Trung y là một bộ phận trong văn hóa Thần truyền bác đại tinh thâm của Trung Hoa cổ đại nên cũng hết sức huyền diệu, cao thâm. Đặc biệt là các thần tích chữa bệnh và sự tích danh y đều được ghi lại trong chính sử, những điều này chính là tinh hoa của y học, ngày nay vẫn khó lòng sánh kịp.

Trung y có nguồn gốc từ “y đạo” được Hoàng Đế truyền lại cách đây 5000 năm. Có rất nhiều người đặt câu hỏi, bản chất thực sự là gì? Là y học thực chứng, kinh nghiệm hay y học thần truyền? Hầu hết câu trả lời nhận được là y học thực nghiệm. Mọi người đều coi là lẽ tất nhiên bởi trong các thư tịch cổ đều nhìn nhận như vậy. Kỳ thực đây chính là ‘Y học thần truyền’.

Trong Thiên Lục tiết tạng tượng luận, sách Tố vấn của Hoàng đế nội kinh có đoạn Kỳ Bá nói với Hoàng Đế: ‘Thử thượng đế sở bí, tiên sư truyện chi dã’ nghĩa là: Đây là bí mật của ‘thượng đế’, được thiên sư truyền lại. Kỳ Bá là thầy của Hoàng Đế, là người được ông gọi là thiên sư. Kỳ Bá cũng nhiều lần đề cập tới thầy của mình, và theo lời ông y đạo của thầy ông là từ ‘thượng đế’. Thượng đế được đề cập ở đây không phải là ‘thượng đế’ trong thiên chúa giáo và Kito giáo mà chính là thần trên thiên giới. Nghĩa là Trung y chính là y đạo được thần truyền lại, dạy lại cho con người.

Tính giới hạn của khoa học hiện nay không có cách nào lý giải được những hiện tượng kỳ bí này. Đặc biệt là quan điểm vô thần học càng khó hé mở bí ẩn của Trung y cổ đại. Hơn nữa, những ghi chép này bình thường chúng ta rất ít tiếp xúc hoặc nghe đến. Một vài câu chuyện được trích trong chính sử dưới đây về thần y Biển Thước sẽ minh chứng cho điều này.

Trường Tang Quân truyền thụ y Đạo

Trong Sử ký – Biển Thước liệt truyện có câu chuyện. Biển Thước là người quận Bột Hải, ông họ Tần, tên gọi là Việt Nhân. Thời còn trẻ làm quản lý ở một quán trọ. Trong khách trọ thường lui tới có một người khách tên Trường Tang Quân. Mỗi lần ông lui tới, danh y đều vô cùng cung kính đối đãi. Hơn 10 năm sau, một ngày nọ ông gọi danh y tới và nói: “Ta có y thuật mật truyền, hiện nay ta đã già rồi, muốn truyền lại cho con, nhưng không được tiết lộ cho ai”

Biển Thước được Trường Tang Quân truyền y thuật. (Ảnh: weibo.com)

Một hôm Trường Tang Quân lấy từ trong ngực ra một bọc thuốc và bảo danh y dùng nước chưa chạm đất sắc thuốc uống, sau 30 ngày có thể thấy vật bí ẩn. Đồng thời đem tất cả thư tịch các phương thuốc bí truyền trao lại. Danh y theo lời dặn uống thuốc 30 ngày thì “nhìn thấy người sau bức tường. Với con mắt này ông có thể nhìn thấy hết các chứng bệnh trong ngũ tạng, do đó nổi tiếng trong chẩn mạch và trị liệu”. Khi dùng công năng này, ông có thể nhìn thấy lục phủ ngũ tạng đồng thời biết được chỗ nào có bệnh.

Sau khi dặn dò xong, Trường Tang Quân ‘bỗng nhiên biến mất’, lúc này danh y mới biết đó không phải là người thường. Từ đó Biển Thước bắt đầu hành nghề ở nước Tề, nước Triệu, lấy hình thức ‘chẩn mạch’ để trị bệnh cứu người, được người đời tôn là sư tổ của mạch học Đông y.

Công năng giao cảm của Biển Thước

Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên phần Biển Thước. Thương Công liệt truyện có câu chuyện, khi thần y đi qua nước Quắc thấy đang cử hành tang lễ và được viên quan đam mê y thuật tên Trung Thứ Tử kể lại, thái tử nước đó bỗng nhiên hôn mê rồi qua đời sắp sửa nhập quan. Đứng trước cung điện, thần y nói Thái tử chưa chết và có thể giúp người cải tử hoàn sinh. Trung Thứ Tử không tin, ông bèn nói thêm: “Hãy thử tới kiểm tra thân thể nêu thấy tai kêu, mũi căng thì lần theo hai đùi đến chỗ kín vẫn ấm”.

Viên quan nọ không tin những lời này và cho rằng trừ phi thần y có y thuật như Du Phụ thời thượng cổ, không dùng thuốc, không cần châm cứu, chỉ có trực tiếp khai thông kinh lạc mới cứu được. Biển Thước than rằng, những biện pháp vừa đề cập đến chỉ là hữu hạn, giống như nhìn bầu trời qua ống trúc. Phương pháp chẩn đoán của ông rất nhiều, thậm chí có thể chẩn mạch cách xa hàng ngàn dặm. Nếu không tin, tới kiểm tra xem Thái tử có tiếng kêu ở tai, cánh mũi động đậy và ở bẹn còn ấm không. Tại sao chỉ ở ngoài cổng cung điện Biển Thước lại có thể đoán được bệnh tình chân thực của Thái tử? Đây gọi là “công năng giao cảm”.

Với công năng dao cảm, Biển Thước có thể giúp thái tử nước Quắc cải tử hoàn sinh. (Ảnh: kknews.cc)

Trung Thứ Tử nghe thần y nói vậy thì ngây người ra và bẩm báo toàn bộ câu chuyện cho Quốc vương. Sau khi hay tin bèn đích thân ra ngoài nghênh đón và nói: “Từ lâu tôi đã được nghe về phẩm đức cao thượng của tiên sinh, nhưng vẫn chưa được bái kiến”. Biển Thước nói, chứng bệnh của Thái tử gọi là “Thi quyết”, do khí âm dương không điều hòa dẫn đến sắc mặt suy bại và huyết mạch hỗn loạn đến mức tưởng như là đã chết. Người có y thuật cao thâm thì biết nên làm như thế nào, thầy thuốc tầm thường sẽ bối rối mà để lỡ mất thời cơ chữa trị.

Nói rồi ông bảo học trò Tử Dương mài đá châm cứu, châm vào huyệt Bách hội. Chỉ một lát, Thái tử liền tỉnh dậy, lại bảo học trò là Tử Báo chuẩn bị chườm thuốc có thể ngấm sâu vào cơ thể 5 phân. Sau khi sao và chườm đắp hai bên sườn, Thái tử liền ngồi được dậy. Rồi ông lại kê đơn điều hòa âm dương, uống trong 20 ngày, bệnh nhân hoàn toàn khỏi. Người đời khi đó gọi ông là Thần y bởi khả năng cải tử hoàn sinh. Ông đã rất khiêm tốn mà nói: “Tôi không thể khiến người chết sống lại. Chỉ là Thái tử nên sống tiếp, tôi khiến người khôi phục lại sức khỏe mà thôi.”

Biển Thước không những có công năng siêu thường, còn có thể thấu thị nhân thể, lại là người vô cùng khiêm tốn, nói thẳng mình không thể làm trái Đạo Trời, phá vỡ cương thường sinh tử, chẳng qua chỉ là bỏ cái giả mà tồn cái chân thật, phát hiện ra diện mạo đích thực của sự việc, khiến người chết giả khôi phục lại sức khỏe mà thôi.

Khả năng thấu thị nhân thể của Biển Thước

Khi danh y đi qua nước Tề, Tề Hoàn Hầu chiêu đãi ông như tiếp đãi khách. Khi bái kiến trên triều đình, ông nói: “Hiện nay ngài đang có bệnh ở giữa lớp da và thịt, nếu không chữa trị sẽ thâm nhập vào sâu thân thể”. Hoàn Hầu nói: “Ta không có bệnh.”

Sau khi ra về, Hoàn Hầu nói với những người xung quanh: “Thầy thuốc tham danh lợi nên luôn luôn thích trị cho người không bệnh, sau đó nói là công lao y thuật của mình”. Năm ngày sau, Biển Thước lại đến chỗ Hoàn Hầu nói: “Ngài có bệnh ở mạch máu, nếu không chữa trị, bệnh sẽ vào càng sâu thêm”. Ông ta lại nói: “Ta không có bệnh”. Sau khi Biển Thước ra về, ông tỏ ra rất không vui. 5 ngày trôi qua, Biển Thước lại đến chỗ Hoàn Hầu, nhìn hồi lâu và nói: “Bệnh của ngài đã vào đến dạ dày và ruột, nếu không chữa trị, sẽ vào càng sâu thêm”. Hoàn Hầu không đáp lời.

Với công năng thấu thị nhân thể Biển Thước nhìn thấy trong thân thể Tề Hoàn Hầu có bệnh nhưng nói ông ta đều không tin. (Ảnh: read01.com)

Năm ngày sau đó, Thần y lại gặp Hoàn Hầu, lần này chẳng nói gì liền lùi bước rồi bỏ đi. Hoàn Hầu thấy hành động của ông kỳ lạ bèn cho người hỏi nguyên do. Biển Thước nói:

“Khi bệnh tật ở giữa lớp da và thịt, thuốc uống, thuốc xông đều có thể chữa khỏi. Khi đã vào đến mạch máu, châm cứu, bấm huyệt đều có thể trị khỏi. Khi vào đến ruột và dạ dày, dùng rượu thuốc thì có thể chữa khỏi. Khi vào đến xương tủy, cho dù là Thần quản về sinh mệnh cũng chẳng thể làm gì được. Hiện nay đã vào đến xương tủy rồi, tôi cũng không thỉnh cầu trị liệu cho ông ấy nữa”.

Năm ngày sau, quả nhiên Hoàn Hầu phát bệnh và mời ông đến chữa trị tuy nhiên ông đã bỏ đi từ lâu. Chẳng bao lâu, quả nhiên người này qua đời.

Biển Thước thay tim

Biển Thước thấu thị nhân thể còn bao gồm nhân thể ở không gian khác và quan hệ với sự vật cùng không gian đó. Sách Liệt Tử – Thang vấn có ghi chép câu chuyện khi Thần y thực hiện thủ thuật thay tim cho người. Công Hỗ nước Lỗ và Tề Anh nước Triều đồng thời tìm đến nhờ ông trị bệnh. Sau khi chữa khỏi, ông nói họ còn có bệnh tật tiên thiên, thuộc về khuyết tật về phương diện tính cách của mỗi người. Nếu thay tim cho nhau thì có thể bổ trợ lẫn nhau. Sau khi được hai người đồng ý, Biển Thước cho họ uống rượu gây mê, khiến họ hôn mê 3 ngày. Ông mở lồng ngực họ ra, lấy tim ra đổi cho nhau, sau đó dùng thần dược, ông đã thực hiện phẫu thuật đổi tim thành công cho Công Hỗ và Tề Anh. Đợi 2 người tỉnh lại, hoàn hảo như cũ. Hai người cáo từ trở về nhà, nào ngờ họ về nhầm nhà, đi nhầm vào nhà của người kia, đã gây ra cuộc phân tranh giữa 2 nhà. Sau đó Biển Thước đứng ra nói rõ đầu đuôi ngọn ngành, thì mới yên.

Sách Liệt Tử – Thang vấn có ghi chép câu chuyện Biển Thước thực hiện thủ thuật thay tim cho người. (Ảnh: epochtimes.com)

Câu chuyện này ngày nay người hiện đại chúng ta có lẽ cảm thấy như chuyện hoang đường, khó tin, nhưng nó đều được ghi chép lại trong các tài liệu lịch sử. Vào 2500 năm trước làm sao có thể tráo đổi tim được? Lại còn là hai người đang sống đổi tim cho nhau? Cho dù ngày nay y học hiện đại phát triển cao độ cũng là việc tuyệt đối không thể làm được. Người ngày nay dùng tầm mắt khoa học hiện đại chỉ coi việc này là thần thoại, chuyện ngụ ngôn. Nhưng y học cổ đại là nhằm vào bản chất của nhân thể và sinh mệnh để nghiên cứu. Nếu Biển Thước có thể chẩn đoán bệnh tật về tính cách của Công Hỗ và Tề Anh có cội nguồn từ tim, thế thì điều mà ông thấu thị được e rằng không chỉ là thực chất vật chất của trái tim ở không gian này, mà còn bao gồm đặc tính tầng thâm sâu hơn của sinh mệnh mà trái tim đại biểu, chỉ là con người ngày nay không hề có chút khái niệm nào về điều này, nên căn bản cũng không thể nào tưởng tượng và lý giải được mà thôi.

Đây là tinh hoa trong Đông y, là điều siêu việt mà đáng tiếc là y học hiện đại không thể lý giải, trái lại lại phê phán nó, ruồng bỏ nó. Điều mà Đông y hiện đại kế thừa chỉ là cái vỏ ngoài nông cạn (dược phương và kinh nghiệm), trái lại những thứ tinh hoa của Đông y (y đạo) thì lại coi là mê tín, do đó trị bệnh không xuất hiện công hiệu kỳ diệu.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiên Định biên dịch