Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, nguyên nhân bà H’Nghin Niê, 54 tuổi, Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Cúc (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) tử vong có thể do truyền dịch Dextro và tiêm Glucose. 

Vụ hiệu trưởng tử vong tại phòng khám tư ở Đắk Lắk : Nghi do truyền giải độc Dextro
Phòng khám bệnh nơi xảy ra sự cố. (Ảnh: Dân Trí)

Theo Dân Trí, Sở Y tế Đắk Lắk đã có báo cáo về trường hợp bệnh nhân H’Nghin Niê (54 tuổi) tử vong do sốc phản vệ sau truyền dịch tại phòng khám tư.

Cụ thể, khoảng 9h30′, ngày 28/4, bệnh nhân H’Nghin Niê đến Phòng khám chuyên khoa Nội – Nhi của bác sĩ Nguyễn Văn An – Niê Ngọc Lan với triệu chứng đau vùng thượng vị. Bệnh nhân được bác sĩ Niê Ngọc Lan siêu âm và chẩn đoán viêm dạ dày, kê đơn thuốc 5 ngày.

Vào 23h30′ cùng ngày, bà H’Nghin quay lại phòng khám với dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ra mồi hôi. Bệnh nhân không sốt, tay chân lạnh, huyết áp 130/70mg, đau bụng, ăn uống kém.

Khai thác bệnh sử, bà H’Nghin không bị tiểu đường, có tiền sử cao huyết áp, từng bị tai biến. Bệnh nhân không dùng thuốc huyết áp thường xuyên. Phòng khám đã truyền Dextro 5% và tiêm 5 ống Glucose 30%.

Đến 5h30′, ngày 29/4, phòng khám rút dịch truyền, bệnh nhân tỉnh táo và nói chuyện bình thường. 10 phút sau bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, sùi bọt mép, co giật nhẹ.

Phòng khám xử lý ép tim ngoài lồng lực và tiêm 2 ống Adrenalin cách nhau 5 phút, đồng thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Tuy nhiên, bà H’Nghin Niê đã tử vong trước khi vào bệnh viện.

Vụ hiệu trưởng tử vong tại phòng khám tư ở Đắk Lắk : Nghi do truyền giải độc Dextro
Hai loại thuốc phòng khám sử dụng tiêm, truyền cho bà H’Nghin Niê.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc. Dextro 5% và Glucose 30% được dùng theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để điều trị thiếu hụt đường và dịch.

Dextro và Glucose đều chống chỉ định cho các trường hợp:

– Người bệnh bị chảy máu trong sọ hoặc trong tuỷ sống, người bệnh sau cơn tai biến mạch máu não, bởi đường huyết cao ở vùng thiếu máu cục bộ sẽ chuyển hóa thành acid lactic làm chết tế bào não.

– Người bệnh không dung nạp được dextrose, bị ứ nước.

– Kali huyết hạ, hôn mê tăng thẩm thấu, nhiễm toan.

– Mê sảng rượu kèm mất nước, ngộ độc rượu cấp.

Có thể bà H’Nghin Niê bị sốc phản vệ Dextro và Glucose do có tiền sử mắc tai biến mạch mãu não.

Ngoài ra, hai chất truyền cho bà H’Nghin Niê đều năm trong Danh mục các thuốc gây sốc phản vệ (thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiến hành làm rõ.

Thanh tra tất cả phòng khám tại Đắk Lắk

Chiều 3/5, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết, đơn vị vừa ban hành công văn đến các đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh, các phòng y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các Phòng y tế các huyện, thị, thành phố và thủ trưởng các đơn vị: Tổ chức thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không có giấy phép hoạt động, vừa khám bệnh vừa bán thuốc; Chỉ được khám, chữa bệnh theo đúng thời gian, danh mục kỹ thuật đã được Sở Y tế và quy định pháp luật cho phép; Các cơ sở khi tiếp nhận hay thay đổi nhân sự phải đăng ký với Sở Y tế; Nghiêm cấm hành nghề khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế khi chưa được Sở Y tế chấp thuận.

Ngoài ra, công văn cũng giao Thanh tra Sở Y tế phải xây dựng kế hoạch tổ chức thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn; Đơn vị, cơ sở nào vi phạm đề nghị Hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt đông của Tỉnh, ban hành quyết định thu hồi chứng chỉ và giấy phép hoạt động theo đúng quy định.

H.H