Làm cha mẹ luôn muốn tìm kiếm các phương thức chăm sóc tốt để trẻ phát triển khoẻ mạnh như cho bé nằm ngửa khi ngủ để phòng ngừa SIDS (chứng đột tử trẻ sơ sinh), hay đơn giản là thao tác thắt dây an toàn để ngăn ngừa tử vong do tai nạn xe ô tô. Nhưng có một thứ nguy hiểm tiềm ẩn do công nghệ hiện đại gây ra. Một thứ có thể xâm nhập vào bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống khi bạn và những đứa trẻ thức giấc.

Kết quả ban đầu từ một nghiên cứu đa trung tâm do Viện Y tế Quốc gia, Hoa Kỳ tài trợ đang cho thấy có những thay đổi về não ở trẻ 9 – 10 tuổi sử dụng màn hình trong hơn 7 giờ mỗi ngày. Mặc dù, chưa thể xác định chắc chắn các hiệu ứng cấu trúc thay đổi tác động tiêu cực đến mức nào, nhưng có những nghiên cứu khác đã chỉ ra tác hại tiềm tàng của quá trình này.

Một nghiên cứu đã xem xét hơn 900 trẻ mới biết đi từ 6 đến 24 tháng tuổi cho thấy, chậm phát triển ngôn ngữ xảy ra ở những đứa trẻ dành nhiều thời gian hơn xem tivi, điện thoại thông minh hay máy tính bảng… Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ học cách nói chuyện bằng việc lắng nghe và trò chuyện hơn là đối mặt trước màn hình. Ở những đứa trẻ lớn hơn, dường như quá nhiều thời gian xem màn hình có thể tác động đến khả năng nhận biết cảm xúc của chúng.

Xem màn hình nhiều có thể tác động đến khả năng nhận biết cảm xúc của trẻ. (Ảnh: Pexels)

Nghiên cứu từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) đã phát hiện rằng, nếu cất các màn hình đi trong 5 ngày, nó thực sự mang trở lại khả năng hiểu cảm xúc của trẻ. Chúng ta biết khi trưởng thành, việc có thể nhận thức được ai đó đang cảm thấy hay suy nghĩ gì trong các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp thực sự quan trọng. Ngoài ra, còn một số ảnh hưởng khác: Ánh sáng xanh từ màn hình ảnh hưởng đến melatonin và giấc ngủ, có thể tạo ra sự lo lắng và trầm cảm của thanh thiếu niên. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Lao động Bỉ thậm chí còn cho thấy, sử dụng smartphone trực tiếp gây tác động xấu đến kết quả học tập.

Các thiết bị thông minh khi sử dụng đúng cách sẽ tiết kiệm được vô khối thời gian, giữ liên lạc với mọi người trên khắp thế giới và lưu kỷ niệm. Tuy nhiên, dùng như thế nào cho đúng thì là cả một quá trình tìm hiểu cặn kẽ của bậc làm cha mẹ.

Thiết bị thông minh khi dùng đúng cách thì sẽ giúp ích cho đời sống mọi người. (Ảnh: Pexel)

Lấy một ví dụ đơn giản, ô tô là một phát minh lớn của loài người. Nó có khả năng đưa chúng ta đi nhiều nơi đến thăm họ hàng hay bạn bè. Tuy nhiên, cũng phải là cần người biết lái xe mới có thể đến nơi an toàn. Nếu cứ ném chìa khoá cho đứa con của mình – trẻ vị thành niên và bảo chúng: “Hãy lái xe vui vẻ, hẹn gặp lại sau” mà chưa có bài học lái xe hay những quy tắc giao thông cơ bản. Liệu bạn có dám không?

Điều này cũng tương tự như khi bạn để con của mình tiếp xúc với màn hình TV, điện thoại, máy tính bảng… mà không có sự kiểm soát chỉ vì bạn liên tục đối mặt với vấn đề thiếu thời gian. Bạn sẽ không thể dành thời gian để theo dõi việc sử dụng thiết bị của con bạn. Và đương nhiên, các thiết bị công nghệ hiện đại bất đắc dĩ trở thành công cụ trông con cho các bậc phụ huynh.

Mặt trái của khoa học hiện đại đang gây ra cho thế hệ trẻ các vấn đề như chậm phát triển ngôn ngữ, vấn đề giấc ngủ và biểu đạt cảm xúc. Cha mẹ đang nắm giữ chìa khoá để có thể giúp đỡ con trẻ hoà nhập với cuộc sống thực tại và bớt lệ thuộc vào công nghệ hiện đại.

Dưới đây là một số điều gợi ý cho các phụ huynh trong việc điều chỉnh mối liên quan giữa trẻ em và công nghệ.

1. Sắp xếp công việc ưu tiên

Xem tivi, dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng… được đặt vào vị trí cuối cùng trong thời gian của trẻ. Phụ huynh nên giúp trẻ sắp xếp các việc ưu tiên trước là học tập, tập thể dục, ngủ và thời gian vui chơi cùng gia đình. Lên kế hoạch giờ giấc về việc dùng màn hình để con trẻ tuân theo cũng là một ý tưởng hay mà cha mẹ nên áp dụng. Hơn nữa, bạn cũng có thể kiểm soát được nội dung trẻ sử dụng.

Trên thực tế, có những phụ huynh ý thức được sự nguy hại của công nghệ đang gặm nhấm thể chất và tinh thần của trẻ nên đã có những hành động cứng rắn hơn như không sử dụng tivi trong nhà, quy định thời gian dùng máy tính cho trẻ, không dùng smartphone để dỗ trẻ ăn…

2. Hãy là tấm gương cho trẻ

Các bậc cha mẹ có đang sử dụng điện thoại trong khi trở bé? (Ảnh: Pexels)

Một nghiên cứu gần đây tại Hoa Kỳ cho thấy một nửa cha mẹ đang sử dụng điện thoại trong xe và 1/3 đang nhắn tin trong khi chở con họ đi khắp nơi. Rõ ràng một vấn đề trước tiên là sự an toàn nhưng vấn đề còn lại là trẻ em quan sátlàm những gì bạn làm chứ không phải những gì bạn nói. Điều quan trọng là cha mẹ phải tuân theo các quy tắc tương tự mà họ đặt ra cho trẻ để trẻ nhìn theo và hành động. Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu tốt nhất của con cái.

3. Tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện trực tiếp với con thay vì nhìn vào màn hình

Mọi nơi chúng ta đến hầu như đều có sự xuất hiện của thiết bị màn hình. (Ảnh: Pexels)

Gần đây, ở mọi nơi chúng ta đến, nhà hàng, trong bể bơi, xe hơi và trong phòng chờ… hầu hết tất cả đều cầm trên tay các thiết bị thông minh và nhìn chằm chằm vào chúng. Chúng ta hạn chế nói chuyện hay có giao tiếp nhưng mắt vẫn dán vào điện thoại. Nói chuyện với nhau, giao tiếp bằng mắt xây dựng mối quan hệ là nền tảng vững chắc khi trẻ bước qua những năm tháng tuổi teen đầy sóng gió. Thời gian gia đình dành cho trẻ đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ dính vào các tệ nạn xã hội và trầm cảm. Thường xuyên đi chơi, trò chuyện với trẻ – là khoảng thời gian tuyệt vời mà cha mẹ dành cho con. Từ đó, tăng cường tình cảm gia đình.

4. Sử dụng mặt tốt của công nghệ để giúp bạn

Có những ứng dụng để đánh giá thời gian sử dụng màn hình. Gần đây, Apple đã tích hợp một công cụ kiểm soát thời gian sử dụng màn hình có tên là Screen Time lên điện thoại thông minh. Đây cũng là một hướng đi có lợi cho người tiêu dùng của các nhà phát triển công nghệ.

Sự thật là chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng công nghệ. Nó đang thay đổi nhanh chóng lối sống của loài người với tốc độ ánh sáng. Thật khó để các nghiên cứu khoa học theo kịp sự thay đổi theo cấp số nhân này. Vì vậy, trong khi chờ đợi kết quả nhiên cứu hay những phát kiến có lợi hơn từ các nhà khoa học thì hãy tự bảo vệ thế giới sinh tồn của chúng ta trước. Hãy tiếp tục làm những gì chúng ta luôn làm – giữ vững tinh thần cho thế hệ trẻ và chỉ dẫn chúng hướng đến giá trị truyền thống tốt đẹp, bất kể đôi khi nó khó khăn đến mức nào.

Duy Anh t/h