Trí tuệ cảm xúc là gì? Là khả năng nhận ra và điều tiết cảm xúc, cũng như khả năng tự nhận thức người khác, tức là bạn có thể hiểu và đo lường cảm xúc của chính mình và mọi người xung quanh, đồng thời có thể kiểm soát các mối quan hệ hiệu quả hơn. Do đó, cuộc sống của người giàu trí tuệ cảm xúc thường dễ chịu hơn những người dễ cáu giận bực bội. Những ai tiếp xúc với họ luôn có cảm giác thoải mái.
Ngoài ra, trí tuệ cảm xúc là chỉ số chất lượng quan trọng cho người thành công vì nó giúp xây dựng các mối quan hệ cá nhân và xã hội. Qua một cuộc thăm dò về chỉ số này đã phát hiện rằng, hầu hết những người thành đạt đều có trí tuệ cảm xúc cao.
Trước đây đa số mọi người đều nhận định rằng chỉ số IQ (IQ – Intelligence Quotient) là chỉ số đánh giá thành công hay thất bại của một người và không mấy ai nhận ra rằng, chỉ số trí tuệ cảm xúc (EI – Emotional Intelligence) mới được xem là nhân tố quyết định của sự thành công. Theo ông Daniel Goleman – Giáo sư Trường Đại Học Harvard cho biết, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng “90% yếu tố quyết định sự nổi trội trong sự nghiệp của các nhà lãnh đạo là trí tuệ cảm xúc”, chỉ số IQ chỉ đứng thứ hai.
Vậy điều gì làm nên sự khác biệt của những người có trí tuệ cảm xúc cao? Bạn hãy tìm hiểu 12 chỉ số trí tuệ cảm xúc dưới đây và xác định xem mình có thuộc 12 chỉ số này không nhé!
1. Cho đi nhưng không mong nhận lại
Người có trí tuệ cảm xúc là người dễ cảm thông, quan tâm và chia sẻ với người khác, trên tinh thần xây dựng và duy trì các mối quan hệ. Họ dành thời gian, năng lượng và nguồn lực nhiều nhất có thể để tạo dựng các mối quan hệ, đặc biệt là sức nhẫn nại và chịu đựng trong các tình huống xảy ra trong cuộc sống, bất kể là quan hệ hợp tác với đồng nghiệp, với đối tác, khách hàng hay ngay trong mối quan hệ bạn bè, gia đình. Vì cách thể hiện này mà họ luôn tạo ấn tượng rất tốt cho người khác. Đây là cơ sở sức mạnh giúp họ xây dựng nhiều kết nối mạnh mẽ với mọi người.
2. Không giữ trong lòng sự căm ghét hay thù hận
Một ai đó khi bị đối xử không tốt thì người đó có thể xuất hiện những tư tưởng trả đũa để hả cơn nóng giận. Riêng người có trí tuệ cảm xúc, họ hoàn toàn kiềm chế được cảm xúc và không để cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân. Họ phân định rõ giữa tình cảm và lý trí để đưa ra những quyết định sáng suốt và cải thiện các mối quan hệ đối với mọi người, làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn và hiệu quả hơn. Chẳng có lợi ích gì, chỉ làm tổn hại đến sức khỏe và cảm xúc nếu như trong lòng luôn giữ thù hận với người khác.
3. Quý trọng những mối quan hệ
Người có trí tuệ cảm xúc có cuộc sống cởi mở và chân thành nên các mối quan hệ của họ luôn bền vững. Họ không dễ bỏ cuộc, kiên nhẫn và chấp nhận các thách thức trong cuộc sống cho dù là trở ngại khó khăn hay nghịch cảnh trái ngang. Họ biết rằng cảm xúc tiêu cực khi không được quản lý có thể phá vỡ các mối quan hệ thể hiện ở việc không tôn trọng, quá căng thẳng, quá bốc đồng hoặc gây hại. Vì vậy họ luôn giữ trạng thái điềm tĩnh, nhận xét vấn đề, tìm cách giải tỏa các khúc mắc và kết quả cuối cùng luôn là “hòa giải hòa bình” và làm hài lòng người khác.
4. Hiểu rõ bản thân mình
Người có trí tuệ cảm xúc sống lạc quan, biết lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc và biết cách ảnh hưởng người khác bằng cảm xúc. Mặc dù vậy họ rất nghiêm khắc khi đánh giá bản thân. Họ biết điểm mạnh và điểm yếu của mình để từ đó phát huy và khắc phục; phân tích cách làm thế nào để có thể làm việc một cách có hiệu quả nhất qua việc trau dồi kiến thức đầy đủ để từng bước từng bước tiến đến thành công.
5. Không quá đặt nặng vấn đề
Không ai là hoàn hảo cả. Có những người vì quá đặt nặng chữ “hoàn hảo” nên mong đợi người khác cũng phải như thế. Người có trí tuệ cảm xúc nhìn thấy giới hạn của mình và giới hạn của người khác. Vì thế khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra, thay vì đổ trách nhiệm cho người khác vì những sai lầm của họ thì họ linh hoạt chủ động “xắn” tay áo, cố gắng sửa chữa các vấn đề. Đã là con người thì ai cũng sẽ có những sai sót, nhưng họ dám đương đầu đối mặt và dần dần hoàn thiện bản thân.
6. Tránh đối đầu với những người tiêu cực
Ai cũng nhận thấy rõ rằng, các vấn đề hoặc tình huống gây ra bởi những người có tư tưởng tiêu cực thường tốn rất nhiều thời gian và công sức, vì họ có tư tưởng sợ thất bại cao. Đó là điều làm cho việc tranh luận với những người tiêu cực thường đi vào ngõ cụt. Người có trí tuệ cảm xúc không đối đầu với họ mà biết cách thuyết phục và quyết đoán để người có tư tưởng tiêu cực chuyển đổi được thái độ một cách tích cực hơn, hướng đến phục vụ lợi ích chung, thúc đẩy công việc để đạt được kết quả tốt hơn.
7. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Để làm việc có năng suất và đạt được mục tiêu, người có trí tuệ cảm xúc đều nhìn nhận rằng con người không phải là “robot”, cho nên họ dành một phần thời gian cho bản thân, gia đình và bè bạn để giảm bớt stress, áp lực công việc. Nhưng hướng đi của họ lành mạnh hơn, thời gian được sắp xếp một cách hợp lý hơn. Họ không lãng phí quá nhiều thời gian vào những việc không quan trọng như lướt facebook, lên web đọc tin lá cải, xem truyền hình, đọc truyện tranh, nói chuyện phiếm với bạn bè, chụp hình selfie rồi đăng lên mạng xã hội và ngồi đếm like, đếm comment, lên các forum ảo chat chít, v.v. Người có trí tuệ cảm xúc không bao giờ để những hoạt động này làm ảnh hưởng, ngăn trở họ tiến về phía trước.
8. Dễ thích nghi
Cuộc sống hiện nay không ngừng thay đổi, và để tồn tại và phát triển, người có trí tuệ cảm xúc chủ động điều chỉnh bản thân mình thích ứng với những giá trị mới của cuộc sống. Họ có khả năng chịu được áp lực và vượt qua các biến đổi trong cuộc đời một cách nhanh chóng. Họ hiểu rằng, thay đổi là một sự chắc chắn và tất yếu, là một phần của chiếc bánh xe cuộc sống không ngừng chuyển động. Tuy nhiên, không phải là thay đổi theo các trào lưu xã hội, người có trí tuệ cảm xúc thường biết giữ vững bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội và giữ được bản chất thật sự của chính mình.
9. Thích khám phá
Người có trí tuệ cảm xúc là người sáng tạo trong công việc, không ngừng học hỏi và nâng cao tri thức. Họ thấy rằng mọi thứ trong cuộc sống, từ công việc đến gia đình đều chưa làm họ hài lòng tuyệt đối nên thường xuyên tìm cách để cải thiện bản thân. Sự tò mò học hỏi không ngừng khiến người có trí tuệ cảm xúc có “một sức hút tích cực” đến những người xung quanh. Họ luôn là người tìm ra được giải pháp cho những thử thách mà cả nhóm đang gặp phải; họ là động lực mạnh mẽ cho mọi người trong nhóm có thiên hướng tương tự như họ.
10. Quan tâm đến sức khỏe bản thân
Việc nuôi dưỡng và duy trì trí tuệ cảm xúc sẽ thuận lợi hơn cho mỗi chúng ta khi sở hữu một sức khỏe tốt cả thể chất lẫn tinh thần. Người có trí tuệ cảm xúc chăm sóc sức khỏe của mình bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống đúng cách và duy trì các mối quan hệ lành mạnh. Điều này giúp họ duy trì được sự bền bỉ và khả năng ứng phó với ngoại cảnh.
11. Kỷ luật cao và cam kết hoàn thành công việc
Người có trí tuệ cảm xúc nói “Không” với những hành động không chuẩn tắc, rõ ràng với các mục tiêu, định hướng và phân loại các công việc theo thứ tự ưu tiên. Khi bắt tay vào việc, người có trí tuệ cảm xúc tập trung và cam kết hoàn thành công việc. Họ không phô trương, bốc đồng hay tự mãn cá nhân khi đạt được thành tích cao. Chính vì vậy họ luôn nhận được sự ủng hộ từ nhân viên, thu phục được nhân tâm, huy động được trí tuệ và sức lực của mọi người hướng vào mục tiêu chung.
Kết luận
Trí tuệ cảm xúc được hình thành bằng sự rèn luyện và nâng cao từng bước trong cuộc sống. Đó là điều mà chúng ta có thể làm được: Hãy tập cảm nhận mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống bằng sự vị tha, bao dung và tràn đầy tình yêu thương, bằng sự ấm áp, tinh tế và sâu sắc, bằng những lời nói chân thành, mở rộng trái tim để cho đi và đón nhận… Dần dần, bạn sẽ thấy những thay đổi ở bản thân và có thể gây dựng các mối quan hệ bền vững để đi đến thành công lớn.
Xem thêm:
- Cách phân biệt giữa người thành công và người thất bại
- 6 mẫu người được yêu mến nơi công sở
- Số mệnh con người có phải đã được định trước? – Diệp Tổ Hiệp
Hahna Nguyễn