Là một bác sĩ tài năng với mức lương cao và một địa vị hứa hẹn tại Nhật Bản, nhưng bác sĩ Tadashi Hattori đã bỏ lại tất cả để đi khắp Việt Nam chữa mắt cho người nghèo.

Bác sĩ Tadashi Hattori sinh năm 1964 tại Osaka, Nhật Bản. Ông được biết đến là một tài năng hiếm có trong lĩnh vực phẫu thuật cắt dịch kính (điều trị bong võng mạc, võng mạc tiểu đường và các bệnh về hoàng điểm), đặc biệt là kỹ thuật thuộc top 10 thế giới về sử dụng kính nội soi trong phẫu thuật cắt dịch kính. Ông cũng là một trong số rất ít người có khả năng rút ngắn thời gian phẫu thuật xuống còn ⅓ bằng phương pháp nội soi. Các ca phẫu thuật của ông đạt tới kỹ thuật và tính chính xác cao, nhờ đó mà bệnh nhân hầu như có rất ít biến chứng sau quá trình điều trị.

Luôn tâm niệm rằng lương y không chỉ cần kỹ năng mà còn là cả trái tim, bác sĩ Tadashi cho biết: “Phương châm của tôi là: Hãy đối xử với bệnh nhân như chính cha mẹ mình. Kể từ năm 2002, ông không lặn lội xa xôi đến các vùng sâu vùng xa của Việt Nam, chữa mắt miễn phí cho hơn 15.000 bệnh nhân nghèo. Vậy, điều gì đã giúp ông làm được những điều phi thường ấy?

1. Cơ duyên với Việt Nam

Bác sĩ Tadashi kể rằng, cái chết của cha đã đưa ông đến với ngành y. Sau này, ông cũng luôn sống đúng như lời căn dặn của cha trước khi qua đời rằng, “hãy sống vì mọi người”.

Năm 2001, ông tham dự hội thảo y khoa ở Kyoto và gặp một bác sĩ Việt Nam. “Vị bác sĩ nói với tôi rằng ở Việt Nam có rất nhiều người nghèo, đến mức họ không thể phẫu thuật để ngăn chặn mù lòa”.

“Sau khi cân nhắc những việc phải làm cho 4-6 tháng, tôi quyết định sẽ đi. Nhưng giám đốc bệnh viện của tôi nói rõ rằng, nếu muốn đến Việt Nam, tôi sẽ phải xin nghỉ việc. Và đó chính xác là điều tôi đã làm. Tiền bạc không phải là thứ quan trọng duy nhất trong cuộc đời. Với nhiều người, đặc biệc ở lĩnh vực của tôi, địa vị và tiền bạc là tất cả, nhưng với tôi, được làm điều gì đó giá trị còn quan trọng hơn rất nhiều, cho dù tôi phải hy sinh bản thân mình”, bác sĩ Tadashi nói, theo trích dẫn trên trang Japan Times.

Bác sĩ Tadashi Hattori (Ảnh: Tadashi Hattori, Facebook)
Bác sĩ Tadashi Hattori (Ảnh: Tadashi Hattori, Facebook)

2. Những khó khăn ban đầu

Những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam là cả một thách thức lớn đối với bác sĩ Tadashi. Để có thiết bị, ông từng đến gặp các công ty y tế kêu gọi tài trợ, nhưng đều bị khước từ. Chính phủ Nhật Bản cũng từ chối, bởi họ chỉ hỗ trợ cho các tổ chức NGO. Không còn cách nào khác, ông quyết định dùng tiền túi của chính mình.

“Suốt 3 ngày, vợ tôi không chịu nói chuyện với tôi, nhưng cuối cùng cô ấy cũng đồng ý… Với nhiều phụ nữ, được kết hôn với một bác sĩ là cả giấc mơ, nhưng vợ tôi lại lấy phải người không chỉ ít tiền mà còn hay làm việc không công, thậm chí còn dùng tiền của mình để giúp đỡ bệnh nhân”, ông cười. “Nhưng để những câu bông đùa sang một bên, cô ấy đã giúp tôi suốt những năm vừa qua, và cũng không muốn tôi từ bỏ”.

Rào cản văn hóa và “vài lần ngộ độc thực phẩm” cũng không làm ông chùn bước. Mỗi ngày ông phải thực hiện 4-5 ca phẫu thuật (trước kia là 10 ca), mỗi ca đều kéo dài 1 tiếng. Lịch làm việc dày đặc khiến ông có rất ít thời gian để nghỉ ngơi.

Bác sĩ Tadashi khám cho các bệnh nhân Việt Nam (Ảnh: Internet)
Bác sĩ Tadashi khám cho các bệnh nhân Việt Nam (Ảnh: Internet)

3. “Ông Bụt” của những bệnh nhân nghèo

Để đảm bảo hoạt động từ thiện, bác sĩ Tadashi phải thường xuyên di chuyển giữa Nhật và Việt Nam. Cứ nửa tháng ông lại về Nhật làm việc với tư cách là bác sĩ tự do, tham gia vào những ca bệnh khó tại Nhật Bản để kiếm thêm thu nhập. Nửa tháng còn lại ông đi khắp Việt Nam để chữa trị miễn phí cho người nghèo.

Người dân Việt Nam thường gọi Tadashi là “bác sĩ” hay “giáo sư”, nhưng thật ra ông còn có tên gọi khác nữa là “aka hige sensei”. Trong tiếng Nhật, đây là cụm từ để chỉ người lương y giàu lòng nhân ái, luôn giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, và có thể được ví như ông Bụt trong truyện cổ tích.

Và không chỉ ở Việt Nam, bác sĩ Tadashi còn mong muốn đem ánh sáng đến cho cả những bệnh nhân ở Lào, Campuchia, Myanmar và những quốc gia khác. Nếu có thể phủ sóng mạng lưới y tế cho những người nghèo trên toàn thế giới, đó chắc chắn sẽ là mạng lưới của y đức, của lương tri, và của lòng nhân ái.

Hồng Liên

Xem thêm:

Từ Khóa: