Sỏi thận là nguy cơ mà bất kỳ ai cũng có thể gặp nếu chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống và lối sống không hài hòa. Hãy thử xem chế độ dinh dưỡng của bạn có thuộc nhóm nguy cơ cao không!
Quá trình tạo sỏi thận
Một trong những nhiệm vụ tối quan trọng mà thận được giao phó, đó là lọc máu, sản xuất nước tiểu để bài tiết các chất thải ra ngoài cơ thể. Khi các chất thải có nồng độ cao trong nước tiểu, chúng không tan được nữa và bắt đầu kết tinh lại. Kết quả là những viên sỏi, đá với kích thước khác nhau, từ vài milimet đến vài centimet dần dần được hình thành. Một số viên sỏi nhỏ có thể được cuốn ra ngoài cùng với nước tiểu mà bạn không để ý. Số khác bị mắc kẹt lại, tiếp tục được bồi đắp và lớn dần lên, làm ứ đọng nước tiểu, gây nên các cơn đau và suy giảm chức năng thận.
Có những loại sỏi nào?
Sỏi canxi, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Chúng được sinh ra chủ yếu từ muối oxalat canxi (thường gặp nhất), phosphat canxi hoặc hỗn hợp cả hai loại muối này. Khi cơ thể bị mất nước, hoặc được cung cấp quá nhiều vitamin D, do mắc một số bệnh hoặc dùng một số loại thuốc, do yếu tố di truyền, có chế độ dinh dưỡng quá giàu oxalat cũng dễ tạo nên sỏi loại này.
Sỏi magie – phosphat ammoniac, thường đi liền với viêm nhiễm đường tiểu mãn tính hoặc nhiều lần, chiếm khoảng 10% số trường hợp và hay gặp ở phụ nữ hơn là đàn ông.
Sỏi uric, chiếm khoảng 5-10% sỏi thận, được hình thành do nồng độ cao bất thường của axit uric trong nước tiểu. Những người bị bệnh gout là nhóm nguy cơ cao trong trường hợp này.
Sỏi cystine, chiếm tỉ lệ thấp nhất, hình thành là do có những bất thường trong gien dẫn đến việc thận tiết ra quá nhiều cystin (một loại axit amin) và gây nên sỏi.
Chế độ dinh dưỡng mất cân đối dễ gây sỏi thận
Trước hết là đối tượng ăn mặn mà lại hay quên uống nước. Uống ít nước làm hạn chế khả hòa tan các chất trong nước tiểu, do đó việc kết tinh tạo sỏi là khó tránh khỏi. Không những thế, ăn nhiều muối còn cản trở quá trình hấp thụ canxi trong máu, kéo theo canxi vào trong nước tiểu. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chúng ta hãy uống khoảng 2-2.5 lít nước mỗi ngày, rải đều suốt ngày chứ đừng để đến bữa ăn mới uống. Bên cạnh đó hãy giảm khẩu phần muối hàng ngày xuống khoảng 1 muỗng cafe. Ăn quá ngọt cũng được cảnh báo là có thể thúc đẩy quá trình hình thành sỏi thận.
Chế độ ăn thường xuyên nhiều đạm động vật góp phần tăng khả năng tạo sỏi thận. Chất đạm động vật làm canxi thất thoát mạnh qua đường nước tiểu. Thêm vào đó, các món ăn là nội tạng của động vật làm tăng hàm lượng axit puric trong nước tiểu, và do đó thúc đẩy việc sinh ra sỏi uric. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn chay có tỉ lệ bị sỏi thận thấp hơn hẳn so với nhóm thường ăn thịt.
Ngoài ra, chế độ ăn uống lạm dụng các loại thực phẩm giàu oxalate như cacao, chocolat, rau bina…cũng có thể góp phần tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Nhiều người tin rằng chế độ ăn ít canxi sẽ không tạo sỏi thận. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại, các nguồn canxi từ thực phẩm như sữa, cá (cả xương) góp phần bảo vệ thận khỏi các nguy cơ này.
Khi mắc một số bệnh như gout, tiểu đường, loãng xương…thì chế độ dinh dưỡng lại càng quan trọng để hạn chế sỏi thận. Ví dụ, bệnh gout làm giảm khả năng đào thải axit uric trong máu qua đường nước tiểu nên cần hạn chế các thực phẩm có hàm lượng purin cao như hải sản, thịt gia cầm, đạm lạ…để tránh làm tăng lượng axit uric.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa sỏi thận. Ngay cả khi bạn đã “lỡ” có vài viên sỏi và đã lấy nó ra thì điều này cũng rất cần thiết nhằm tránh tái phát bệnh sỏi thận. Theo thống kê, có đến hơn một nửa số người bị sỏi thận sẽ bị tiếp trong vòng 10 năm sau đó. Các chuyên gia về thận cũng khuyến cáo một lối sống phong phú, năng vận động sẽ góp phần rất tốt để ngăn chặn thận sản xuất ra các viên sỏi vừa to vừa bám chắc.
Đình Vũ (st)