“Phụ nữ có thai ăn trứng ngỗng sẽ đẻ con mắt to tròn, khoẻ đẹp, thông minh…”, đó là điều mà nhiều người vẫn lan truyền, mách nhau thực hiện khi mang thai. Vậy thực hư thế nào?
Ngỗng là loài gia cầm thường được nuôi thả quanh nhà, sống nhờ rau cỏ, lá non là chính, kết hợp với một số loại như ngô, khoai, sắn… ít phải dùng đến lương thực. Ngỗng tương đối dễ nuôi, rất phù hợp với hoàn cảnh miền núi và những địa phương có nhiều bãi cỏ, khe lạch. Người ta nuôi ngỗng chủ yếu lấy thịt, ít khai thác trứng.
Thực tế trứng ngỗng không được ưa chuộng như các loại trứng gà, trứng vịt, trứng cút nên ít được dùng và phần đông những người ăn trứng ngỗng là phụ nữ mang thai. Trứng ngỗng ăn không ngon như các loại trứng gia cầm khác. Nhiều phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng cũng nhận thấy trứng ngỗng mùi vị nhạt, kém xa trứng gà, ăn không mấy thích thú nhưng vì muốn sinh con đẹp và thông minh nên cũng cố gắng.
Thêm vào đó, giá một quả trứng ngỗng lại rất đắt, có khi bằng cả chục trứng gà, vì loại trứng này ít người mua dùng nên hiếm, thường các nhà chăn nuôi ngỗng chỉ để dành lại rất ít để bán mà chủ yếu đều được ấp để nuôi ngỗng lấy thịt.
Xét về giá trị dinh dưỡng, trứng ngỗng cũng kém xa trứng gà. Theo một số tài liệu nghiên cứu, trứng ngỗng có 13,5% protein, 13,2% lipid, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP…
So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà).
Lòng trắng trứng gà có chứa vitamin B6, B12, B2 và folate. Vitamin B2 cần thiết cho sự tăng trưởng tế bào. Folate có lợi cho sức khỏe tim mạch và phát triển phôi thai. Lòng trắng còn có nhiều khoáng chất như kẽm, sắt, đồng, phốt pho, canxi và kali. Các khoáng chất này cần thiết cho sự phát triển của tóc, móng tay, xương và răng.
Lòng đỏ trứng gà chứa nhiều choline, một dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển não của thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai và cho con bú có thể sử dụng trứng như một thực phẩm bổ dưỡng. Ngoài ra còn chứa nhiều vitamin B12 (0,331mcg), vitamin E (0,684mg) và vitamin A (245UI). Vitamin B12 cung cấp nguyên liệu để tổng hợp ADN, góp phần vào quá trình phân chia tế bào và trưởng thành tế bào trong cơ thể. Vitamin E chống lão hóa, vitamin A tốt cho mắt. Trứng còn chứa canxi và photpho góp phần tạo xương, ổn định huyết áp; có selen chống oxy hóa giúp cơ thể phòng ngừa bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết.
Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên phụ nữ có thai nếu muốn tẩm bổ thì tốt nhất hãy dùng trứng gà thay cho trứng ngỗng, như vậy sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. Đặc biệt, nếu có được loại trứng gà nuôi thả theo phương pháp truyền thống, ăn ngũ cốc rau cỏ thì càng tốt hơn nữa.
Trong trứng gà thành phần các chất protein, lipid, glucid, các vitamin và chất khoáng có tỷ lệ hợp lý, cơ thể dễ hấp thu… giúp bồi dưỡng sức khỏe rất tốt. Trước đây, khi đi thăm người mang thai, sinh đẻ, người bệnh… thường người ta mang theo chục trứng gà làm quà bồi dưỡng cũng vì vậy. Muốn sinh con khoẻ mạnh, trí não phát triển, khi có thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, trong đó trứng gà là một trong những thực phẩm quý.
Trừ trường hợp chị em thích ăn trứng ngỗng không kể, còn nếu chỉ ăn vì lời đồn đại thì không nên. Cho đến nay chưa nghiên cứu khoa học nào cho thấy khi mang thai ăn trứng ngỗng sẽ sinh con khoẻ mạnh, thông minh.
Minh Thành