Những lời tâm sự xúc động của cô Phạm Thị Bích Ngọc (29 tuổi), chủ nhiệm lớp 1A1, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) được chia sẻ lại trên VnExpress đã khiến nhiều giáo viên phải suy nghĩ…
Cô Ngọc tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục tiểu học và làm việc tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) được hơn 5 năm. Trong suốt thời gian đó, cô giáo trẻ đã không ít lần vấp ngã, để rồi nhận ra rằng: giáo dục trẻ nhỏ cần một trái tim bao dung vô cùng.
Cô Ngọc kể, cũng như nhiều giáo viên khác, khi mới bắt đầu bước vào nghề, cô đặt mục tiêu trở thành một giáo viên nghiêm khắc để “ép” học sinh học tập thật chăm chỉ và đạt thành tích cao. Cô nghĩ rằng, đó là điều tốt nhất mình có thể làm cho học trò, bởi những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu học tập quan trọng như thế nào cho chúng trong tương lai
Sau một năm làm việc ở trường, cô được phân công chủ nhiệm lớp 1. Ban đầu, cô mừng lắm, hồ hởi nhận công việc mới nhưng rồi, mọi chuyện bắt đầu không như tưởng tượng…
Hàng ngày phải đối mặt với 30 học sinh với 30 cá tính, cô cảm thấy bị “xoay” như chong chóng. Các em lớp 1 vẫn còn quá bé bỏng, ngoài việc tập đọc, tập viết thì hay thưa gửi, kiện cáo từ việc nhỏ nhất, lúc thì “bạn này lấy bút của con”, lúc thì “cô ơi con muốn đi vệ sinh”, “cô ơi bạn đánh con”…
Một tuần lễ, cô chỉ ngủ trọn vẹn hai đêm là thứ bảy và chủ nhật, còn những đêm khác thì phải thức soạn bài, chấm bài và rất nhiều công việc không tên khác. Chỉ sau một tháng nhận lớp, cô đã cảm thấy kiệt sức.
Không chỉ vậy, cô còn không nhận được sự tin tưởng của phụ huynh vì… quá trẻ! Họ lo rằng, cô chưa có kinh nghiệm để dạy dỗ con cái của họ nên thường thể hiện sự nghi ngờ. Điều này càng làm cô quyết tâm “chinh phục” phụ huynh. Và cũng từ đây, cô bắt đầu phạm phải những sai lầm đáng tiếc.
Vì muốn học sinh trở thành trò ngoan, trò giỏi, có kết quả học tập cao, cô đã vô tình tạo ra áp lực lên lũ trẻ. Theo như lời kể, khi ấy, cô đã vô tâm với thế giới tâm hồn trong trẻo, ngây thơ của chúng. Vậy nên, dù học sinh tiến bộ về điểm số theo từng tuần, từng tháng nhưng các phụ huynh không hề hài lòng về cô.
Đỉnh điểm nhất là khi cả nhà một học sinh trong lớp, gồm cả ông, bà, bố mẹ đến thẳng phòng thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhà sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm) bày tỏ bất bình. Họ không muốn cô làm việc với con cháu họ nữa.
Từ khi nhận được quyết định dừng chủ nhiệm lớp, cô Ngọc bắt đầu suy sụp, hờn tủi, nhưng vẫn không tìm được lý do mình đã sai ở đâu. “Tôi thấy mình rơi vào hố đen của sự thất bại. Tôi đã mất công việc, mất hy vọng và hơn hết là mất niềm tin vào chính mình”, cô kể lại về những chuỗi ngày căng thẳng đó.
Cũng trong thời gian này, cô sinh bé gái đầu lòng và trở thành một người mẹ. Cô tâm sự rằng, phải đến khi tận tay chăm sóc và dạy dỗ con mình lớn lên từng ngày, cô mới thấu hiểu những vất vả, trăn trở của phụ huynh và bừng tỉnh về cách dạy dỗ bọn trẻ. Khi nhìn những gương mặt, nụ cười, niềm vui, nỗi buồn của các em, cô mới nhận ra những điều chưa đúng của mình trước đây. Những điểm 9, điểm 10 suy cho cùng chỉ là những con số khô khan, trẻ con cần được vui, và quan trọng hơn cả là được yêu thương, chăm sóc.
Cô Ngọc bắt đầu thay đổi. Cô kiên nhẫn, lắng nghe những chia sẻ, cảm xúc của các con và dịu dàng hơn khi chúng mắc lỗi. “Tôi nhìn vào mắt các con nhiều hơn, mỉm cười nhiều hơn. Tôi dành những cử chỉ âu yếm cho tất cả bọn trẻ. Tôi bình tĩnh chờ đợi trẻ thay đổi từng ngày chứ không đặt ra các dấu mốc theo tuần, theo tháng như trước nữa”, cô kể lại.
Khi đến với các con bằng tình cảm của một người mẹ, tôi mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự mỗi ngày của mình khi được làm cô giáo, làm mẹ trên lớp 30 học sinh. Hạt mầm yêu thương đã được gieo xuống và tôi nhận lại trái ngọt là những tình cảm chân thật, ngây thơ trong sáng của các con.
(Cô Phạm Thị Bích Ngọc, chủ nhiệm lớp 1A1, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Kể từ khi “thay đổi để học sinh của mình được hạnh phúc hơn”, cô Ngọc đã cảm nhận được tình yêu thương từ tất cả học trò mình từng dạy. Các em đều xem cô là mẹ, là bạn, để chia sẻ tất cả, từ những khó khăn “Sao học chữ khó vậy cô?” cho đến từng hộp sữa “Cô có đói không? Cô uống sữa của con này”… Với một nhà giáo, đó có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất!
Video xem thêm: Trẻ nghịch ngợm là bình thường, quan trọng là sau đó giáo dục chúng như thế nào
Có thể bạn quan tâm: