Khó đại tiểu tiện khiến bé hay khóc, không chịu bú, bụng trướng. Tình trạng kéo dài dễ dẫn đến sa trực tràng và trĩ. Xoa bóp huyệt giúp bộ máy tiêu hóa của bé được điều hòa, bài trừ nhiệt độc mà thông đại tiểu tiện.

Tiếp theo: Phần 1

Đại tiểu tiện khó ở trẻ em phần lớn là do bị nhiệt độc từ trong thai nhi. Cơ thể không thải được độc tố, phân khô tích tụ lâu trong cơ thể sẽ cản trở quá trình trao đổi chất, do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, mặt khác là do chăm sóc chưa đúng cách, v.v.

Đại tiểu tiện khó khiến trẻ mệt mỏi, kiệt sức. (Ảnh: ViCare)

Trẻ em mắc chứng đại tiểu tiện khó thường có các triệu chứng sau; bụng trướng đầy hoặc mắt đỏ, mồm khô, lưỡi ráo, trẻ bỏ bú, đại tiểu tiện không thông. Chậm lớn, khó chịu và quấy khóc. Tình trạng này kéo dài còn gây sa trực tràng, trĩ… làm trẻ đau đớn và suy kiệt. Nhiều trẻ mỗi lần đi vệ sinh rất đau đớn nên nhịn luôn, làm cho tình trạng ngày càng trầm trọng.

Phương pháp điều trị

Phép trị: Thông lợi đại tiểu tiện, làm tiêu tan hoặc tiêu trừ ứ đọng, làm thông kinh lạc bị bế tắc. Trong phép tiêu (thông), thủ thuật cần làm mạnh và thường dùng bóp, day hoặc ấn.

Thủ thuật và huyệt: Day thần khuyết, vận nghịch nội bát quái để hòa trung, tiêu trệ, tiêu đầy chướng. Thanh phế kim, thoái lục phủ, day dương trì có thể hành khí, nhuận táo, thông táo kết.

Day huyệt Thần khuyết (rốn)

Huyệt Thần khuyết (rốn)

Vị trí: Ở rốn

Thủ thuật: Day 100 – 300 lần, xoa 5 phút.

Tác dụng riêng: chữa đầy bụng, đau bụng, thực tích, táo bón, sôi bụng, buồn nôn.

Vận nghịch Nội bát quái

Vận nghịch Nội bát quái

Vị trí: Gan (lòng) bàn tay.

Thủ thuật: Đẩy vận 1 – 5 phút ngược chiều kim đồng hồ gọi là vận nghịch.

Tác dụng riêng: Vận nghịch có thể làm cho giáng để làm hết nôn…

Đẩy Thoái lục phủ (bờ trụ cẳng tay)

Đẩy Thoái lục phủ

Vị trí: Ở mặt trong cẳng tay, phía trụ, từ khuỷu tay đến nếp gấp cổ tay.

Thủ thuật: Đẩy (từ khuỷu tay xuống tới cổ tay) 100 – 300 lần.

Tác dụng riêng: Chữa sốt cao, phiền toái, miệng khát, kinh phong, sưng amiđan, đau họng, quai bị, đại tiện táo bón, lỵ, ban chẩn.

Đẩy thanh Phế kim (lòng ngón đeo nhẫn)

Đẩy thanh Phế kim

Vị trí: Mặt phía gan tay đốt thứ 3 ngón tay đeo nhẫn.

Thủ thuật: Đẩy lùi từ trong ra đến đầu ngón tay 100 – 150 lần.

Tác dụng riêng: Chữa cảm mạo, ho, tức ngực, hen, mặt xanh xao thiếu máu. Phần lớn dùng phép thanh phế kim.

Day Dương trì

Dương trì

Vị trí: Bàn tay để úp, huyệt ở chỗ lõm khoảng giữa khớp cổ tay phía mu tay.

Thủ thuật: Bấm 3 – 5 lần; day 50 – 100 lần.

Tác dụng riêng: Chữa váng đầu, đau đầu, kinh phong, táo bón.

Có thể phối hợp với bổ Thận thủy, day tiểu thiên tâm, thanh Thiên hà thủy có tác dụng tư âm, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.

Đẩy bổ Thận thủy (lòng ngón út)

Đẩy bổ Thận thủy

Vị trí: Mặt phía sau tay đốt thứ 3 ngón tay út.

Thủ thuật: Đẩy từ đầu ngón tay đến cuối ngón tay 100 – 300 lần.

Tác dụng riêng: Chữa tiên thiên bất túc, ốm lâu ngày người hư nhược, ỉa chảy sáng sớm, đái dầm, ho hen, mặt đỏ đau răng.

Bấm, day Tiểu thiên tâm

Tiểu thiên tâm

Vị trí: Ở chỗ lõm trên nếp gấp cổ tay giữa mô cái và mô út.

Thủ thuật: Bấm 5 – 20 lần, day 50 – 100 lần.

Tác dụng riêng: Chữa kinh phong, động kinh, mờ mắt, đau mắt, lác mắt.

Đẩy thanh Thiên hà thủy (giữa mặt trong cẳng tay)

Đẩy thanh Thiên hà thủy

Vị trí: Đường giữa cẳng tay để ngửa từ tiểu thiên tâm lên khúc trì.

Thủ thuật: Đẩy (từ cổ tay lên tới khúc Trì ) 100 – 300 lần.

Tác dụng: Chữa những bệnh nhiệt, bồn chồn không yên, kinh phong, hen, ho đờm.

Với bệnh đại tiểu tiện khó ở trẻ em thì chúng ta có thể day, ấn các huyệt trên. Đồng thời dùng thêm liệu pháp xoa bóp nhẹ nhàng vùng bụng của bé để đạt được kết quả tốt nhất.

Xoa vùng bụng trẻ điều hòa bộ máy tiêu hóa. (Ảnh: mama.us)

Tư thế và thủ thuật

Đầu tiên đặt bé nằm ngửa, tư thế thoải mái thả lỏng người. Dùng lòng bàn tay xoa nhẹ nhàng, chậm rãi rộng khắp ổ bụng sát vào hố chậu hai bên thuận chiều kim đồng hồ với một lực ép vừa phải chừng 3 – 5 phút.

Mỗi ngày làm hai lần vào buổi sáng lúc ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Động tác này là phương pháp tác động gián tiếp bộ máy tiêu hoá của trẻ có công năng kích thích tăng nhu động ruột, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố thuận lợi.

Những điều cần chú ý khi làm xoa bóp cho trẻ em

  • Trước khi làm xoa bóp, người thực hiện phải rửa tay sạch và cắt móng tay.
  • Trời lạnh phải xoa hai tay cho nóng hoặc ngâm tay cho ấm, để tránh trẻ bị lạnh.
  • Tư thế của trẻ phải thoải mái không gò bó.

Sau khi xoa bóp cho trẻ cần chú ý

  • Sau khi xoa bóp dễ gây mệt mỏi về tinh thần nên cần im lặng tránh ồn ào.
  • Trong phòng cần giữ ấm nhất là mùa đông, không để gió lùa vào dễ làm cho trẻ cảm mạo, vào mùa hè cần thoáng mát.
  • Sau khi xoa bóp không nên cho trẻ ăn ngay, song có thể uống nước.

Đợt chữa bệnh và thời gian một lần xoa bóp

Đợt chữa bệnh

  • Mỗi đợt chữa bệnh thường từ 7 – 12 lần.
  • Với chứng cấp tính (bệnh mới và nhanh) mỗi ngày có thể làm 1 – 2 lần.
  • Với chứng mạn tính (bệnh lau ngày) thường cách 1 ngày làm 1 lần hoặc 1 tuần 2 lần.

Thời gian 1 lần xoa bóp

  • Nếu xoa bóp toàn thân thì thường từ 30 – 40 phút.
  • Nếu xoa bóp các bộ phận của cơ thể thường từ 10 – 15 phút.
  • Ở trẻ từ 1 – 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp từ 1 – 3 phút, trẻ trên 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp 2 – 3 phút.

Lê Thắng