Trong cuộc sống, những người thành công không cần phải quá thông minh, không cần quá tài giỏi, cũng không cần phải có tầm nhìn xa trông rộng. Bởi thành công chỉ có 20% dựa vào trí tuệ, nhưng lại có 80% dựa vào cảm xúc của mỗi người.

Dưới đây là những đặc điểm kìm hãm sự thành công, hãy xem đó là gì để cùng khắc phục nhé:

1. Dễ dàng bỏ cuộc

Đây là những người nóng vội, không muốn chấp nhận sự thật rằng “mùa xuân gieo hạt mùa thu mới có thể thu hoạch”. Có rất nhiều người vừa mới bỏ ra chút công sức đã đòi hỏi phải thu được kết quả hay hồi báo nào đó.

Những người mới học đàn hay học ngoại ngữ thường vì khó khăn ban đầu mà bỏ cuộc giữa chừng. Lại có những người làm ăn buôn bán vì khởi đầu không thuận lợi mà sau một tháng, hai tháng liền buông bỏ, không thể kiên trì với kế hoạch ban đầu. Dần dần, buông bỏ đã trở thành một thói quen điển hình của những người thất bại.

Có câu nói rằng: “Người thành công là người không dễ buông bỏ, người buông bỏ là người không thể thành công”. Vậy tại sao rất nhiều người lại dễ dàng buông bỏ như vậy?

Bậc thầy về thành công Napoleon Hill từng nói: Người nghèo có hai loại tâm tính rất điển hình: Một là luôn nói “Không” với cơ hội; hai là luôn mong muốn trở nên giàu có sau một đêm.

Napoleon Hill. Ảnh dẫn theo paleofuture.gizmodo.com

Hôm nay dẫu bạn mang tới cho họ bất kể cơ hội nào, họ đều nói: “Không”. Ví dụ bạn truyền cho họ những bí quyết thành công mà sau rất nhiều năm bạn mới đúc kết ra được, và đó đều là chia sẻ chân thành từ đáy lòng của bạn. Nhưng liệu họ sẽ đón nhận lời chia sẻ ấy, hay chỉ nghe như gió thoảng qua tai? Đây chính là tâm trạng điển hình của những người thất bại, họ sẽ bao biện rằng: “Anh làm được nhưng tôi thì không thể”.

Còn một biểu hiện nữa là mong muốn trở nên giàu có sau một đêm. Khi bạn chia sẻ với họ bất cứ vấn đề gì về kinh doanh, đầu tiên họ sẽ hỏi: “Có kiếm được tiền không?”. Nếu câu trả lời là “có” họ sẽ tiếp tục hỏi: “Có dễ dàng không?”. Nếu đáp án là “dễ” họ sẽ hỏi tiếp: “Có nhanh không?”; và nếu bạn nói “nhanh” họ sẽ lập tức nói: “Thế thì tôi sẽ làm”.

Chúng ta hãy nghĩ xem, trên thế giới này có công việc nào vừa kiếm được tiền lại vừa dễ dàng vừa nhanh chóng? Nếu quả thật có công việc như vậy tồn tại, thì có lẽ cũng không có cơ hội cho chúng ta đến làm…

2. Ngại thay đổi

Là người trưởng thành, chúng ta cần học cách suy nghĩ, hành động, và thay đổi những thói quen không tốt của bản thân mình. Kỳ thực, năng lực giữa người với người không khác biệt quá lớn, mà sự khác biệt chỉ là phương thức suy nghĩ khác nhau. Khi xảy ra một sự việc, thái độ nhìn nhận của người thành công hay thất bại không như nhau, thậm chí đôi khi còn trái ngược hoàn toàn.

Có một câu nói rất hay là: Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt vận mệnh. Bởi vậy, nếu chúng ta gieo trồng hạt giống thất bại thì điều chúng ta nhận được chỉ là sự thất bại mà thôi…

3. Bàn luận sau lưng người khác

Trong cuộc sống, những lời bình luận sau lưng người khác rồi cũng đến một ngày được truyền đến tai họ và gây chuyện thị phi. Có câu rằng: Người hay bình luận nói lời thị phi với người khác nhất định là người rắc rối thị phi.

Ảnh minh họa (theo youtube.com)

4. Tiêu cực và oán hận

Trong cuộc sống hằng ngày, bạn mong muốn được tiếp xúc với những người như thế nào? Một người cả ngày đăm chiêu ủ dột, cả ngày oán hận, hay một người lúc nào cũng vui vẻ nói cười với mọi người?

Nếu bạn đang có tâm trạng tiêu cực thì hãy loại bỏ nó đi nhé! Nếu không, sẽ rất khó thích nghi với xã hội này, cũng rất khó để hợp tác với người khác. Bởi chúng ta đối xử với cuộc sống như thế nào cuộc sống sẽ đối xử với chúng ta như thế; chúng ta đối xử với người khác như thế nào người khác cũng đối xử với chúng ta như vậy.

Bởi vậy, hãy tránh xa mọi cảm xúc tiêu cực và oán hận, thay vào đó, tạo cho mình thói quen suy nghĩ tích cực và luôn nhìn nhân mọi việc theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Đây cũng chính là đạo lý trong câu nói: “Người thành công vĩnh viễn không oán hận, người oán hận vĩnh viễn không thể thành công”.

5. Để cảm xúc tình cảm chi phối

Một người có thể thành công hay không là ở 5 nhân tố sau đây:

  1. Học được cách khống chế cảm xúc
  2. Có một thân thể khỏe mạnh.
  3. Đối nhân xử thế tốt đẹp với mọi người
  4. Quản lý thời gian
  5. Quản lý tài chính

Trong đó, khống chế cảm xúc đứng vị trí hàng đầu và sức khỏe đứng vị trí thứ hai – Vì sao lại như vậy?

Nguyên nhân là bởi dù bạn có sức khỏe tốt đến đâu, thì việc không khống chế vững cảm xúc, lại ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bạn. Một người muốn thành công chỉ có 20% dựa vào trí tuệ còn 80% dựa vào cảm xúc, vì vậy bạn nên khống chế nó thật vững vàng.

Trong đối nhân xử thế giữa người với người, đừng vì một chút việc nhỏ mà nổi trận lôi đình, bởi như vậy hoàn toàn không tốt cho bạn và cho cảm xúc của bạn.

Nếu có thể làm chủ cảm xúc của bản thân và luôn đối đãi với mọi người bằng thái độ hoà ái nhẹ nhàng, thì bạn sẽ luôn được mọi người yêu mến, sự nghiệp và công việc cũng vì vậy mà thuận buồm xuôi gió hơn.

Luôn đối đãi với mọi người bằng thái độ hoà ái nhẹ nhàng. Ảnh minh họa (theo careerlink.vn)

Vậy nếu nhìn thấy thiếu sót của người khác, ta nên góp ý như thế nào? Lời góp ý đúng chỗ sẽ được người khác đón nhận, nhưng lời góp ý không đủ thiện tâm lại có thể khiến đối phương phật lòng.

Bởi vậy, khi góp ý cho người, chúng ta nên xuất phát từ thành ý chân tâm. Khi nói chuyện, cần suy nghĩ xem những lời mình nói có đủ chân thành không, có làm tổn thương tới lòng tự trọng của người khác hay không.

Khen ngợi người khác cũng vậy, cần biết lời khen ấy có chân thành không, có xuất phát từ nội tâm không, có được mọi người tiếp nhận không, và có thật sự vô tư không. Nếu ẩn chứa mục đích nào đó khi khen ngợi, thì lời nói đó chỉ là lời nói suông trên bề mặt mà không đủ sức lay động lòng người.

6. Không muốn học hỏi

Sự khác biệt lớn nhất giữa người và động vật là con người biết học hỏi biết suy nghĩ, con người cần không ngừng học hỏi và đừng để tiềm năng của mình bị mai một theo thời gian.

Chúng ta nên học điều đó ở đâu và học điều gì ở họ?

Chính là học sự nỗ lực phấn đấu, nhìn nhận theo chiều hướng tích cực của những người thành công và cũng đừng nghe đừng xem những thứ mang lại cảm xúc tiêu cực phụ diện. Luôn biết nhìn vào ưu điểm của người khác, bởi “trong ba người tất có một người là thầy của ta“.

7. Không dám tin tưởng chính mình

Có nhiều người khi làm việc hay dựa vào người khác, nghe người khác nói sao liền làm như vậy mà không có lòng tin vào bản thân mình.

Kỳ thực, sự tin tưởng và lòng tin là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đức tin chính là thái độ trong cảnh giới làm người, tuy nhiên rất nhiều người khi hành xử và làm việc lại không dựa vào bản thân mà dựa vào lời nói bình luận của người khác.

Muốn leo lên đỉnh núi, bạn cần học hỏi những người đã lên tới đỉnh chứ không phải là những người chưa từng bao giờ leo núi.

Hãy nhớ rằng những gì bạn đang làm là để thực hiện mơ ước của mình, để khẳng định giá trị của chính bản thân mình. Đây mới là điều quan trọng và cần thiết nhất. Chỉ cần lựa chọn đó là chính xác, bạn vĩnh viễn không cần để ý xem người khác nói như thế nào.

Trên đây là 7 điều kìm hãm sự thành công. Chỉ cần không ngừng sửa đổi bản thân, bạn sẽ đạt được những điều mình mong muốn. Chỉ cần luôn tin rằng bạn có đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thì không điều gì là không thể thực hiện.

Kiên Định

Xem thêm:

Từ Khóa: