Các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Tp.HCM đã tiến hành phẫu thuật khối u nặng 1kg cho bé sơ sinh 5 ngày tuổi. Bên trong khối u kỳ quái, các bác sĩ phát hiện các thành phần da, lông, tóc, móng, các chi, xương và ruột… 

Trước đó, lúc thai nhi được 7 tuần tuổi, các bác sĩ đã phát hiện bé có khối u vùng cùng cụt. Khối u ngày càng lớn dần, đến tuần thứ 37, thai phụ đã quyết định sinh mổ sớm để cứu bé.

Tp.HCM: Bé sơ sinh mang khối u "khủng" khi vừa chào đời
Các bác sĩ phẫu thuật bóc khối u quái cùng cụt ra khỏi cơ thể trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi (ảnh: VTC).

Bé sơ sinh chào đời với cân nặng 3,8kg, tuy nhiên, khối u lúc nãy đã chiếm gần 1/2 trọng lượng cơ thể. Ngay khi chào đời, bé được chuyển đến viện Nhi Đồng Tp.HCM để phẫu thuật, theo VTC.

Ca phẫu thuật tiến hành thuận lợi, các bác sĩ bóc trọn khối u to, nặng 1kg, bên trong khối u chứa các thành phần da, lông, tóc, móng, các chi, xương và ruột… Đây là một u quái trưởng thành. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã dần hồi phục.

ThS.BS Huỳnh Cao Nhân và Ths.Bs Tạ Huy Cần, bác sĩ Phẫu thuật Nội soi nhi, khoa Ngoại Tổng hợp, đồng thời là bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhi cho biết, bệnh u quái ở trẻ sơ sinh là một loại u phát triển do còn tồn tại của tổ chức bào thai trong thời kỳ mang thai. Bệnh u quái có thể phát triển ở nhiều nơi trong cơ thể.

Theo các bác sĩ, u quái cùng cụt (teratoma vùng cụt cụt) có nguồn gốc từ tế bào phôi thai. Khối u này phân thành 4 loại I, II, III, IV dựa vào vị trí khối u. Nguy cơ ác tính giảm dần với phân loại tế bào u càng trưởng thành. Bệnh lý u quái có thể chẩn đoán tiền sản bằng siêu âm giúp đánh giá tiên lượng và chuẩn bị trước sinh, cũng như hồi sức sau sinh.

Phương Nam