WHO đánh giá Việt Nam đã khống chế dịch bệnh tốt nhưng vẫn cần cảnh giác trước tình hình dịch bệnh phức tạp, có thể kéo dài hàng năm.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) Kidong Park cho biết các chuyên gia quốc tế đều nhận định do chưa có vắc xin, thuốc đặc trị, dịch COVID-19 dự báo có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm, theo báo Tuổi Trẻ.
Trong tình hình đó, ông Park cho rằng Việt Nam vẫn ở trong tâm thế cảnh giác, theo dõi chặt chẽ, vẫn còn nguy cơ có ca mắc trong cộng đồng do các quốc gia khác vẫn đang phải ứng phó vất vả với dịch.
Thời gian tới, ông Park và các chuyên gia quốc tế đều khuyến nghị Việt Nam tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn, như tăng cường giám sát nhóm nguy cơ, thường xuyên rà soát các biện pháp hiện có và đánh giá tình hình mới để có khuyến nghị kịp thời về giao thương…
Việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết để ổn định kinh tế và ứng phó dài hạn với đại dịch nhưng ý thức phòng dịch không được “lơi lỏng”. Thực tế cho thấy nhiều nước đang gánh chịu làn sóng thứ hai khi bắt đầu gỡ bỏ các quy định giãn cách.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 10/5, chỉ sau gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội 4 ngày, với 34 ca mới khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới mang tên Itaewon, theo báo Quốc Tế.
Còn tại Đức, những số liệu mới cho thấy quốc gia này dường như đang chứng kiến dịch COVID-19 “tăng tốc” trở lại.
Nhận định trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đức nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và Thủ tướng Angela Merkel nhận định, cuộc sống có thể dần trở lại bình thường.
Viện Robert Koch, Cơ quan Kiểm soát và phòng bệnh của Đức cho biết, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên 1,1. Tỷ lệ lây nhiễm lớn hơn 1 đồng nghĩa với việc virus SARS-CoV-2 đang lây lan theo cấp số nhân.
Việc nới lỏng các biện pháp đóng cửa cũng khiến người dân Đức mang tâm lý bớt cẩn trọng hơn, dần tụ tập trên phố và trong công viên. Một số người đã không tuân thủ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.