Nếu như mắt được ví như cửa sổ tâm hồn giúp bạn giao tiếp với thế giới xung quanh, thì nước mắt được xem như dầu nhờn của xe máy, giúp mắt hoạt động trơn tru. Nhưng không chỉ vậy, nước mắt có 3 loại, khác biệt rất nhiều.

Ngay khi chào đời, bé sẽ cất tiếng khóc không chỉ để kích thích hệ hô hấp làm việc mà bởi đây cũng là lần đầu mắt trẻ tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài.

Bạn có thể không tin nhưng mỗi người chúng ta sản xuất ra 300ml nước mắt mỗi ngày, tức là khoảng 113 lít mỗi năm… Vậy nước mắt từ đâu ra, có phải chỉ có lúc khóc thì bạn mới có nước mắt?

3 loại nước mắt, 3 loại tác dụng

Sự thật là… con người sở hữu tới 3 loại nước mắt – nước mắt nền, nước mắt phản xạ và nước mắt cảm xúc được tiết ra từ tuyến lệ. Mỗi loại có chức năng khác nhau và đều vô cùng quan trọng.

Theo Robert Provine – giáo sư thần kinh sinh học và tâm lý học tại ĐH Maryland (Mỹ), thứ nước mắt phổ biến nhất là “nước mắt nền” (basal tear).

Đây là loại nước mắt luôn tồn tại trong mắt chúng ta. Nó giúp duy trì độ ẩm cho mắt, cải thiện chức năng của mắt, và ngăn chặn khả năng nhiễm khuẩn.

Ngay cạnh con ngươi là lớp màng nhầy, giữ cho tất cả mọi thứ gắn chặt vào nó. Phía trên lớp màng nhầy là lớp nước, giữ cho con ngươi lúc nào cũng ướt, đẩy lùi vi khuẩn xâm hại và bảo vệ giác mạc khỏi bị tổn thương. Và lớp bao phủ cuối cùng là lớp lipid – một lớp màng bên ngoài chứa dầu giúp giữ bề mặt luôn trơn láng và ngăn lớp bên ngoài bay hơi.

Bởi vậy mà nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy con ngươi chúng ta lúc nào cũng rơm rớm nước mắt là vì thế.

Loại nước mắt thứ 2 chính là “nước mắt phản xạ” (irritation tears). Chúng sẽ tuôn ra như mưa khi bạn gặp một tác nhân nào đó, kiểu như lúc thái hành, dính bụi hay mắc bệnh về mắt…

Bụi bay vào mắt (Ảnh minh hoạ)

Nước mắt phản xạ mỗi lâ tuôn ra khá nhiều và lớp nước này có chứa thêm kháng thể nhằm ngăn chặn bất kỳ vi sinh vật nào có tính xâm nhập cũng như kèm theo chất diệt khuẩn giúp mắt mau lành hơn. Đó là một loại enzyme gọi là “lisozom” có thể giết chết khoảng 90-95% vi khuẩn chỉ trong 5 phút.

Loại nước mắt thứ 3: nhiều bí ẩn và tác dụng tiềm ẩn

Khi chúng ta buồn hay vui thì đều có thể rơi lệ, “nước mắt cảm xúc” (emotional tear) sẽ tuôn ra để cân bằng cảm xúc.

Thành phần của nước mắt cảm xúc vẫn là một bí ẩn vì con người có rất nhiều cung bậc cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra nước mắt cảm xúc chứa 1 hàm lượng hormone gây stress cao như ACTH và enkephalin endorphin (1loại morphin nội sinh).

Khi bạn rơi nước mắt cảm xúc, bạn đang thực sự loại bỏ độc tố và kích thích tố từ cơ thể đã tích lũy trong quá trình căng thẳng và cảm xúc tiêu cực.

Khi loại nước mắt thứ 3 này tiết ra nó không chỉ giúp bản thân mà còn hữu ích với người khác, đó chính là những giọt nước mắt đồng cảm, nước mắt của lòng từ bi. Bởi vậy có một bài hát mang tên “Khi nào nước biển trở thành ngọt” ví nước biển bao la như giọt nước mắt từ bi của một vị Phật.

Qua những tác dụng kể trên bạn sẽ không còn cho rằng chỉ đàn bà yếu mền mới được phép rơi lệ. Nước mắt là tài sản cá nhân mà bạn không nên để trong kho, sự vô cảm sẽ khiến bạn mất đi giá trị cuộc sống đích thực.

Video bài hát: “When Seawater Turns Sweet – Khi nào nước biển trở thành ngọt”

Hoàng Kỳ (T/h)

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.