Rốn có vị trí tương ứng với huyệt “Thần khuyết”, một huyệt vị đặc biệt. “Thần khuyết” là “đầu mối giao thông” quan trọng, trong hệ thống các đường kinh lạc, liên hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch. Đắp thuốc lên rốn cũng có thể mang lại hiệu quả ngang với uống thuốc.

Trong Đông y dược cổ truyền, đắp thuốc lên rốn được gọi là “phu tề liệu pháp” là phương pháp chữa bệnh đơn giản, rẻ tiền, mà hiệu nghiệm.

Vì sao đắp thuốc lên rốn lại có thể chữa trị được bệnh?

Theo Đông y, cơ thể người là một chỉnh thể. Ngũ tạng lục phủ ở bên trong và tứ chi bách hài, bì mao tấu lý ở bên ngoài, được nối liền với nhau bởi hệ thống các đường kinh lạc – tạo thành một chỉnh thể hữu cơ thống nhất.

Rốn có vị trí tương ứng với huyệt “Thần khuyết”, một huyệt vị đặc biệt. “Thần khuyết” là “đầu mối giao thông” quan trọng, trong hệ thống các đường kinh lạc, liên hệ mật thiết với ngũ tạng lục phủ, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch.

Y thư viết “Tề thông bách mạch”: Rốn liên thông với tất cả các kinh mạch trong nhân thể; không những là “Tiên thiên chi bản nguyên” (nguồn gốc của tiên thiên), mà còn là “Hậu thiên chi căn đế” (cuống rễ của hậu thiên). Do đó, chỉ cần dùng thuốc tác động lên rốn, là có thể kích phát kinh khí, sơ thông kinh lạc, cân bằng Âm Dương và điều tiết công năng của ngũ tạng lục phủ, nhờ vậy mà có thể phòng ngừa và chữa trị bệnh tật.

Chính như Danh y Ngô Sư Cơ đã nhận định “Đắp thuốc lên rốn, chẳng khác gì uống thuốc qua miệng“.

Kết quả nghiên cứu lâm sàng hiện đại đã chứng thực tính khoa học của phương pháp đắp rốn. Các thông báo khoa học những năm gần đây cho thấy, đắp thuốc lên rốn có khả năng tăng cường miễn dịch, chống lão suy, chống dị ứng, điều tiết chức năng của thần kinh thực vật, cải thiện vi tuần hoàn, …

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, “phu tề liệu pháp” (sau đây xin gọi vắn tắt là “đắp rốn”) có một số ưu điểm chủ yếu như sau:

Thứ nhất: Đơn giản và dễ học. Thầy thuốc và bệnh nhân đều có thể nhanh chóng nắm vững, dễ dàng áp dụng.

Thứ hai: Diện bệnh và phạm vi áp dụng rất rộng. Có thể sử dụng để điều trị các bệnh nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, nhi khoa, … Trẻ nhỏ cơ thể còn non nớt, người già cơ thể đã suy yếu, khó cho uống thuốc, đặc biệt là đối với những trường hợp không thể đưa thuốc qua đường miệng, “đắp rốn” là biện pháp có thể áp dụng.

Thứ ba: An toàn và ít tác dụng phụ. Đặc biệt, đối với loại Đông dược có tính kích thích mạnh, hoặc có độc tính, đưa thuốc vào theo đường uống rất dễ gây kích ứng hoặc gây trúng độc. Đắp lên rốn sẽ tránh được phản ứng bất lợi, mà vẫn phát huy tác dụng điều trị.

Thứ tư: Lượng thuốc cần sử dụng rất ít. Thông thường, để đắp thuốc lên rốn, mỗi lần chỉ cần dùng khoảng từ 3-15g dược liệu. Như vậy, vừa tiết kiệm được thuốc, lại dễ áp dụng đối với những đối tượng có thu nhập thấp.

Một số lưu ý khi đắp thuốc qua rốn

Thứ nhất: Đắp rốn tuy chỉ là biện pháp “ngoại trị” (tác động từ bên ngoài), nhưng muốn có kết quả tốt và tránh những tác dụng phụ ngoài sự mong muốn, cũng vẫn cần tuân theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị” của Đông y học.

Thứ hai: Để nâng cao hiệu quả điều trị, trong một số trường hợp, vẫn cần kết hợp với một số phương pháp chữa từ bên trong (nội trị).

Thứ ba: Cần căn cứ bệnh tình cụ thể mà chọn dùng loại thuốc, dạng thuốc thích hợp. Dược liệu khô nói chung được tán thành bột mịn, hòa với dung môi thành cao mềm, rồi đắp (bôi) lên rốn. Nếu là dược liệu tươi, có thể giã nhuyễn, rồi đắp lên rốn. Sau cùng, dùng băng dính hoặc gạc cố định lại. Tùy theo bệnh tình cụ thể, có thể 1-2 ngày thay thuốc 1 lần; hoặc có thể 3-5 ngày thay thuốc 1 lần.

Thứ tư: Khi đắp thuốc, người bệnh cần nằm ngửa. Trước khi đắp thuốc cần dùng nước ấm và cồn y tế để sát trùng vùng da rốn. Khi thay thuốc, dùng bông có tẩm dầu thực vật để lau sạch thuốc cũ, không dùng dầu hỏa hoặc xà-phòng.

Thứ năm: Đắp rốn thường sử dụng loại thuốc có tính nhiệt, kích thích mạnh. Đắp thuốc vào nếu thấy quá ngứa, nóng rát, hoặc da phồng mụn nước, thì nên tạm ngừng. Để giảm bớt những sự cố như trên, với các thuốc có tính kích thích mạnh chỉ nên dùng liều nhỏ. Đối với các bệnh mạn tính, nên đắp thuốc theo cách gián đoạn, sau mỗi liệu trình nên nghỉ 3-5 ngày.

Thứ sáu: Đối với trẻ nhỏ, cơ thể còn non nớt, khi đắp thuốc cần chú ý hộ lý; tránh để thuốc bị rơi ra ngoài. Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ không nên sử dụng những loại thuốc có tính kích thích mạnh; thời gian đắp thuốc cũng không nên quá dài.

Thứ bẩy: Đối với phụ nữ đang mang thai, cần thăm khám kỹ lưỡng và hết sức thận trọng trong khi sử dụng.

Một số ứng dụng của “phu tề liệu pháp”:

1.Chữa hãn chứng (rối loạn tiết mồ hôi):

Người mồ hôi ra nhiều, cộng thêm các triệu chứng như sợ gió, thân mình tê nhức, lúc nóng lúc rét, tinh thần mệt mỏi, kém ăn, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch chậm, …

Có thể dùng phương thuốc sau: Ngũ bội tử, nghệ – 2 thứ liều lượng bằng nhau; tán mịn, trộn đều cất vào lọ dùng dần. Mỗi lần lấy một ít bột thuốc trộn với chút mật ong cho dẻo và đắp lên rốn; sau đó dùng gạc sạch phủ lên và dùng băng dính hoặc cao dán cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc một lần. Sau 7 ngày (một liệu trình) nghỉ 3 ngày lại tiếp tục một liệu trình khác, cho đến khi khỏi bệnh.

2. Chữa trẻ nhỏ đái dầm

Trẻ em đái dầm tuy có nhiều nguyên nhân, song Đông y cho rằng đều là do Thận và Bàng quang không kiện toàn. Chữa đái dầm bằng cách đắp thuốc lên rốn có hiệu quả rất tốt, dễ áp dụng trong điều kiện gia đình, không gây đau đớn và trẻ em dễ dàng tiếp thụ. Nếu nhà bạn có trẻ bị đái dầm, có thể chữa thử bằng một trong hai bài thuốc sau.

Bài 1: Lấy một chút ngũ bội tử đem nghiền mịn, trộn với nước bọt (nước miếng) cho dẻo và đắp lên rốn; lấy gạc phủ lên, sau dùng băng dính cố định lại. Mỗi tối trước khi đi ngủ thay thuốc một lần, cứ như vậy cho đến khi khỏi.

Bài 2: Ngũ bội tử, hà thủ ô – mỗi thứ 3g, đem nghiền mịn, trộn với giấm ăn thành một thứ cao thuốc, đem đắp lên rốn và cố định lại. Mỗi tối thay thuốc một lần.

3. Chữa trẻ khóc dạ đề (khóc đêm)

Dùng hạt bìm bìm 7 hạt, giã nát, trộn với nước ấm thành bột nhão. Trước khi nằm ngủ đắp lên rốn, dùng băng dính cố định lại.

4. Chữa trẻ nhỏ bị trướng bụng, bí đái

Dùng lá chanh một nắm nhỏ, giã nát, đem hấp nóng, để trẻ nằm ngửa rồi lấy lá chanh đắp lên rốn. Thông thường, sau một lúc thì tiểu tiện thông và bụng bớt trướng.

Lưu ý: Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy cho thấy, các phương thuốc trên đều mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, mỗi loại bột thuốc cần phải trộn với một loại dung môi nhất định, đúng như đã ghi trong đơn thuốc, hiệu quả mới tốt.

Theo thuocvuonnha.com

Xem thêm: