Trái đất đang phải đối diện với cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, vấn đề toàn cầu liên tục được xướng tên trên các thông cáo báo chí và những bài viết truyền thông gần đây. Trước thực trạng này, một trường học tại Ấn Độ đã quyết định chiêu sinh bằng cách nhận rác thải nhựa thay học phí. 

Nhằm khuyến khích cha mẹ cho con em đến trường thay vì lao động tại các mỏ đá, trường Akshar, tại bang Assam ở Ấn Độ yêu cầu học sinh nộp rác thải nhựa thay cho học phí. Chương trình “học bổng miễn phí” cung cấp cho tất cả các học sinh với điều kiện thay thế bằng rác thải nhựa và cam kết không đốt nhựa.

Trường Guwahati đồng sáng lập bởi Mazin Mukhatar và Parmita Sarma với giấc mơ thay đổi nền giáo dục Ấn Độ. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp tại New York, Mỹ, Mazin Mukhatar quyết định quay lại Ấn Độ liên lạc với Parmita Sarma – một sinh viên chuyên nghiên cứu về vấn đề giáo dục để mở trường học cho những học sinh nghèo tại khu ngoại ô thành phố Dispur bang Assam. 

Mazin nói rằng thử thách quan trọng nhất mà họ gặp phải khi bắt đầu đi học là thuyết phục dân làng gửi con đến trường vì hầu hết trẻ em đều làm việc tại các mỏ đá như những người lao động để kiếm tiền cho gia đình. Vì vậy, trường đã thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của trẻ và xây dựng một hệ thống việc làm sáng tạo sau giáo dục.

Các khóa học tại trường Akshar được thiết kế đặc biệt dành cho những trẻ em nghèo, trường không chỉ dạy những môn học cơ bản như Địa lý, Toán học, Khoa học,… mà còn cung cấp thêm các chương trình dạy nghề như thêu, nhảy, canh tác hữu cơ, làm vườn, pin mặt trời, tái chế,…

Mỗi ngày, các em có thể kiếm được 150 – 200 Rupi tại các mỏ đá. Theo Parmita chia sẻ rằng, họ đề xuất một mô hình học tập ngang hàng, nơi các học sinh khóa trên dạy cho các học sinh khóa dưới và được trả lương bằng những món đồ chơi hoặc quần áo nhằm tiết kiệm số lượng giáo viên giảng dạy. 

Nhà trường cũng giáo dục các em về tác hại của việc đốt nhựa. Họ dạy dân làng tái chế chất thải và những sáng kiến thay đổi. Do sáng kiến ​​của trường, ngày càng nhiều gia đình trong làng bắt đầu tham gia vào hoạt động tái chế và phổ biến nhận thức. Với sự giúp đỡ của giáo viên, học sinh học được sản xuất nhiều vật liệu xây dựng bằng chất thải nhựa. Sản phẩm cụ thể là gạch sinh thái từ phế liệu dùng vào việc xây dựng tường, nhà vệ sinh và nhiều lối đi trong khuôn viên trường, cải tạo mỹ quan.

Akshar là một ngôi trường nhỏ bắt đầu với 20 học sinh trong độ tuổi từ 4 đến 15 tuổi. Những bộ óc non trẻ này đang được dạy về tầm quan trọng của giáo dục, bền vững môi trường và cộng đồng bằng cách yêu cầu tham gia đầy đủ vào các hoạt động khác nhau của trường.

Không giống như nhiều ngôi trường trường khác, Akshar không có hệ thống tuyển sinh theo độ tuổi cụ thể. Parmita chia sẻ: “Trường học của chúng tôi không giống nhiều ngôi trường điển hình khác. Tại đây, bạn sẽ thấy học sinh ngồi dưới các mái tre tham dự lớp học trong không gian mở. Mục đích là chiêu sinh nhiều học sinh với những độ tuổi khác nhau”. 

Cô Parmita cho biết, các cấp độ được quyết định dựa trên kiến ​​thức của học sinh, được kiểm tra tại thời điểm nhập học. Trường học có các bài kiểm tra vào thứ Sáu hàng tuần. Các học sinh cần nghiêm túc thực hiện yêu cầu của nhà trường để được lên lớp. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục không ngừng được cải thiện.

Mazin Mukhatar và Parmita Sarma hiện đã kết hôn, và đôi vợ chồng mong ước xây dựng thêm 100 ngôi trường như vậy trong năm tới tại Ấn Độ. 

Hồng Phúc

Theo Thelogicalindian