Nữ bệnh nhân T.P.T.L (20 tuổi, Bình Dương) nhập viện Trưng Vương trong tình trạng mắt trái không nhìn thấy, da cơ từ đầu mũi đến mắt có dấu hiệu thiếu máu, nổi những mảng đỏ, chưa hoại tử…
Theo Thanh Niên, trước đó ngày 18/9, nữ bệnh nhân L. cùng bạn đến spa Đ.A ở Q.3 để tiêm filler nâng mũi.
Sau khi vừa tiêm mũi filler với giá 600.000 đồng, mắt trái của L. mất thị lực, đau nhức dữ dội nên được nhân viên spa đưa vào viện cấp cứu. Bạn đi cùng L. vùng mũi cũng xuất hiện dấu hiệu thiếu máu.
Tại bệnh viện, L. được chẩn đoán tắc động mạch võng mạc trung tâm dẫn đến nguy cơ mù mắt. Các bác sĩ đã tiêm thuốc giải theo dõi, tiêm kháng sinh, giảm đau…
Gia đình bệnh nhân còn giữ vỏ hộp filler, qua truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì xuất xứ từ Hàn Quốc, bên ngoài không có tem, không có nhãn phụ tiếng Việt.
Trước đó, bệnh viện Trưng Vương cũng đã tiếp nhận nữ bệnh nhân (30 tuổi, Tp.HCM) bị sưng mặt, mi mắt sụp xuống, da vùng mũi và trán có vết bầm lan rộng, thị lực mắt trái giảm hẳn, chỉ nhìn thấy lờ mờ sau tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây vài ngày có đến một cơ sở làm đẹp ở quận 4 để nâng mũi. Chị được cơ sở này bơm filler (loại hyaluronic acid) vào vùng mũi.
5 phút sau khi tiêm, khuôn mặt chị bắt đầu sưng to, mi mắt sụp xuống, da vùng mũi và trán có vết bầm lan rộng, giảm thị lực mắt trái, xuất huyết kết mạc…, theo Dân Trí.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi có nhu cầu làm đẹp bằng các sản phẩm chất làm đầy nên đến các cơ sở uy tín và được cấp phép. Nên chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối.
Khi có biến chứng xảy ra nên đến các cơ sở y tế tuyến cao, được cấp giấy phép hành nghề để xử trí, tránh biến chứng gây nguy hiểm tính mạng.
(Tổng hợp)