Hệ thống giao thông ở Hàn Quốc được đánh giá là hiện đại và thông minh hàng đầu thế giới, đạt đến một đẳng cấp mà thậm chí những quốc gia giàu có bậc nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Anh… cũng phải học tập.
Hệ thống giao thông ITS ‘công nghệ cao’
Ở Hàn Quốc, tất cả thông tin về phương tiện giao thông đều được số hóa. Năm 2011, Hàn Quốc đã hoàn thành việc lắp đặt cáp quang Internet tốc độ cao trên 3.500km đường cao tốc, tạo nên một mạng lưới giao thông thông minh quốc gia (ITS), qua đó nâng cấp hệ thống giao thông nước này lên một tầm cao mới.
Theo CNN, hệ thống giao thông ITS đã giúp thành phố tiết kiệm thời gian, tiền bạc; tăng tốc độ lưu thông trung bình từ 20 lên 24km/h chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, đồng thời cắt giảm tới 1,5 tỷ USD/năm chi phí khắc phục hậu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Theo đại diện KOTI (Viện giao thông Hàn Quốc), chi phí phát triển hạ tầng ITS chỉ chưa đến 1% chi phí cần thiết để xây một đường cao tốc 4 làn. Do đó, Hàn Quốc chưa bao giờ tiếc tiền đầu tư cho ITS.
ITS được ứng dụng trong mọi loại hình giao thông ở Hàn Quốc và đặc biệt phát triển ở thủ đô Seoul. Hệ thống tập hợp đầy đủ các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Dịch vụ quản lý xe buýt, hệ thống thẻ giao thông công cộng, hệ thống thu vé tự động, hệ thống phát thanh truyền hình giao thông, cảnh sát và Ủy ban Giao thông đường bộ (KoRoad) để giám sát và quản lý tất cả tình hình giao thông ở Seoul.
Bằng cách truy cập website, người ta có thể kiểm tra tình trạng giao thông hiện tại, vị trí tắc đường, vị trí các bãi đỗ xe gần đó cũng như các tình huống khẩn cấp trên đường như: Công trường đang thi công, TNGT… Website này cũng cung cấp thông tin về các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm và xe đạp cùng bản đồ trực quan dành cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Seoul cũng cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng khác cho người dùng giao thông công cộng, chẳng hạn như ứng dụng “Subway Navigation” và “Seoul Bus” trên điện thoại di động cho phép người dùng ước tính thời gian tàu xe đến, thời gian di chuyển dự kiến, vị trí các ga tàu điện hoặc trạm xe buýt gần nhất. Các ga tàu điện ngầm và trạm xe buýt chính ở Seoul đều được trang bị màn hình LED hiển thị thời gian đến dự kiến của tàu điện ngầm và xe buýt.
Tất cả những gì bạn cần là thẻ T-Money
Năm 2004, thẻ giao thông thông minh T-money được giới thiệu lần đầu tiên. Cho đến nay, nó đã được sử dụng rộng rãi trong việc thanh toán vé xe buýt và tàu điện ở những thành phố lớn như Seoul, Busan và một vài nơi khác như Geonggi-do, Daejeon, Incheon và Daegu.
Hành khách có thể sử dụng T-Money để chuyển xe buýt, chuyển tàu điện, chuyển từ xe buýt sang tàu điện hoặc ngược lại mà không bị tính thêm phụ phí, thay vì phải mua vé mỗi lần chuyển tàu xe.
Ngoài ra T-money còn được chấp nhận thanh toán tại phần lớn các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng thức ăn nhanh và thậm chí là để trả tiền taxi. Ngoài ra, tính năng T-money còn được tích hợp trong thẻ ngân hàng và smartphone để tiện cho người dùng, khi mà hầu hết người dân đều có smartphone và thường dùng thẻ tín dụng để thanh toán.
Đặc biệt, Hàn Quốc còn rất quan tâm đến sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông. Một phụ nữ dùng taxi về nhà muộn có thể dùng smartphone để quét thẻ giao tiếp trường gần (NFC) gắn ở sau lưng ghế hành khách để truyền thông tin về số taxi, thời gian và địa điểm lên xe cũng như một số loại thông tin khác tới tổng đài giám sát.
Không dừng lại ở đó, chính quyền Seoul đã chỉ định 600 cửa hàng tiện lợi là “nơi trú ngụ an toàn cho phụ nữ” để họ có thể chạy trốn vào đây nếu như bị truy đuổi bởi những kẻ xấu. Mặt khác, Seoul còn cung cấp dịch vụ về nhà an toàn, trong đó 2 đến 3 tình nguyện viên của dịch vụ sẽ bí mật hộ tống mỗi phụ nữ về nhà muộn theo yêu cầu của họ.
Xử phạt cực nghiêm minh
Ở Seoul rất hiếm khi nhìn thấy cảnh sát giao thông, nhưng các phương tiện đều di chuyển rất đúng luật một cách tự giác. Với hệ thống cáp quang Internet chạy khắp các tuyến đường, hệ thống camera giám sát giao thông luôn hoạt động liên tục 24/7 khắp thành phố, sẵn sàng ghi lại mọi tình huống vi phạm giao thông để xử lý “phạt nguội”.
Khi phát hiện hành vi vi phạm giao thông, hệ thống camera sẽ lưu hình ảnh lại làm bằng chứng. Từ các thông tin về chủng loại phương tiện, biển số, hệ thống quản lý phương tiện sẽ truy xuất lập tức ra được tên, địa chỉ, số thẻ căn cước của chủ sở hữu phương tiện, thậm chí là số khung, số máy, ngày đăng ký, màu sơn, ngày sang tên gần nhất từ ai sang ai…
Đầu tiên, hệ thống sẽ gửi thông báo nộp phạt tới địa chỉ nhà của chủ phương tiện vi phạm kèm nội dung: Phương tiện đã vi phạm luật gì, ở đâu, phải nộp phạt bao nhiêu, nộp vào tài khoản nào, thời hạn nộp phạt vào ngày nào…
Nếu quá hạn mà chủ phương tiện không nộp phạt, (có thể do đi vắng, công tác dài ngày…) hệ thống này sẽ tự động gửi tới địa chỉ nhà thông báo nộp phạt lần 2 với nội dung tương tự, nhưng số tiền phạt đã bị tăng lên do lỗi nộp phạt chậm.
Nếu quá hạn lần 2 mà chủ phương tiện vẫn không nộp phạt, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo lần 3. Ngoài nội dung phạt kèm thông báo tăng thêm tiền phạt lần nữa, thông báo lần 3 mang tính chất “tối hậu thư”. Nếu chủ phương tiện vẫn không nộp phạt thì cơ quan hành pháp sẽ đề nghị Tòa án can thiệp.
Khi Tòa án xử, người vi phạm giao thông sẽ phải lao động công ích, bị treo bằng lái hoặc hủy bằng vĩnh viễn và bắt buộc nộp phạt. Nếu không tự nguyện, Tòa án sẽ gửi lệnh yêu cầu phong tỏa mọi tài khoản. Đặc biệt, với các hành vi cố ý chống đối hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, người vi phạm có thể bị cấm xuất cảnh hoặc phạt tù.
Cảnh sát giao thông Hàn Quốc cũng được trao quyền xử lý mạnh tay với những trường hợp cố tình chống đối. Năm 2014, cảnh sát đã xử lý một cô gái 30 tuổi điều khiển chiếc Volkswagen Beetle đi vào đường ngược chiều nhưng cố tình tháo chạy. Lập tức cảnh sát đã đập kính cửa xe và khống chế phương tiện. Cả cô gái và bạn trai ngồi trên xe sau đó đều phải lĩnh án tù.
Hiểu Minh