Một người cha gầy gò và ốm yếu, tay run rẩy đưa toàn bộ số tiền vừa vay mượn khắp nơi cho cậu con trai. Lúc đó ông cũng biết rằng tiền đóng học phí của con đã chiếm gần hết khoản mới vay này, vậy sẽ chẳng còn lại bao nhiêu cho các khoản chi cần thiết khác.

Phận làm con, cậu học trò nghèo cũng hiểu rằng người cha ốm yếu lo cho cậu như vậy là đã quá sức rồi. Cha cậu không thể cho cậu nhiều tiền hơn được nữa.

Cậu con trai hiểu chuyện nên đã an ủi cha mình: “Cha à, cha đừng lo cho con, con còn có đôi tay và đôi chân cơ mà.”

Giấu kín nỗi chua xót trong lòng, cậu mỉm cười để cha yên tâm. Rồi cậu lên đường. Phía trước cậu là quãng đường núi quanh co và gập ghềnh sỏi đá.

Ngoảnh mặt đi, nước mắt cậu bắt đầu rơi lã chã.

Đi đôi dép cao su, bộ quần áo cũng không còn mới, cậu ôm chiếc cặp sách vượt qua hàng trăm kilomet đường núi, tiêu hết hơn trăm ngàn tiền xe để thực hiện ước mơ đại học.

Đến được ngôi trường mà cậu vẫn hằng ao ước, khoản tiền còn lại trong tay cũng thật quá ít ỏi. Với số tiền này, cậu cần tính toán làm sao để có thể sống qua những tháng ngày của học kỳ đầu tiên.

Những bạn học xung quanh cậu xúng xính trong bộ quần áo hợp thời trang, tai đeo MP4 tươi cười chào hỏi. Cậu cũng mỉm cười đáp trả. Tuy nhiên không một ai biết trong lòng cậu đang rơi lệ.

Cậu tính mỗi ngày ăn hai bữa và mỗi bữa sẽ chỉ là một khoản nho nhỏ. Tuy ăn uống đạm bạc nhưng số tiền trong tay cũng không đủ dùng cho hết một học kỳ.

Sau một hồi suy nghĩ, cậu cầm nửa số tiền ít ỏi còn lại đi mua một chiếc điện thoại cũ, định bụng sẽ chỉ dùng để trả lời và nhắn tin.

Ngày hôm sau, trên mỗi bảng thông báo của trường đều dán một tờ giấy viết tay với dòng quảng cáo: “Bạn cần nhân viên phục vụ? Nếu như bạn không muốn phải mua cơm, xách nước, đi nộp các khoản phí, v.v. vậy đừng ngần ngại gọi cho tôi! Tôi sẽ phục vụ rất nhanh và chu đáo, chi phí phục vụ cũng sẽ làm bạn hài lòng.”

Tờ quảng cáo vừa ra, số điện thoại của cậu đã trở thành đường dây nóng.

Người gọi điện đến đầu tiên là một sinh viên đại học khoa mỹ thuật năm thứ 4: “Tôi không muốn thức dậy vào buổi sáng để mua cơm, từ nay, việc này phiền cậu rồi.”

Cậu trả lời: “Được, tôi sẽ mang cơm đến tận phòng cho anh vào 7 giờ mỗi sáng.”

Cậu đang hào hứng viết ra yêu cầu của vị khách hàng đầu tiên, chiếc điện thoại lại phát đến một tin nhắn: “Bạn có thể mua giúp tôi một đôi dép cỡ 41 có khử mùi không?”.

Vốn là một chàng trai thông mình, sau khi nhập trường không lâu, cậu phát hiện ra những sinh viên năm thứ 3 và thứ 4 thường ngồi lì trong thư viện và phòng máy cả ngày, thậm chí cơm cũng không muốn đi mua.

Còn cậu lại lớn lên ở vùng núi, mảnh đất ấy đã cho cậu một đôi chân nhanh và chắc khỏe. Ngay cả khi khách hàng đang ở tầng thứ 5 hoặc thứ 6, chỉ một chớp mắt là cậu đã xuất hiện để phục vụ.

Vào buổi chiều, một sinh viên gọi cho cậu nhờ mua suất ăn nhanh ở cổng trường. Gác máy xong, cậu lao nhanh như bay xuống cổng trường và chẳng bao lâu đã quay lại đưa hàng.

Nhận được tiền thừa, cậu vẫn trả lại và chỉ lấy phần phí phục vụ như đã cam kết. Cậu nói rằng, đây là kinh doanh nên cần phải giữ chữ tín. Thế là từ đó về sau, các phòng trong ký túc xá khi muốn mua món đồ gì đều gọi cho cậu.

Công việc thuận lợi như vậy quả là ngoài dự liệu. Có những lúc vừa kết thúc buổi học, cậu mở điện thoại đã thấy một loạt tin gửi yêu cầu.

Vào một buổi chiều trời mưa tầm tã, tin nhắn gửi đến là của một nữ sinh nhờ cậu mua giúp chiếc ô. Nhận được tin, cậu đầu trần chạy vội dưới trời mưa. Khi quay trở lại, quần áo cậu ướt sũng khiến cô nữ sinh cảm động nói lời cảm ơn. Lần đầu tiên nhận được lời cảm ơn của bạn nữ như thế, cậu đã không ngăn được dòng lệ tuôn ra từ khóe mắt của mình.

Dần dần, khách hàng quen ngày càng nhiều và công việc kinh doanh của cậu cũng ngày càng tốt hơn. Chỉ cần khách có nhu cầu, cậu liền nhanh chóng phục vụ nhiệt tình.

Kỳ học đầu tiên đã gần đến ngày kết thúc, công việc chạy phục vụ cũng sắp đến lúc được nghỉ ngơi.

Sau kỳ nghỉ đông cùng gia đình, người cha gầy gò của cậu vẫn còn đang lo lắng về khoản tiền cho kỳ học tiếp theo của con trai. Lúc này cậu đã dúi vào tay cha một khoản tiền kha khá. Cậu nói: “Cha à, mặc dù cha không cho con một gia đình giàu có, nhưng cha đã cho con đôi chân nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Con có thể chạy thật nhanh qua các năm đại học để đến kỳ tốt nghiệp cuối cùng.”

Sau lễ mừng năm học mới, cậu đã mời thêm một số bạn có hoàn cảnh nghèo khó đến làm cùng và lập một đại lý phục vụ ở bên ngoài trường. Phạm vi cung cấp của cậu đã không ngừng mở rộng. Sau một thời gian, sản phẩm cậu cung cấp có cả các linh kiện điện tử.

Chỉ qua một học kỳ cậu đã có thể mua được chiếc máy tính của riêng mình, đồng thời lại có thêm một lượng khách hàng khổng lồ trên mạng. Tiếp đến, cậu thuê được một cửa hàng ngay trong khuôn viên trường để phục vụ nhu cầu của sinh viên.

Chạy, chạy, và chạy! Cậu không ngừng chạy về hướng thành công.

Cậu nói rằng, sau 4 năm học, cậu không chỉ muốn hoàn thành ước mơ đại học mà còn muốn kiếm được một khoản tiền để khởi nghiệp sau khi ra trường. Tên của cậu là Hà Gia Nam, đến từ vùng núi Đại Hưng An nằm ở khu vực Nội Mông Cổ ở phía đông bắc Trung Quốc. Cậu đã chạy và chạy, giờ đã là sinh viên năm thứ 3 Đại học Sư phạm của tỉnh.

Nếu ở vào hoàn cảnh đó, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ cố gắng để biến mình thành ông chủ hay là ngồi đó phàn nàn với cha mẹ?

Cậu chuyện của cậu sinh viên Hà Gia Nam không chỉ khiến mọi người cảm động mà còn khích lệ mỗi người vượt lên qua khó khăn hoạn nạn, sống vui vẻ, khỏe mạnh, trưởng thành và biết nghĩ cho những người xung quanh.

San San 

Xem thêm: