Nôn trớ hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, ăn thức ăn lạ hoặc không dung nạp thức ăn do bộ máy tiêu hóa kém thường do Tỳ vị hư hàn. Chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn và làm mạnh bộ máy tiêu hóa, trẻ sẽ trở lại bình thường.

Tiếp theo: Phần 1, Phần 2, Phần 3.

Nôn là tình trạng các chất trong dạ dày bị đẩy ra ngoài qua miệng, do sự co bóp của dạ dày phối hợp với co thắt của các cơ thành bụng. Trớ là sự di chuyển của chất trào ngược từ dạ dày qua hầu họng lên miệng, hoặc có thể qua miệng ra ngoài số lượng ít, do sự co bóp đơn thuần của dạ dầy. Trớ rất hay gặp ở trẻ sơ sinh.

Nôn trớ thường gặp ở trẻ nhỏ. (Ảnh: Blog Q)

Các nguyên nhân gây nôn trớ

1. Do sai lầm về ăn uống và chăm sóc

  • Cho trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, ép ăn quá ngưỡng
  • Cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế, hoặc bú bình chưa đúng cách, làm trẻ nuốt phải nhiều khí vào dạ dầy gây nôn trớ
  • Trẻ vừa ăn no đã đặt trẻ nằm ngay
  • Quấn tã chăn quá chặt, băng rốn chặt

2. Nôn trong bệnh nội khoa

  • Các bệnh về đường tiêu hóa: tiêu chẩy, chậm nhu động ruột
  • Viêm đường hô hấp trên
  • Bệnh nhiễm trùng thần kinh: Viêm màng não mủ
  • Tăng áp lực nội sọ: Xuất huyết não do giảm tỷ lệ Prothrongbin
  • Hội chứng sinh dục thượng thận
  • Do rối loạn thần kinh thực vật: hay gặp là co thắt môn vị
Tỳ vị hư hàn thường là nguyên nhân chính gây nôn trớ ở trẻ. (Ảnh: nhathuoclongchau.com)

3. Nôn trong bệnh ngoại khoa

  • Nôn do dị tật đường tiêu hóa: hẹp phì đại môn vị, hẹp tá tràng bẩm sinh, thoát vị hoành, teo thực quản: thường nôn ngay trong những ngày đầu mới sinh
  • Nôn do tắc ruột, xoắn ruột: thường kèm theo nhiễm trùng toàn thân, bụng chướng, bí trung đại tiện, đi ngoài phân có máu, dịch dạ dầy nâu đen

Nguyên nhân thường gặp theo Đông y:  Do vỵ hàn làm cho khí ở trung tiêu thăng giáng bất thường

Triệu chứng: Bụng đầy chướng, quấy khóc vật vã, có khi nôn thốc nôn tháo, bú vào là nôn ra ngay.

Điều trị: Ôn vị hòa trung giáng nghịch: Bổ Tỳ thổ, vận nghịch Nội bát quái, thanh Phế kim.

1. Bổ Tỳ thổ

Đẩy bổ Tỳ thổ

Vị trí: Bờ ngoài ngón tay cái phía xương quay.

Thủ thuật: Đẩy vào trong (tiến) là bổ (phép bổ cần làm chậm rãi)

Tác dụng riêng: Chữa tỳ vị hư, ăn uống kém, ỉa chảy.

(Lưu ý: Trẻ em do thể chất yếu, chính khí bất túc lúc bị sởi có thể đẩy bổ Tỳ thổ làm cho sởi dương ra ngoài. Thủ thuật cần làm nhanh có sức, có nghĩa là có tả trong bổ).

2. Vận nghịch nội bát quái

Đẩy vận nghịch Nội bát quái

Vị trí: Gan (lòng) bàn tay.

Thủ thuật: Đẩy vận  ngược chiều kim đồng hồ gọi là vận nghịch.

Tác dụng riêng: Vận nghịch có thể làm cho giáng để làm hết nôn.

3. Thanh Phế kim

Đẩy thanh phế kim

Vị trí: Mặt phía gan tay đốt thứ 3 ngón tay đeo nhẫn.

Thủ thuật: Đẩy lùi từ trong ra đến đầu ngón tay 100-150 lần.

Tác dụng riêng: Chữa cảm mạo, ho, tức ngực, hen, mặt xanh xao thiếu máu. Phần lớn dùng phép thanh phế kim.

Tác dụng chung của các huyệt: Bổ tỳ thổ, vận nghịch nội bát quái để ôn tỳ vị, hòa trung, tiêu trệ, giáng nghịch, thanh phế

Những điều cần chú ý khi làm xoa bóp cho trẻ em

  • Trước khi làm xoa bóp, người thực hiện phải rửa tay sạch và cắt móng tay.
  • Trời lạnh phải xoa hai tay cho nóng hoặc ngâm tay cho ấm, để tránh trẻ bị lạnh.
  • Tư thế của trẻ phải thoải mái không gò bó.

Sau khi xoa bóp cho trẻ cần chú ý

  • Sau khi xoa bóp dễ gây mệt mỏi về tinh thần nên cần im lặng tránh ồn ào.
  • Trong phòng cần giữ ấm nhất là mùa đông, không để gió lùa vào dễ làm cho trẻ cảm mạo, vào mùa hè cần thoáng mát.
  • Sau khi xoa bóp không nên cho trẻ ăn ngay, song có thể uống nước.

Đợt chữa bệnh và thời gian một lần xoa bóp

Đợt chữa bệnh

  • Mỗi đợt chữa bệnh thường từ 7 – 12 lần.
  • Với chứng cấp tính (bệnh mới và nhanh) mỗi ngày có thể làm 1 – 2 lần.
  • Với chứng mạn tính (bệnh lâu ngày) thường cách 1 ngày làm 1 lần hoặc 1 tuần 2 lần.

Thời gian 1 lần xoa bóp

  • Nếu xoa bóp toàn thân thì thường từ 30 – 40 phút.
  • Nếu xoa bóp các bộ phận của cơ thể thường từ 10 – 15 phút.
  • Ở trẻ từ 1 – 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp từ 1 – 3 phút, trẻ trên 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp 2 – 3 phút.

Minh Hoàng