“Kể từ sau đại chiến II tới nay, miền đất vốn thanh bình này lại sống trong cảnh chiến tranh vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hằng tuần”. Đây là lời nhận xét đậm chất hài hước nhưng rất “chí lý” của ông Javier Solana, nguyên tổng thư ký khối NATO và hiện là ủy viên đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU).
Quả đúng như thế, trong các kỳ nghỉ cuối tuần hàng ngàn công dân Thụy Sĩ thường rủ nhau khoác những bộ đồng phục kaki xanh lên người, đến các sân tập bắn hiện diện khắp nơi. Họ lăn lê bò trườn giữa những tiếng súng nổ chát chúa của đạn quân dụng “thứ thiệt”. Trên trời, các cỗ phi cơ quân sự siêu thanh mới “nhập cảng” từ EU và Mỹ, gầm rú bay tới bay lui trên rặng núi Alpes tuyết phủ vĩnh hằng…
Ở Thụy Sĩ, không giống như các nước Châu Âu khác, mặc dù là một quốc gia trung lập trong thế chiến thứ 2, nhưng từ thời chiến tranh lạnh, quốc gia này vẫn duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự với tất cả nam giới từ 20-32 tuổi.
Binh sĩ dự bị, hằng năm đều được gọi trở lại quân đội tham gia các khóa rèn luyện kéo dài chừng ba tuần lễ, rồi lần lượt được thăng cấp hàm tương ứng với số thời gian trực tiếp mặc áo lính. Hạ sĩ quan dự bị phải phục vụ quân đội tổng cộng tối thiểu là 360 ngày trong cả đời, riêng với cấp đại tá – hàm sĩ quan dự bị cao nhất – tối thiểu là 5 năm.
Người dân Thụy Sĩ cho rằng, nghĩa vụ quân sự chính là chất keo gắn kết tinh thần dân tộc. Ở một đất nước mà tỷ lệ người dân có nguồn gốc nhập cư ở hàng cao nhất thế giới với sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ, thì việc được huấn luyện cùng nhau là điều rất cần thiết. Nhờ chấp hành nghiêm túc chính sách này, những nam thanh niên tại đây luôn được trau dồi ngôn ngữ của nhiều địa phương và các tầng lớp xã hội.
Chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc còn giúp quân đội nước này có thể tuyển được những chuyên gia công nghệ thông tin, kỹ sư và bác sĩ giỏi nhất.
Trong quân ngũ, địa vị hay bằng cấp ngoài xã hội đều không còn quan trọng, chỉ có mệnh lệnh mới là thượng tôn. Fritz Gerber, Nguyên chủ tịch hãng bảo hiểm Roche và Zurich, đồng thời cũng là đại tá quân đội Thụy Sĩ cho rằng: “Trong quân doanh Thụy Sĩ, luật sư hay bác sĩ đôi khi vẫn phải báo cáo với người thợ sửa ống nước”.
Nhờ được rèn luyện trong quân ngũ, những con người ưu tú có dịp được gắn kết với nhau và trở thành một mạng lưới quan hệ bền chặt. Những con người này tôn trọng nhau vì phẩm chất và năng lực chứ không phải vì xuất thân. Họ chia sẻ cùng nếp nghĩ và hành động khi cần ra quyết định. Chính những kinh nghiệm lãnh đạo trong quân ngũ đã chui rèn nên ý chí và tính cách của những nam thanh niên trước khi họ bước chân vào thương trường.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia, những con người kỷ luật và đoàn kết lại luôn là thế mạnh của Thụy Sĩ. Người dân Thụy Sĩ luôn có khái niệm rất rõ ràng về “Chủ quyền cá nhân”, đồng thời họ cũng hiểu nghĩa vụ phải cống hiến cho cộng đồng đã nuôi sống họ. Chính vì vậy, vào năm 2016, sau một cuộc trưng cầu dân ý, đông đảo người dân Thụy Sĩ đã bỏ phiếu yêu cầu duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở nước này. Mặc dù chính sách này tiêu tốn gần 3 tỷ đô la ngân sách liên bang.
Cho đến ngày nay, trong các doanh nghiệp hay các hoạt động sinh hoạt đời thường, các quân nhân thường được hưởng nhiều đặc quyền hơn, đồng thời cũng là người nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp của Thụy Sĩ theo đó mà cũng mang ít nhiều màu sắc nhà binh.
Anh Lân