Tắm mùi đã trở thành văn hóa truyền thống của người dân Việt, vì mọi người đều tin rằng những âu lo phiền muộn, cũng như điều run rủi của năm cũ sẽ được trút bỏ bằng nước mùi già, để đón một nắm mới đầy niềm vui và may mắn.
Theo dân gian, tắm nước mùi già có thể gột bỏ những điều không may của năm cũ, giữ cơ thể sạch sẽ thơm tho để đón một năm mới tràn đầy may mắn và hi vọng. Có người cho rằng, nước mùi có tác dụng xua đuổi ma quỷ, thanh lọc tà khí trong nhà.
Theo y học cổ truyền, cây mùi vị cay, tính ấm, có tác dụng: Giải cảm mạo phong hàn, thúc đẩy sởi đậu mọc; giúp ích cho người bị suy nhược thần kinh, đau nhức nửa đầu và căng thẳng. Cây mùi còn được sử dụng như một sản phẩm làm đẹp da, trị mụn trứng cá.
Tinh dầu mùi có tính sát khuẩn tốt, giảm viêm trong trường hợp nhiễm vi trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa. Do đó, tắm nước đun từ cây mùi già có tác dụng làm sạch da, chống viêm nhiễm, làm tinh thần được sảng khoái, giảm sự mệt mỏi.
Cách sử dụng
Dùng toàn thân cây mùi già, kể cả rễ (đã có hoa và kết hạt, cây chuyển sang màu xanh sẫm). Số lượng thì tùy nồi nước dùng của gia đình mà gia giảm hợp lý.
Rửa sạch, đặc biệt là phần rễ. Ngâm nước muối khoảng 15 phút, vớt ra để ráo.
Nấu nước sôi, cho cây mùi vào, đậy vung, nấu lửa to, nồi nước vừa sôi lại thì tắt bếp (để tinh dầu mùi không bị bay mất), đậy vung 5 phút.
Nhấc xuống pha nước vừa ấm dùng ngay, có thể cho thêm một ít muối vào hòa tan để sử dụng.
Một số lưu ý
Người dễ bị dị ứng: Tinh dầu trong quả, lá, thân mùi có tính gây kích ứng da. Do đó người có cơ địa dễ bị dị ứng nên tránh dùng.
Người viêm loét ngoài da: Tuy tinh dầu mùi có tính kháng khuẩn, nhưng quá trình chọn nguyên liệu và chế biến không thể đảm bảo vô trùng. Vậy nên khuyến cáo không dùng.
Yến Dương