Người phụ nữ ngoài 40 tuổi mắc bệnh lý đáy mắt, dò từng bước lên cầu thang bệnh viện Chợ Rẫy, gõ cửa Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể, trình bày nguyện vọng đăng ký hiến tạng khi về với cát bụi.
Theo Vnexpress, Tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trường hợp người phụ nữ mù đến xin hiến tạng khiến mọi người rất cảm động.
Do người đăng ký hiến không còn nhìn thấy ánh sáng để có thể tự tay điền vào tờ đơn, nhân viên đơn vị phải nhờ bộ phận pháp chế của bệnh viện đến chứng kiến cũng như viết giúp. Sau khi lăn dấu tay vào tờ đơn xin tình nguyện hiến đi những bộ phận cơ thể khi qua đời.
Vài ngày sau, người phụ nữ mù đưa thêm bạn bè cùng cảnh ngộ đến để tiếp tục đăng ký. Các bác sĩ tại đơn vị điều phối cũng đã mời bác sĩ chuyên khoa mắt đến kiểm tra nhưng những đôi mắt của họ đã không còn hy vọng cứu.
Theo bác sĩ Thu, từ ngày đơn vị thành lập vào tháng 6/2014 đến đã nhận được hơn 5.000 đơn đăng ký tự nguyện hiến tạng khi qua đời. Khoảng 100 gia đình đến tình nguyện đăng ký hiến tạng của cả nhà. Người đăng ký có thể đến trực tiếp đơn vị để có thẻ ngay, hoặc đăng ký online hay gửi thư, thẻ hiến tạng sẽ được chuyển tận nhà theo đường bưu điện.
Trước đó, 8 người trong một gia đình ở Tp.HCM cùng đăng ký hiến tạng. Theo Vnexpress, gia đình Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, 54 tuổi, Hiệu trưởng hệ thống một trường quốc tế ở Tp.HCM cho biết, cách đây 7 năm khi cả gia đình đang ăn cơm thì tình cờ xem trên tivi phát sóng một chương trình tri ân những người hiến tạng cứu sống bệnh nhân. Ngay lúc đó, cả nhà từ người lớn đến trẻ con bắt đầu bàn tán sôi nổi và đi đến quyết định hiến tặng nội tạng của mình sau khi qua đời.
“Từ nhỏ chúng tôi đã được cha mẹ dạy rằng sống trên đời phải biết cho đi mà không mong nhận lại. Mình may mắn có được đôi mắt sáng, trái tim khỏe mạnh, sau khi chết đi mình không còn sử dụng được những hồng ân ấy nữa, vậy tại sao không chia sẻ cho những người kém may mắn hơn”, thầy Thịnh chia sẻ.
Sau bữa cơm tối hôm ấy, cả thảy 10 người trong gia đình thầy Thịnh đều thống nhất sẽ đi đăng ký hiến tạng ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó cả nhà tìm hiểu kỹ về điều kiện hiến tạng thì chỉ 8 người đủ tiêu chuẩn, còn hai anh chị lớn của thầy Thịnh đều quá tuổi quy định (trên 60 tuổi).
Thầy Thịnh chia sẻ ý định hiến tạng với mẹ, bà cụ rất mực ủng hộ. Từng gánh chịu nỗi đau mất chồng vì bệnh ung thư máu mà không tìm được người cho tủy, người phụ nữ 80 tuổi hiểu rất rõ tầm quan trọng và ý nghĩa cao đẹp của việc các con cháu sắp làm. Khó khăn lớn nhất của thầy Thịnh là thuyết phục bà xã.
Thầy Thịnh có hai người con, một trai, một gái, đều háo hức cùng bố đi đăng ký hiến tạng. Ba bố con thống nhất chọn một ngày đến Bệnh viện Chợ Rẫy để làm thủ tục đăng ký. Tại Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, trong đơn đăng ký, ông Thịnh và các con đều tích vào 10 ô tương ứng với 10 bộ phận cơ thể sẽ hiến tặng sau khi qua đời.
Theo Người Lao Động, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho biết từ 25/2-28/2 đã được 159 trường hợp đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não.
Cũng trong khoảng thời gian trên, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM, số người đến đăng ký hiến mô, tạng cũng tăng cao hơn bình thường, với khoảng 70 trường hợp đăng ký.
Bất kỳ cá nhân đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não. Hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy Tp.HCM và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Để đăng ký hiến ghép mô, tạng, người dân có thể Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0915060550 hoặc 0243.9386692 Fax: 0243.9386693. |
Phương Nam