Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận thêm một trường hợp biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy (filler) vào môi tại một cơ sở thẩm mỹ viện ở Hà Nội.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 6/6, bệnh nhân N.H. (32 tuổi, Hà Nội) đến bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng bị sưng nề nhiều vùng mắt và môi.
Trước đó 10 ngày, bệnh nhân H. có tiến hành tiêm filler ở môi, mắt và thái dương tại một thẩm mỹ viện tại Hà Nội. 4 ngày sau khi tiêm, bệnh nhân có biển hiện sưng nề.
Bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương sưng nề, căng bóng, sờ có khối chắc và vết dò ở môi, phản ứng u hạt sau tiêm filler – một biến chứng ít gặp sau tiêm chất làm đầy.
Các bác sĩ bệnh viện Da liễu Trung ương buộc phải tiêm thuốc giải (hyaluronidase) và chống phù nề, giảm viêm (triamcinolone, alphachymotrypsine).
Trước đó vài ngày, bệnh viện Da liễu Trung ương, đã tiếp nhận cô gái trẻ Đoàn Thị M. (23 tuổi, Hà Nội) tiêm filler, khiến toàn bộ vùng mũi bị sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng, tiết dịch.
Trao đổi với Dân Trí, ThS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, khi bệnh nhân được tiêm bằng các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc không được cấp phép thì tỷ lệ gặp biến chứng cũng tăng lên.
Các biến chứng sau tiêm filler nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu. Nhưng nếu muộn, phần mũi hoặc cằm, môi sẽ bị hoại tử, bệnh nhân có thể bị dị ứng, nhiễm khuẩn, mất mũi, không thể phục hồi được. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu, filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi có nhu cầu làm đẹp bằng các sản phẩm chất làm đầy nên đến các cơ sở uy tín và được cấp phép. Nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối.
Khi có biến chứng xảy ra nên đến các cơ sở y tế tuyến cao, có giấy phép hành nghề để xử trí, tránh biến chứng gây nguy hiểm tính mạng.
Lan Phương