chống căng thẳng hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ. Việc trở về với thiên nhiên sẽ giúp các con giải tỏa được những lo âu, muộn phiền trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là cuộc sống gò bó nơi phố thị.
Để các con được học trong thiên nhiên, lớn lên trong vòng tay của mẹ Thiên nhiên và sự chăm sóc của các cô giáo, sẽ giúp trẻ hiểu, khi gặp khó khăn và bế tắc trong cuộc sống, chúng có thể trở về trong vòng tay rộng lớn của Mẹ thiên nhiên để tìm lại sự cân bằng, thay vì nộp mình cho ma túy hay rượu chè. Những “đứa trẻ của rừng” vì thế cũng có sự cân bằng tâm lý tốt hơn những trẻ cùng tuổi, học ở các trường mẫu giáo truyền thống.
Những ngôi trường bước ra từ câu chuyện cổ tích muốn nói với chúng ta điều gì?
Mô hình trường mầm non trong rừng thực sự lý tưởng cho sự phát triển của những đứa trẻ. Tuy nhiên, nó có thực sự là một mô hình phù hợp với những cánh rừng nhiệt đới ẩm, rậm rạp của nước ta? Đây là một trong rất nhiều câu hỏi cần suy nghĩ dành cho các nhà làm giáo dục.
Tuy vậy, ở vị trí là phụ huynh, hay giáo viên – những người muốn mang đến những điều tốt nhất cho trẻ em, chúng ta học được gì từ những lớp học, những ngôi trường trong thiên nhiên này? Khi nhìn hình ảnh những đứa trẻ phương Tây say sưa khám phá thế giới xung quanh, những khuôn mặt đầy ngạc nhiên, những ánh mắt háo hức học hỏi, bạn có nhận ra những điều mà những đứa trẻ mẫu giáo thực sự cần?
Các con liệu có cần những buổi học thêm nội dung của lớp 1, hay học thật nhiều anh văn, học thêm cả tính toán? Sự phát triển hài hòa của một đứa trẻ không chỉ do những kiến thức được chuẩn bị trước tạo thành. Điều các con cần là một sự chuẩn bị về những kỹ năng có thể giúp con phát triển trong môi trường học tập: sự tìm tòi, khám phá, trí tò mò, khả năng quan sát, khả năng phối hợp với bè bạn, khám phá thiên hướng nghệ thuật, khả năng tìm kiếm sự cân bằng tâm lý v.v.
Đặc biệt, những đứa trẻ có thể học điều này một cách thật tự nhiên qua những trò chơi, qua sự giao tiếp với bạn bè. Vậy, thay vì cho con đi học chữ, học tính toán khi chưa vào lớp một, chúng ta có nên để trẻ có được cơ hội hiểu được “học là một niềm vui” một cách thật tự nhiên khi được đắm mình trong thiên nhiên tươi đẹp?
Nguồn ảnh: Dẫn theo lostbird, afamily
Hy Văn