Nhiều y bác sĩ đang làm việc ngày đêm để cứu sống bệnh nhân, nhưng do thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh, hoá chất điều trị… một số người cũng vì thế mà mắc phải bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới đã phát đi cảnh báo về tình trạng hơn 50% trợ lý dược bị phát hiện phơi nhiễm hóa trị do thường xuyên tiếp xúc với thuốc. Nghiên cứu cụ thể tại Việt Nam cũng chỉ ra, hàng loạt “tai họa” do phơi nhiễm người hành nghề y đang phải đối mặt.
Mắc ung thư do phơi nhiễm hóa trị
Báo cáo tổng hợp các khảo sát của CAREX, WHO chỉ ra, có hơn 50% trợ lý dược bị phát hiện phơi nhiễm hóa trị do họ thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại thuốc khác nhau.
Những người thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm hóa trị gồm: bác sĩ; y tá; điều dưỡng. Đây là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, tiêm thuốc cho người bệnh. Nguyên nhân dẫn đến phơi nhiễm thường là do trật kim, chai thuốc bị đổ, vỡ…
Nhóm có nguy cơ khác là dược sĩ, họ là người hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại thuốc khác nhau khi chai thuốc bị đổ, vỡ trong quá trình vận chuyển, sắp xếp, phân loại. Ngoài người bệnh điều trị ung thư thì người thân hoặc người chăm sóc bệnh cũng có nguy cơ phơi nhiễm.
Theo cảnh báo của Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH), khi nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với thuốc hóa trị độc tế bào khi điều trị cho bệnh nhân trong môi trường kiểm soát không đầy đủ có thể gây ra nhiều tai họa như: kích ứng da; rụng tóc, nhức đầu; rối loạn sức khỏe sinh sản (vô sinh, sảy thai); nguy cơ bị ung thư.
Những người làm nghề điều dưỡng có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú, não và hệ thần kinh, melanoma và các ung thư da khác xảy ra trong khoảng thời gian hơn 10 năm sau khi rời công tác chuyên môn.
Phải điều trị HIV vì máu và dịch tiết từ người bệnh
Không chỉ bị phơi nhiễm trong lĩnh vực điều trị ung thư, các phương pháp điều trị, can thiệp, chăm sóc người bệnh… cũng luôn tiềm ẩn rủi ro với người hành nghề y. Theo thống kê, tại Việt Nam, bệnh nghề nghiệp ở ngành y tế chiếm tỷ lệ cao trong danh mục 28 bệnh nghề nghiệp do tai nạn rủi ro nghề nghiệp và nhiễm độc.
Một kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM về tình hình phơi nhiễm với máu và dịch tiết do bệnh nghề nghiệp (từ tháng 1/2014 đến tháng 11/2016) vừa được công bố (ngày 20/4/2017) chỉ ra, trong thời gian nghiên cứu, có 191 trường hợp nhân viên y tế bị phơi nhiễm được ghi nhận tại bệnh viện.
Nguyên nhân phơi nhiễm thường xuất phát trong quá trình hành nghề như kim chích, dao phẫu thuật đâm (nhiều trường hợp bị phơi nhiễm trong quá trình thu dọn rác), bị máu và dịch tiết của người bệnh bắn vào mắt…
Theo BS Đặng Vân Trang, khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhóm người bị phơi nhiễm xảy ra chủ yếu trên sinh viên, điều dưỡng còn thiếu kinh nghiệm và bất cẩn trong thực hành. Tuy nhiên, trong số 191 người bị phơi nhiễm được xác định thì số bác sĩ cũng chiếm tới 22,5%; có 19 người bị phơi nhiễm trên bệnh nhân HIV dương tính phải điều trị dự phòng theo phác đồ cơ bản với thuốc Lamzidivir và theo dõi trong 1 năm. May mắn cho đến nay, các nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV chưa có trường hợp nào chuyển huyết thanh dương tính với căn bệnh này.
Môi trường trong bệnh viện được đánh giá là thuộc diện độc hại. Để hạn chế nguy cơ bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, BS Vân Trang khuyến cáo: tất cả y bác sĩ, nhân viên y tế phải tuân thủ, cẩn thận trong từng thao tác đảm bảo các nguyên tắc an toàn lao động, chủ động các biện pháp cải tiến kỹ thuật để giảm thiểu rủi ro. Trường hợp bị phơi nhiễm xảy ra, cần nhanh chóng thực hiện điều trị dự phòng sớm trong 2 giờ đầu để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
Hoàng Kỳ tổng hợp
Xem thêm:
- Bhutan: đất nước miễn phí y tế nhưng không mấy ai dùng, còn bác sĩ thì ‘thất nghiệp’
- Cảm động vị bác sĩ tận tâm ngủ gục trên sàn sau 28 giờ phẫu thuật không nghỉ
- Bi hài màn ‘cướp mic’ của bác sỹ Trung Quốc bị tố cáo mổ cướp nội tạng
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.