Năm 2017 sắp kết thúc và rất ít người có thể khẳng định mình không mất nhiều thời gian để dán mắt vào màn hình. Điều này đặc biết đúng cho thanh thiếu niên.
So với các thế hệ trước, đây là một cách sống khác biệt của trẻ em
Theo tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, trong năm 2015, thanh thiếu niên đã dành khoảng một phần ba của ngày (gần 9 tiếng) trải nghiệm trên các thiết bị điện tử, còn trẻ em từ 8 đến 12 tuổi trung bình bỏ ra 6 tiếng để mắt tới màn hình. So với các thế hệ trước, đây là một cách sống khác biệt của trẻ em.
Tác động của những thay đổi quan trọng này trong hành vi của con người đối với gia đình như thế nào? Còn các bậc cha mẹ: họ có cần lo lắng không?
Chúng ta không thể phủ nhận những tiến bộ quan trọng về công nghệ trong hai thập kỷ qua và những mặt tích cực của nó.
Chúng ta có thể theo dõi sự phát triển của kỷ nguyên web, nó có vẻ đang áp đảo. Chúng ta có xu hướng đón nhận kỷ nguyên mới này, nó quan trọng như cuộc cách mạng công nghiệp, với những tác động lớn đối với kinh tế và xã hội.
Chúng ta thực sự dễ dàng có tất cả mọi thứ trong tầm tay, có thể giao tiếp với mọi người quen biết. Chúng ta có thể nhận được bất kỳ sản phẩm nào từ khắp nơi trên thế giới, nó được gửi đến tận cửa nhà. Chúng ta tiếp nhận một dòng bất tận về tin tức và giải trí 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Chúng ta có thể phàn nàn gì đây?
Chúng ta chắc chắn đang hướng tới một cách sống dễ đoán hơn, thuận lợi, có giáo dục, được kết nối và bổ ích hơn, không phải vậy sao?
Vâng, có thể là như vậy.
Những khía cạnh tiêu cực của công nghệ đang có mặt khắp nơi cũng ngày càng trở nên rõ ràng, đặc biệt là đối với trẻ em.
Internet có thể cung cấp một lượng lớn kiến thức giáo dục và là một cơ hội để tạo ra các kết nối xã hội, đồng thời nó cũng là một nguồn với các nội dung không phù hợp, bất hảo và nhiều bất tiện khác mà hầu hết chúng ta đều muốn con cái tránh xa chúng.
Một số nghiên cứu đã thực hiện liên hệ giữa dành quá nhiều thời gian trước màn hình với các rối loạn thiếu tập trung, tăng động, béo phì, trầm cảm, giảm thị lực, thiếu ngủ, lo âu…
Đáng lo ngại hơn là những nghiên cứu gần đây cho thấy dành quá nhiều thời gian trước màn hình, với các chuỗi cám dỗ liên tục và những hài lòng tức thì, gây nghiện cũng giống như cocaine.
Tháng 8 vừa qua, bác sĩ về tâm thần học Nicholas Karderas viết trên tờ New York Post rằng, theo kinh nghiệm của mình, ông đã phát hiện ra “điều trị các chứng nghiện heroin và methamphetamine thì dễ dàng hơn là điều trị cho các game thủ ám ảnh với các trò video hay nghiện các mạng xã hội như Facebook“.
Những tình trạng bất ổn hoặc chứng nghiện quá mức có thể tăng lên rất đáng sợ, nhưng đáng lo hơn cả là việc sử dụng màn hình máy tính bảng hay điện thoại thông minh phổ biến ở trẻ em, chúng chiếm đoạt hết thời gian hoạt động ngoài trời của trẻ nhỏ, thời gian tương tác với gia đình hay chơi những trò chơi thể lực.
Trong thực tế, điều này tước đi tuổi thơ của trẻ nhỏ.
Vậy cần phải làm gì?
Trước tình hình này, cha mẹ có thể cảm thấy bất lực. Nhưng đây là thế giới chúng ta đang sống. Chúng ta có nên đóng cửa chính mình và giả vờ rằng mình vẫn đang ở trong năm 1985?
Đúng vậy, tại sao không? Nên biết nhiều người thuộc tầng lớp lãnh đạo ở Thung lũng Silicon đã hạn chế con cái họ vào mạng. Điều này đã được Nick Bilton nêu trên New York Times khi phỏng vấn Steve Jobs. “Ở nhà, chúng tôi hạn chế con cái sử dụng thiết bị công nghệ“, ông Jobs cho biết khi tiết lộ rằng con mình vẫn chưa sử dụng iPad mới.
Ông Bilton đã nhận thấy xu hướng này tại nhà rất nhiều người khác làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Chris Anderson, cựu Giám đốc điều hành của Wired và là cha của 5 đứa con, cho biết: “Các con buộc tội vợ chồng tôi, là phát xít và quá để tâm tới công nghệ, chúng nói rằng không ai trong bạn bè của chúng bị những quy định như vậy hạn chế. Điều này bởi vì tôi đã đích thân nhận thấy những nguy hiểm của công nghệ. Tôi tận mắt nhìn thấy và tôi không muốn điều đó xảy ra với các con mình“.
Hai đứa trẻ nhà Evan Williams – nhà sáng lập Blogger, Twitter và Medium – thực sự có hàng trăm cuốn sách mà chúng có thể lấy đọc bất cứ lúc nào, ông Bilton cho biết.
Cũng có những bậc cha mẹ cho con chơi trước màn hình do lo lắng con mình không thành thạo với công nghệ như những đứa trẻ khác, tuy nhiên, nên thiết lập giới hạn cho trẻ.
Nếu bạn muốn hạn chế ảnh hưởng của màn hình đối với cuộc sống con mình, dưới đây là một số gợi ý:
Thiết lập những nội quy chung
Hãy nêu rõ các quy tắc chung mà con bạn phải tuân theo. Hãy chắc chắn rằng chúng hiểu những quy định mà bạn áp đặt và tại sao bạn làm điều đó.
Thiết lập khu vực không có màn hình
Phòng ăn, nhà của ông bà, phòng ngủ, … có thể trở thành những nơi màn hình bị cấm. Con của bạn sẽ hưởng lợi tại những nơi này.
Thiết lập ngày không màn hình
Gia đình bạn có thể trải qua cả một ngày không nhìn lên màn hình? Nếu không, điều này có thể là một thách thức! Ấn định một ngày trong tuần, trong ngày đó các thiết bị công nghệ đều bị cấm. Đọc một cuốn sách, đi dạo, đi chơi với thế giới thực.
Khuyến khích sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ
Dạy cho con bạn sử dụng công nghệ một cách tốt nhất để màn hình trở thành những công cụ sáng tạo chứ không chỉ là đối tượng thụ động. Thay vì xem video, hết cái này đến cái khác, khuyến khích chúng sản xuất video riêng của mình và chia sẻ với nhau. Có thể tạo ra một blog về chủ đề yêu thích của chúng như vẽ, chụp ảnh… cũng như giúp chúng nâng cao nhận thức để bảo vệ sự riêng tư của mình.
Cha mẹ phải gương mẫu
Có lẽ khó khăn hơn cho các bậc cha mẹ là phải gương mẫu. Hãy kiểm soát việc sử dụng riêng, có quá nhiều không? Hãy nhận ra những điểm yếu của mình để có thể cải thiện chúng? Bạn lựa chọn ngồi trước màn hình để làm “hỏng” thời gian dành cho gia đình?
Năm 2018 gần đến rồi, những tác động của công nghệ đối với cuộc sống gia đình chúng ta là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, với sự thận trọng và giám sát của cha mẹ, những lợi ích của công nghệ có thể mang lại giá trị thực sự cho trẻ, và tuổi thơ của chúng sẽ không trôi qua bằng việc dán mắt vào màn hình.
Xuân Hà
Xem thêm: