Hàn Quốc, một đất nước xinh đẹp không chỉ ở thiên nhiên hữu tình mà còn bởi nền ẩm thực kết hợp hài hòa giữa nền văn hóa truyền thống và tính nghệ thuật đầy ấn tượng.

Hàn Quốc mang một vẻ đẹp quyến rũ, mê đắm lòng người. Những mảnh rừng lá vàng xanh xen kẽ, những mặt biển xanh ngắt đến tận chân trời, những hòn đảo xanh mướt, những con đường vàng ngập lá, ánh nắng ấm áp xuyên qua từng kẽ nhỏ của thời gian,… tất cả gợi cho ta liên tưởng về một vùng đất quyện hòa vào vẻ đẹp của thiên nhiên. Cũng bởi vậy mà bữa cơm truyền thống nơi đây đã ôm ấp vào lòng những sắc màu của đất trời, của hương hoa và rau cỏ rồi cứ thế lưu truyền qua hàng ngàn năm. 

Ai từng ghé Hàn Quốc mà không một lần thưởng thức bữa cơm truyền thống của người Hàn, thật là một điều đáng tiếc. 

Mâm cơm truyền thống của người Hàn có thể sẽ đưa bạn hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Điều đầu tiên, chính là kích thước đồ sộ của chiếc bàn ăn, bạn sẽ khó có thể chạm đến tay người ngồi đối diện với mình vì chiếc bàn lớn ngăn cách ở giữa.

Nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc người ta bị ấn tượng bởi cách bài trí hết sức cầu kỳ và bắt mắt. Cũng giống mâm cơm của người châu Á, trên bàn ăn của người Hàn bày biện tất cả các món, những món ăn sau khi hoàn thành đều được đưa lên sắp xếp cùng một lượt: Cơm và canh phải được đặt lên trước, nước chấm và các món khác phải đặt giữa, món lạnh và rau đặt bên trái, đũa nĩa đặt bên phải bàn.

Các món ăn được đặt riêng vào từng đĩa và bát, thậm chí đến những quả ớt nhỏ cũng cần có một vị trí sắp xếp cẩn thận chứ không được để lung tung trên bàn. Cũng vì phong tục này mà trên mâm cơm của người Hàn Quốc số lượng đĩa và bát khá lớn, tất cả đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nên nét văn hóa ẩm thực Hàn Quốc.

Một bữa tiệc của một vị vua điển hình trong triều đại Joseon.

Ẩm thực Hàn Quốc: Hương vị đến từ thiên nhiên, núi, biển và bốn mùa cây cỏ

70% diện tích đất của Hàn Quốc được bao phủ bởi núi đồi và 3 mặt biên giới giáp biển. Cũng giống như Việt Nam, Hàn Quốc có 4 mùa rõ rệt. Sự đa dạng và phong phú của các thành phần được cung cấp bởi các ngọn núi, cánh đồng, sông ngòi và biển có đặc điểm địa lý phong phú đa đạng.

Từ mùa xuân qua mùa thu, thiên nhiên Hàn Quốc ưu ái cho người dân nơi đây khí hậu ôn hòa, mát mẻ, rau và hoa quả tươi tốt qua các mùa nên trên bàn ăn của người Hàn Quốc ngập tràn các loại thức ăn tươi ngon và bổ dưỡng.

Gujeolpan (chín món ăn), một món ăn Hoàng gia cổ đại của Hàn Quốc gồm thịt, hải sản, trứng và rau, được ăn bằng cách gói tất cả các nguyên liệu trong một chiếc bánh tráng.

Ai có dịp đến siêu thị của người Hàn Quốc sẽ nhận ra một điều mà họ không thể thiếu trong bữa ăn của mình là ớt. Người Hàn quốc ăn cay, đúng vậy! Có lẽ do đặc điểm khí hậu riêng của Hàn Quốc đã hình thành nên thói quen ăn các món ăn cay nồng để giữ ấm cho cơ thể. Trong bữa ăn, khi một người cảm thấy không còn ngon miệng, họ có thể dùng thêm ớt để kích hoạt lại vị giác.

Bibimbap của người Hàn Quốc gần đây đã trở nên nổi tiếng hơn sau khi được bổ sung vào thực đơn của một hãng hàng không thuộc quốc gia này.

Điểm nổi bật nhất trong ẩm thực Hàn Quốc là những món ăn lên men. Dường như không một đất nước nào có nhiều món ăn lên men như của người Hàn: Không chỉ kimchi, jeotgal (hải sản lên men) mà còn có gochujang (ớt tiêu), doenjang (loại đậu nành mềm) và nước tương. Bởi vì mùa đông Hàn Quốc kéo dài rất dài và lạnh, nên người xứ Hàn đã nghĩ ra cách lên men các loại rau củ trông được từ mùa thu để đảm bảo lương thực cho mùa đông.

Xứ sở kim chi

Đa phần các quốc gia trên thế giới đều có một vài loại thực phẩm lên men phổ biến như sữa chua hoặc pho mát, nhưng Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong đó có cải bắp, củ cải và rau cải được tiêu thụ quanh năm.

Kimchi, món ăn lên men nổi tiếng nhất của Hàn Quốc,

Người ta thường gọi Hàn Quốc bằng một cái tên thân thiện khác là xứ sở kim chi, nói thế cũng đủ biết kim chi có vai trò quan trọng như thế nào trong bữa ăn của người Hàn. Kim chi xuất hiện trên mọi bàn ăn của người Hàn. Sự kết hợp của bắp cải, bột ớt và những nguyên liệu như: tỏi, gừng, hành lá, muối ăn… được người ta bảo quản ở nhiệt độ thấp và cho lên men. Mặc dù có hàm trăm loại kim chi khác nhau, nhưng hầu hết các loại này đều có mùi thơm nồng và cay.

Minmul Maeuntang (món cá nước ngọt cay) được chế biến với gochujang (bột tiêu).

Kim chi được liệt vào danh sách “5 thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhất” theo tạp chí Health Magazine của Mỹ do có rất nhiều tác dụng hỗ trợ sức khỏe như: ngăn ngừa béo phì, tiểu đường, chống vi khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa… Năm 2013, văn hóa muối kim chi của người Hàn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Các loại tương

Một loại thực phẩm lên men nổi tiếng khác của người Hàn Quốc là jang. Jang là một thuật ngữ cho các loại nước sốt bao gồm: Doenjang (tương đậu nành), gochujang (tương ớt), ganjang (nước tương) và cheonggukjang (đậu tương). Jang là một gia vị quan trọng cho tất cả các món ăn Hàn Quốc.

Doenjang (tương đậu nành) và gochujang (tương ớt)

Người Hàn Quốc có câu nói nổi tiếng: “Gia đình sẽ suy bại nếu jang bị đổi vị”. Vậy mới thấy, jang đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống của người dân xứ Hàn.

Manduguk (bánh bao xúp) với ganjang (nước tương).

Để chế biến jang cần một khâu rất quan trọng đó là treo meju hay còn được gọi là maljang (말장), trong ẩm thực Triều Tiên là một khối như viên gạch đậu tương được lên men khô. 

Meju được sản xuất bằng cách nấu chín đậu nành, sau đó nghiền chúng trong cối. Thông thường, một số loại ngũ cốc khác cũng được trộn lẫn trong khi thực hiện meju. Đậu nành meju sau đó sẽ được nghiền nhuyễn rồi nặn thành các miếng lớn, để khô rồi lên men. Sau khi đã lên men xong, các phiến meju sẽ được xếp vào vại, đổ nước muối, thêm ớt khô, than nóng để loại bỏ các tạp chất hay những mùi khó chịu trong lúc lên men. Những khối đậu nành lên men, và ủ trong thời gian là từ đầu mùa đông đến mùa hè năm sau thì có thể dùng được.

Bước đầu tiên để làm jang truyền thống của Hàn Quốc là tạo ra meju (các khối đậu nành lên men).

Sau khi lên men một thời gian, meju được tách ra thành 2 phần là doenjang và ganjang. Ganjang sau đó sẽ tiếp tục được ủ thêm để tạo nên phần nước tương đậm đà, nguyên chất…Hương vị của jang phụ thuộc các loại vi sinh vật lên men. Do vậy ở mỗi vùng đất, khí hậu khác nhau mà Jang lại mang theo những hương vị khác nhau trong mâm cơm của gia đình người Hàn Quốc.

Jangdok (đồ gốm Hàn Quốc truyền thống) là loại bình mà trong đó các thực phẩm đã lên men của Hàn Quốc như kimchi, doenjang (tương đậu nành), gochujang (tương ớt), ganjang (nước tương) được bảo quản.
Một bữa cơm chay dành cho 2 người tại Hàn Quốc.

Trong bữa ăn của người Hàn Quốc, nước tương luôn được trân trọng đặt ở vị trí chính giữa mâm. Với người Hàn, nước tương không chỉ là gia vị quan trọng giúp nâng hương vị của bữa ăn lên, đó còn là giá trị quan trọng về mặt tinh thần, là niềm tự hào về một nền văn hoá lâu năm của họ.

Xin giới thiệu đến bạn một vài món ăn đặc sắc làm nên thương hiệu ẩm thực xứ Hàn:

Minmul Maeuntang (món cá nước ngọt cay) được chế biến với gochujang (bột tiêu).
Gamjatang (súp thịt heo với khoai tây).
Ganjang gejang (cua Hàn Quốc ướp với nước tương.
Bibim Naengmyeon (mì Hàn Quốc lạnh với sashimi).
Mul Naengmyeon (Mì Hàn Quốc lạnh kiều mạch).
Tteok (bánh gạo Hàn Quốc) và đồ ăn nhẹ tráng miệng với trà).

Hình ảnh của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc.

Hương Phạm