“Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, là một trong những thành phố có số lượng ô tô tham gia giao thông nhiều nhất thế giới nhưng tai nạn giao thông thuộc diện thấp nhất”, một phóng viên hãng thông tấn Kyodo ( Kyodo News) cho hay.
Tokyo, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới với trên 12,5 triệu dân, diện tích 2187km2, mật độ gần 6.000 người/km2 (số liệu điều tra 1/10/2005). Bình quân một người dân Tokyo có 1,5 ô tô, dẫn đến tổng số ô tô các loại đang tham gia giao thông ở thành phố này khoảng 19 triệu chiếc. Đó là chưa kể xe ô tô vãng lai của những tỉnh, thành phố lân cận khác thường xuyên đi về Tokyo. Do vậy, mật độ ô tô tham gia giao thông trên các đường phố Tokyo dày đặc, có thể hình dung các TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, giờ cao điểm có nhiều xe máy lưu hành trên phố thì ở Tokyo còn nhiều ô tô hơn thế. Xe ô tô chạy nườm nượp trên các đường phố Tokyo nhưng rất ít có người vi phạm các lỗi chạy quá tốc độ quy định, dừng đỗ xe, vượt ẩu, va quệt….
Cũng theo tờ Journey Tokyo, các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong do tai nạn xe ở Nhật chỉ có 0.77, tỷ lệ này lần lượt ở Anh, Canada, Úc, Pháp, và Mỹ là 1.1, 1.2, 1.17, 1.59 và 1.77. Còn ở Việt Nam, số người tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm nằm trong top đầu của thế giới, nếu so sánh với Nhật thì sẽ khiến nhiều người phải “giật mình”. Điều gì đã khiến cho Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp đến như vậy?
Người tham gia giao thông vô cùng tôn trọng quy tắc
Ở Nhật, giáo dục về an toàn giao thông cho trẻ được thực hiện từ rất sớm. Ở cấp tiểu học, các chuyên gia về giao thông sẽ đến trường dạy cho trẻ những kiến thức về an toàn giao thông cả về lý thuyết lẫn thực tế. Giờ đến lớp và tan học, các em phải đội mũ hoặc đeo cặp màu vàng nổi bật để gây sự chú ý, nhằm cảnh báo những người lái xe trên đường, từ đó giảm tai nạn giao thông.
Ngoài ra, tốc độ lái xe ở Nhật cực kỳ… không nhanh. Khi đến giao lộ, người Nhật sẽ giảm tốc độ hoặc dừng lại nhìn trái phải, xác định không có người đi bộ rồi mới đi tiếp, chỉ số an toàn vì thế được tăng cao.
Đặc biệt, khi bạn qua đường mà gặp xe, đa số người lái xe ở Nhật đều sẽ chủ động nhường người đi bộ đi qua, và xe sẽ không chạy cho đến khi bạn qua được đường. Điều này bắt nguồn từ thái độ “luôn nghĩ cho người khác” vốn là giá trị đạo đức truyền thống ở đất nước mặt trời mọc.
Nhật Bản nghiêm cấm lái xe sau khi uống rượu
Ở Nhật Bản, việc lái xe sau khi uống rượu là phạm tội hình sự trong “Luật giao thông đường bộ”. Cụ thể, luật này quy định: Lái xe sau khi uống rượu sẽ bị thu hồi giấy phép lái xe, ngồi tù với thời hạn dưới 10 năm, thêm vào đó là phải chịu mức phạt 1 triệu Yên, đồng thời không được cấp giấy phép lái xe trong vòng từ 3-10 năm. Phạt nặng như vậy, tất nhiên sẽ ít ai dám lái xe sau khi uống rượu.
Đặc biệt, việc lái xe sau khi uống rượu là một hành vi khiến người ta ghét bỏ và là “kẻ thù của xã hội”. Người Nhật luôn đề cao trách nhiệm và kỷ luật nên đương nhiên sẽ không thể chấp nhận được điều này.
Chính phủ kiên trì thay đổi văn hóa giao thông
Tại Nhật Bản, các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân mang tính cưỡng chế trực tiếp không được sử dụng. Lý do là họ lo ngại sẽ vi phạm hiến pháp quy định về tự do đi lại của người dân. Vậy nên, họ chủ yếu áp dụng các biện pháp đánh vào kinh tế. Như ở Tokyo, phí đỗ xe được quy định ở mức rất cao khiến người dân thấy đi phương tiện công cộng rẻ hơn mà vẫn đến được điểm cần đến. Thực tế, khi đưa ra quy định này, đã có không ít người dân Nhật Bản phản đối. Tuy nhiên, chính sự tự tin và kiên trì của Tokyo đã khiến biện pháp này thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, ở Nhật Bản, làn riêng cho xe buýt được bố trí ngay cả trên những tuyến đường hẹp, mỗi bên chỉ có 2 làn đường. Điều này khiến giao thông chung đi lại khó khăn hơn nhưng chính quyền vẫn chấp nhận đánh đổi để khuyến khích người dân chuyển đổi hình thức đi lại từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng.
Với cách làm này, những người có thu nhập cao vẫn có thể sử dụng phương tiện cá nhân, nhưng với người thu nhập bình thường (chiếm đa số) thì chính sách tỏ ra rất hiệu quả. Nguồn tài chính thu được từ việc người dân chấp nhận trả phí cao để sử dụng phương tiện cá nhân có thể được sử dụng để trợ giá cho hệ thống giao thông công cộng.
Hơn nữa, việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân cũng nhận được sự ủng hộ của các công ty, doanh nghiệp – người Nhật gọi là “trách nhiệm xã hội”. Cụ thể, hơn một nửa các cơ quan Nhà nước của Nhật Bản thực hiện hạn chế nhân viên dùng xe riêng đi làm (muốn đi phải có giấy phép). Ngoài ra, trong khi tuyệt đối không hỗ trợ các khoản phí như xăng dầu, phí đỗ xe cho xe cá nhân, các đơn vị này lại hỗ trợ chi phí đi lại đối với những nhân viên sử dụng phương tiện cộng cộng.
“Khoản hỗ trợ này được tính vào chi phí của công ty và được Nhà nước miễn thuế. Nhân viên được hỗ trợ đi lại cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân với khoản tiền này”, Chuyên gia Takagi Michimasa cho hay.
Như vậy, hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, hiệu quả, cùng với ý thức chấp hành nghiêm pháp luật và những nỗ lực, kiên trì của Chính phủ là những yếu tố khiến tai nạn giao thông đường bộ ở Nhật Bản giảm thiểu đến mức tối đa, không nghiêm trọng như các đô thị ở Việt Nam.
Hiểu Minh