Tiêu tiền không có kế hoạch thì có kiếm thêm nhiều tiền hơn cũng lãng phí, đúng không nào? 

Tại sao tôi không thể tiết kiệm được tiền?

Thời gian trước, tôi có một người bạn khá thân, muốn học đầu tư chứng khoán với tôi, nhưng số tiền không đủ nên không tham gia được. Người bạn đó thường kêu ca rằng anh không tiết kiệm được bao nhiêu. Anh này là một công chức, thu nhập ổn định, lương tối thiểu cũng không phải là ít. Chưa kể anh đang sống trong một ký túc xá giá rẻ, cũng không có thói quen mua đồ đắt tiền.

Vậy tiền đã đi đâu? Anh ấy nói với tôi rằng anh… không biết!

Bước đầu tiên để tìm hiểu về đầu tư tài chính là học cách quản lý tiền

Thật ra, bây giờ có rất nhiều bạn trẻ đã nhầm thứ tự của việc đầu tư và quản lý tài chính. Đầu tư có thể hiểu đơn giản là làm cho tiền sinh ra tiền. Họ muốn nhanh chóng đầu tư để phát triển, thế nhưng đến tiền của mình cũng không quản lý được thì làm sao có thể sử dụng nó để kiếm nhiều tiền hơn đây?

Khái niệm quản lý tiền nghe có vẻ “đao to búa lớn”, thực ra không khó chút nào. Chỉ cần làm 3 việc đơn giản dưới đây, bạn sẽ có thể kiểm soát được tiền của mình.

1. Quản lý ví tiền, đừng để bị rò rỉ

Ví là nơi mà tiền đến và đi mỗi ngày, nhưng cũng là nơi chúng ta dễ bỏ qua nhất. Không biết cách sắp xếp ví tiền, giống như vòi nước không vặn chặt vậy. Mỗi ngày bạn để rò rỉ từng chút một, nhưng tự mình không nhận ra điều đó. Cách sắp xếp tiền trong ví có thể được chia thành hai phần: tiền mặt và thẻ.

Kiểm soát chi tiêu tiền mặt

Giả sử bạn muốn chi tiêu dưới 200.000 đồng mỗi ngày, chỉ cần bỏ 200.000 đồng vào ví mỗi sáng. Hãy chi tiêu trong một ngân sách hạn chế. Bằng cách này, trước sự hấp dẫn của những món đồ và những lời chào mời nhiệt tình khó cưỡng, bạn vẫn có thể “tự vệ” vì đơn giản là… không có tiền để chi. Như vậy, chúng ta không dễ bị bội chi.

Ảnh minh họa (nguồn: Tâm Anh).

Ngoài ra, nên xếp phẳng phiu theo từng loại tiền. Không những chiếc ví gọn gàng hơn, bạn còn nhanh chóng biết được số tiền mình còn lại trong ví.

“Đối phó” với các loại thẻ

Sau khi kiểm soát ngân sách, chúng ta hãy nói về các loại thẻ. Thẻ ở đây bao gồm: thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ tích điểm, thẻ thành viên v.v.

Tôi đã từng nhìn thấy bạn tôi có cái ví rất dày, nhưng khi mở ra, không phải là 1.000 đô-la tiền mặt, mà là… tất cả các loại thẻ!

Thực tế, như với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chỉ cần duy trì 1, 2 cái để sử dụng khi cần. Có một số người làm rất nhiều loại thẻ, nhưng rất ít khi dùng tới mà còn phải lo lắng về thời gian thanh toán và phí duy trì thẻ.

Đối với thẻ ATM, bạn không nhất thiết mang theo bên mình khi ra ngoài. Ngoài việc tránh những giao dịch không cần thiết, bạn cũng có thể tiết kiệm thêm phí rút tiền, nhờ đó kiểm soát ngân sách của bạn.

2. Kiểm soát dòng tiền bằng cách ghi chép

Tiền tiêu vào đâu?

Tôi tin rằng nhiều người đều từng trải qua tình huống này: buổi sáng đến cây ATM, rút hai tờ 500.000 đồng. Đến buổi chiều, một tờ tiền đã mất tích. Tiêu tiền vào những nơi cần chi thì không nói, nhưng “đáng sợ” nhất là thậm chí không biết đã tiêu nó vào đâu!

Tiền không có chân chạy, vì vậy đừng bảo rằng nó chạy lung tung. Vấn đề là chúng ta không có quan điểm đúng đắn về cách tiêu tiền. Trong túi có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, làm như vậy không những không tiết kiệm được tiền mà có thể bội chi.

Học cách ghi lại chi tiêu và giữ lại hóa đơn

Muốn biết tiền của bạn đi đâu, cách tốt nhất là ghi chép lại. Bạn có thể ghi sổ, giữ lại hóa đơn v.v.

Ảnh minh họa (nguồn: Tạp chí Tài chính).

Hãy ghi lại tất cả các chi phí của bạn, dành thời gian mỗi tháng để phân loại chi phí của bạn: “chi phí thiết yếu” và “chi phí không thiết yếu”.

Đây là cách theo dõi và đánh giá lại để xem mình đã chi tiêu hợp lý chưa và liệu tiền có thật sự mất đi không, hay chỉ vì ta chi quá đà. Chúng tôi cũng có kinh nghiệm đau thương là thường mua sắm cho các sở thích nhất thời, kết quả đã mua nhiều thứ không cần thiết. Vì vậy, hãy xem xét kỹ để tự nhắc nhở mình sau này.

3. Kiểm tra tài khoản của bạn

Những tài khoản nào thực sự cần dùng?

Trước khi chuyển sang chủ đề kiểm tra và sắp xếp tài khoản, bạn thử nghĩ xem bạn có bao nhiêu tài khoản? Có thể có một số tài khoản chủ yếu được sử dụng để chuyển tiền lương, một số tài khoản đã được mở khi mở tài khoản chứng khoán… Có nhiều tài khoản như vậy nhưng bạn có thật sự dùng đến không?

Đóng những tài khoản không cần thiết

Hủy bỏ một số tài khoản không sử dụng trong một thời gian dài vì tài khoản loại này thường cũng sẽ không được dùng đến trong tương lai.

Một số người có thể muốn hỏi: “Tôi nên để lại bao nhiêu sổ tiết kiệm?”.

Ảnh minh họa (nguồn: Tiếng Nhật giao tiếp).

Nếu bạn không giỏi kiểm soát tiền bạc, bạn có thể bắt đầu với hai sổ tiết kiệm: chi phí sinh hoạt và tiết kiệm. Nếu có kế hoạch tài chính khác trong tương lai, hãy từ từ thêm vào như giải trí, giáo dục v.v.

Nhưng nếu bạn đã hoàn toàn có thể nắm bắt được dòng tiền, cũng có thể kiểm soát ngân sách của riêng mình. Tốt nhất là hủy tất cả các tài khoản không sử dụng, chỉ cần để lại một cuốn sổ tiết kiệm là đủ rồi.

Cả ba cách trên: quản lý ví, ghi chép và quản lý tài khoản ngân hàng đều rất đơn giản, cũng là cách trực tiếp để quản lý tiền. Thực hiện những điều này không khó, nhưng khó ở chỗ là liệu bạn có thể kiên trì hay không. Nhiều người bỏ cuộc giữa chừng nên không tiết kiệm được. “Việc quản lý ví nghe có vẻ hay ho nhưng sắp xếp tiền thì mất công quá, hơn nữa số tiền rút ra lại hạn chế, lỡ muốn mua và không kìm lòng được thì phải làm sao?”. “Quá trình ghi chép chi tiêu sao mà tẻ nhạt và mệt mỏi thế!”…

Hãy suy nghĩ một chút, chỉ cần nắm rõ và thực hiện những việc này, bạn có thể tiết kiệm được tiền, làm được bước đầu rồi mới nói tới chuyện đầu tư cho kinh doanh. Kiên trì từng bước, bạn có thể kiếm nhiều tiền hơn với kinh nghiệm của mình. Chúc các bạn thành công trong việc học quản lý tiền.

Huyền Thanh

Theo Cmoney

Video xem thêm: Vì sao tỷ phú Quách Văn Quý đăng lời xin lỗi bất thường trên mạng xã hội?

videoinfo__video3.dkn.tv||249020e19__