Vừa qua có nhiều phản ảnh tích cực về bài Đông Cô thang viết ở phần 1, mấy bạn hút thuốc nhiều sau khi dùng 4 lần, đã thấy sức khỏe cải thiện một cách ngạc nhiên. Hôm nay tôi viết tiếp về giải rượu.
2. Trần bì ô mai thang
Cách chế biến:
– 30g Trần bì (Vỏ quýt lâu năm) thái nhỏ
– 2 quả Ô mai (mơ), bỏ hột, thái nhỏ.
– 5g Sinh khương (Gừng tươi)
– Bỏ 3 vị trên vào 360ml nước, đun bằng lửa nhỏ trong 30 phút.
– Gạn bỏ bã, uống lúc ấm.
Bài thuốc này là bài thuốc gia truyền ở Trung Hoa, khi cách mạng Tân Hợi nổ ra, bí phương này mới được phổ biến ra ngoài.
Công dụng: Bài thuốc lấy quân là vị Trần bì, đối với người say rượu, nhất là về đêm, bài này có công dụng cực kỳ mạnh để giải độc rượu, làm tỉnh rượu, bảo vệ gan. Rượu uống say, sợ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nên trong phương có Ô mai, sinh khương làm tá dược giúp kiện vận chức năng chức năng của tỳ vị, khiến cho hệ tiêu hóa được bảo vệ.
Trần bì là vỏ quýt được phơi hay sấy khô để càng lâu năm càng tốt nên gọi là Trần bì. Càng lâu năm càng quý và càng đắt.
Thành phần hóa học:
+ Limonene, b-Myrcene, Piene, a-Terpinene, a-Thujene, Sabinene, Octanal, a-Phellandrene, p-Cymene, a-Ocimene, g-Terpinene, Terpinolene, Linalool, 3,7-Dimenthyl-7-Octenal, 4-Terpineol, a-Terpineol, Decanal, Citronellol, 4-1, 1-Dimenthylrthyl-Benzenemethanol, Perillaldehyde, Carvacrol, a-Farnesene, Benzyl alcohol, Nerol, Octanol, Thymol, Citronella, Sabinene hydrate (Lưu Văn Tù, Trung Dược Tài 1991, 14 (3): 33).
+ b-Sistosterol, Limonin, Ferulic acid, 5, 5’-Oxydimethylene-bis (2-Furaldehyde) (Iimuma M và cộng sự, Chem Phar Bull 1980, 28 (3): 717).
+ Hesperidin, Neohesperidin, Citromitin (Chaliha B R và cộng sự C A, 1967, 66: 5534e).
+ Theo GS Đỗ Tất Lợi vỏ quýt còn tươi có chứa tinh dầu 3,8% (2.000 đến 2.500 quả cho 1 lít tinh dầu), nước và thành phần bốc hơi có 61,25% Besperidin, Vitamin A, B và chừng 0,8% tro.
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng đối với cơ trơn của dạ dày và ruột: Tinh dầu Trần bì có tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa, giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị, có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột (Trung Dược Học).
+ Tác dụng khu đàm, bình suyễn: Thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp, làm tăng dịch tiết, làm loãng đờ, dễ khạc ra. Xuyên trần bì làm giãn phế quản, hạ cơn hen. Dịch cồn chiết xuất Quất bì với nồng độ 0,02g (thuốc sống) /ml hoàn toàn ngăn chặn được cơn co thắt phế quản chuột lang do Histamin gây nên (Trung Dược Học).
+ Tác dụng kháng viêm, chống loét: Thành phần Humulene và a-Humulenol acetat có tác dụng như Vitamin P. Chích Humuiene vào ổ bụng chuột nhắt với liều 170 – 250mg/kg, có tác dụng làm giảm tính thấm thấu của mạch máu do Lecithin dung huyết làm tăng.Chích 10mg Humulene vào ổ bụng một con chuột nhắt cũng có tác dụng kháng Histamin, gây tính thẩm thấu của thành mạch. Chất a-Humulenol acetat có tác dụng chống loét rõ và làm giảm tiết dịch vị trên mô hình gây loét dạ dày bằng cách thắt môn vị (Trung Dược Học).
+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: nước sắc Trần bì tươi và dịch Trần bì chiết cồn với liều bình thường có tác dụng hưng phấn tim, liều lượng lớn có tác dụng ức chế, nếu chích thuốc nhanh vào tĩnh mạch thỏ và chó, huyết áp tăng cao, nhưng bơm vào dạ dày thì không có tác dụng đó (Trung Dược Học).
+ Tác dụng kháng khuẩn: Quảng trần bì trong ống nghiệm, có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tụ cầu khuẩn, trực khuẩn dung huyết, ái huyết (Trung Dược Học).
Ngoài ra, Trần bì còn có tác dụng chống dị ứng, lợi mật, ức chế cơ trơn của tử cung (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Trong Đông y, Trần bì là vị thuốc quý để lý khí, trong những trường hợp hoắc loạn, nôn mửa, khí nghịch, tiêu chảy không lợi, là khí hàn, quan cách, trung mãn, là khí bế, thực tích đàm diên (nước dãi), là khí trệ, thất tình, chí uất, là khí kết đều có thể dùng trần bì để trị.
Theo Bách Thảo Đường
Xem thêm: