Đông y cho rằng thông qua ngũ dịch có thể phán đoán sức khỏe của năm cơ quan nội tạng trong thân thể. Vậy, bạn hãy thử kiểm tra xem mình có khỏe mạnh không?
Đông y đề cập tới “ngũ dịch”, ở đây chính là lệ (nước mắt), hãn (mồ hôi), diên (nước dãi), thế (nước mũi), thóa (nước bọt). Chúng lần lượt đối ứng với 5 tạng phủ trong cơ thể người.
Trong “Tố Vấn – Thiên hai mươi ba: Tuyên minh ngũ khí” có giải thích rất chi tiết: Năm Tạng hóa ra các chất lỏng: Tâm hóa ra hãn (mồ hôi), Phế hóa ra thế (nước mũi), Can hóa ra lệ (nước mắt), Tỳ hóa ra diên (nước dãi), Thận hóa ra thóa tức (nước miếng) — được gọi chung là ngũ dịch. Cũng chính là để nói, thông qua ngũ dịch có thể phán đoán sức khỏe của 5 tạng.
Người xưa tin rằng: Ngũ hành tương sinh tương khắc, chuyển hóa qua lại, là nguồn gốc của sự vận động vũ trụ và sự vận động bên trong thân thể người.
Vậy giữa ngũ hành, ngũ tạng và ngũ dịch có quan hệ như thế nào?
Ngũ hành và ngũ tạng
Đặc điểm hoạt động sinh lý và thuộc tính ngũ hành của ngũ tạng có nguyên tắc như sau:
- Can thuộc Mộc, có đặc tính là sinh sôi nảy nở, điều tiết công năng.
- Tâm thuộc Hỏa, có tính dương ấm áp.
- Tỳ thuộc Thổ, có chức năng hóa nguyên, sinh sôi vạn vật.
- Phế thuộc Kim, đặc tính thanh thuần, nội tại.
- Thận thuộc Thủy, có chức năng tàng tinh, vận chuyển nước khắp cơ thể.
Ngũ hành có liên hệ tương sinh tương khắc và ngũ tạng cũng như vậy:
Theo quan hệ tương sinh thì Thận Thủy lấy tinh nuôi Can, Can Mộc tàng máu nuôi Tâm, Tâm Hỏa lấy nhiệt để điều hòa Tỳ, Tỳ Thổ hóa sinh nước để bổ sung cho Phế, Phế Kim chuyển khí thành nước về Thận.
Theo quan hệ tương khắc thì Phế Kim dùng khí thanh ức chế dương cường ở Can, Can Mộc điều hòa sơ tiết Tỳ khô nóng, Tỳ Thổ vận hóa ngăn thận làm nước tràn lan, Thận Thủy thoải mái có thể phòng ngừa Tâm cang hỏa liệt, Tâm Hỏa nhiệt dương hạn chế phổi thanh túc.
Thân thể và ngũ khí, hoàn cảnh bốn mùa và ngũ vị ẩm thực đều có mối quan hệ mật thiết, thể hiện thuộc tính ngũ hành của ngũ tạng. Nói chung, ứng dụng học thuyết ngũ hành với sinh lý có thể thấy rõ rằng tổ chức bên trong thân thể và hoàn cảnh bên ngoài thân thể có tính liên hệ thống nhất. Đây là nguyên lý “Thiên nhân hợp nhất” trong Đông y.
Ngũ tạng và ngũ dịch
Nước mắt: là dịch của Can
Can tạng khai khiếu ở mắt, huyết và tân dịch của Can tạng dư thừa đó chính là nước mắt. Nó có thể giữ ẩm cho mắt. Bởi vậy nếu tạng phủ này bị tổn thương, mắt sẽ xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Thủy dịch ở mắt đầy đủ khiến mắt trong sáng là dấu hiệu thủy của Can sung mãn. Hay chảy nước mắt (nước mắt sống) là dấu hiệu của Can suy. Khi khóc xong mắt thường có màu đỏ, ấy là biểu hiện thủy của Can suy, hỏa của Can vượng. Khóc làm cho nước mắt chảy ra là Thủy suy, Thủy suy làm Hỏa vượng gây nên mắt đỏ. Nếu khóc nhiều quá, Thủy quá suy kiệt sẽ làm Hỏa bùng mạnh lên, không những làm đỏ mắt mà còn gây nhức đầu.
Nước mắt ít và khô mắt là do âm huyết của Can tạng không đủ, cần từ Can dưỡng huyết. Tránh giận dữ thì mới giữ được mắt luôn sạch sẽ.
Chảy nước mắt khi ra gió, ngứa mắt là do Can kinh bị phong tà. Lúc này nên hạn chế sử dụng mắt, giữ mắt luôn sạch sẽ. Ngoài ra có thể dùng hoa cúc, lá dâu đun nước rửa mắt. Nước mắt bị nóng và dính, hai mắt sợ ánh sáng và đau là Can kinh phát nhiệt. Có thể dùng tăm bông thấm nước lau ở vị trí túi lệ ba lần một ngày để loại bỏ tình trạng này.
Ngoài ra, không nên ăn thức ăn cay nóng và chất kích thích để bảo đảm đại tiện thông suốt, mới có thể làm nhiệt tà được loại bỏ. Người già khí huyết hư nhược, Can Thận âm hư, sẽ thường xuyên bị chảy nước mắt. Lúc này nên từ bổ Can Thận, cần bổ khí, bổ huyết, tăng cường dinh dưỡng, tiết chế chuyện phòng the.
Mồ hôi: là dịch của Tâm
Sự bài tiết sinh lý của nó được kiểm soát bởi trạng thái tinh thần của chúng ta. Ví dụ, khi cảm thấy lạnh, các khiếu ở lông mao bị bịt kín từ đó không có mồ hôi. Khi trời nóng, tập thể dục hoặc mặc quần áo quá dày và cảm thấy nóng, các lỗ chân lông sẽ mở rộng gây đổ mồ hôi.
Dấu hiệu bất thường của mồ hôi chính là ra mồ hôi trộm. Tự ra mồ hôi (tự hãn) hoặc ra mồ hôi ban đêm (mồ hôi trộm, đạo hãn) là dấu hiệu Thủy của Tâm suy.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do dương của Tâm không đủ, khí bị hư, không thể giữ được dịch của Tâm, cần bổ khí bổ dương. Bệnh nhân bị dương hư hầu hết đều thuộc thể hàn sợ lạnh, dễ bị ngoại cảm phong hàn. Nên giữ nhiệt độ trong nhà luôn ấm, hơn nữa cần điều dưỡng ôn bổ.
Bệnh nhân bị khí hư cần chú ý nghỉ ngơi. Có thể dùng táo đỏ 5 quả, đậu đen 30g, Hoàng kỳ 60g sắc cùng 150ml nước, ngày uống hai lần, đồng thời chú ý sinh hoạt điều độ.
Người bị âm huyết Tâm không đủ, dễ xuất hiện mồ hôi trộm. Trong chế độ ăn hằng ngày cần thanh bổ là chính, kỵ ăn đồ cay nóng, như thịt dê, hạt tiêu, gừng, hành…
Nước dãi: là dịch của Tỳ
Tỳ khai khiếu ở miệng, âm tinh của Tỳ thượng xuất lên miệng, thành nước miếng. Tác dụng chủ yếu là dùng để hòa tan thức ăn và hỗ trợ tiêu hóa.
Người Tỳ Vị hư nhược có thể biểu hiện là miệng nhạt, buồn nôn, nước bọt nhiều, cần hỗ trợ ôn trung kiện Tỳ. Tránh thức ăn hàn lạnh, nên bổ sung các món ăn nóng để làm nóng khoang dạ dày, cũng có thể uống nước gừng, ăn cháo gạo nếp táo đỏ để hỗ trợ.
Dạ dày bị hỏa vượng sẽ xuất hiện các dấu hiệu miệng khô, nước miếng ít. Nhóm người này không nên ăn các món cay nóng và kích thích, ăn nhiều hoa quả, rau tươi, và các loại đồ uống giải nhiệt, cũng có thể dùng Mạch môn, Sa sâm sắc nước uống.
Nước mũi: là dịch của Phế
Phế khai khiếu ở mũi, khi dịch Phế sung mãn sẽ xuất hiện nước mũi. Nước mũi có thể tư nhuận khiếu ở mũi, đảm bảo chức năng hô hấp và khứu giác được bình thường.
Tổn thương của Phế tạng có thể được phát hiện qua dấu hiệu bất thường của nước mũi. Người âm Phế hư có thể biểu hiện mũi khô không có nước mũi. Lúc này nên điều chỉnh nhiệt độ phòng thấp hơn một chút, giữ ấm ở nhiệt độ nhất định. Dùng Ngân nhĩ 50g, Bách hợp 30g, Sa sâm 30g, mật ong 1 thìa, thêm 150ml nước sắc nửa giờ, dùng uống 2 lần một ngày. Tránh ăn các đồ cay, nóng, và thực phẩm chiên.
Người bị phong hàn dẫn tới phế khí không thông, thường biểu hiện nước mũi có màu xanh. Nhóm người này nên chú ý giữ không khí phòng ở trong lành, tránh phong hàn tái thâm nhập. Dùng thuốc Đông y nên uống khi nóng, sau khi uống nên nằm tĩnh tọa, đắp chăn hoặc dùng cháo nóng hỗ trợ giúp toát mồ hôi, khu hàn. Người có nước mũi đục màu vàng nên thanh Phế tiết nhiệt. Dùng thuốc Đông y nên uống khi lạnh hoặc hơi ấm, nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm thanh đạm, chú ý giữ khoang mũi thông thoáng.
Nước miếng: là dịch của Thận
Thận khí tràn đầy, thì tinh chất âm của thận tràn đầy hướng lên miệng thành nước bọt, có tác dụng làm ẩm nhuận khoang miệng và hòa tan thức ăn. Những thay đổi bất thường trong nước bọt có thể phản ánh các tổn thương bệnh biến tại Thận.
Miệng có vị đắng, khô, tân dịch ít, đầu gối yếu mỏi đa phần Can Thận âm hư. Có thể dùng Cẩu kỷ tử, Sa sâm sắc nước uống thay trà hằng ngày. Đồng thời điều chỉnh tâm trạng, chú ý nghỉ ngơi, tránh các thực phẩm cay nóng và chất kích thích như rượu, bia…
Theo kknews.cc