Không phải vô duyên vô cớ mà một người bình thường cần dành đến 1/3 cuộc đời để ngủ. Một giấc ngủ ngon là chìa khóa cho sức khỏe về cả thể chất và tinh thần. Thiếu ngủ, đủ bệnh sẽ phát sinh…
Khi cơ thể đang ngủ cũng là lúc nhiều “đại công trình” di tu, bảo dưỡng và xây mới đang diễn ra một cách tấp nập: thanh lọc độc tố cho tế bào, phục hồi thương tổn, tiết hormone tăng trưởng, tìm diệt tế bào ung thư, các ổ viêm nhiễm….
Theo các chuyên gia y tế, những người thiếu ngủ thường có thêm một số thói quen xấu khác như ăn đêm, làm việc khuya, xem điện thoại/TV/chơi game/lướt web… do đó mà các tổn hại cho sức khỏe lại được đà nhân lên.
Biểu hiện bên bề mặt của người thiếu ngủ là mệt mỏi, da tối màu, mắt thâm, hay ngáp…. nhưng danh sách các bệnh đang tiềm ẩn mới thật đáng lo ngại.
Dưới đây là những căn bệnh thường gặp khi trường kỳ thiếu ngủ.
1. Bệnh tiểu đường
Theo nghiên cứu, một giấc ngủ không chất lượng làm tăng cảm giác thèm ăn thực phẩm có đường và đồ ăn vặt trong ngày. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao tăng cao gây ra bệnh tiểu đường.
2. Loãng xương
Ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày có thể làm giảm đáng kể mật độ xương, dẫn đến xương yếu và giòn. Các thành phần khoáng chất của xương cũng giảm, gây ra đau khớp và dễ gãy xương.
3. Ung thư
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngủ không đủ giấc cũng gây bệnh ung thư vú và nhiều loại ung thư khác. Các gốc tự do gây tổn hại các tế bào và gây ung thư không được loại khỏi cơ thể do thiếu ngủ. Ngoài ra, các độc tố tích tụ trong cơ thể cũng góp phần gây các bệnh nghiêm trọng. Những người đang cần tĩnh dưỡng điều trị ung thư lại càng cần lưu ý đến giấc ngủ hơn hết.
4. Đau tim và đột quỵ
Trong lúc ngủ, các bộ phận cơ thể được sửa chữa và các độc tố cũng được thải để tránh bệnh tật. Do vậy, những người giấc ngủ kém có nguy cơ mắc huyết áp cao, đau tim và đột quỵ.
5. Giảm sút trí nhớ
Bộ não được làm mới và “tái sinh” trong một giấc ngủ đạt chất lượng. Khi bạn thiếu ngủ, bộ não sẽ mệt mỏi, hoạt động trì trệ dẫn đến suy giảm trí nhớ, để lâu sẽ mất trí nhớ hoàn toàn.
6. Tóc bạc tóc, dễ gãy rụng
Màu sắc của tóc chủ yếu do các tế bào melanocytes trong tóc quyết định, chúng sản xuất ra melanin giúp chống lại tia UV, bảo vệ da đầu và tóc. Thiếu ngủ dẫn tới việc máu tuần hoàn kém, không đi được đến các góc của da đầu, như vậy các melanocytes không hoạt động bình thường, màu tóc không còn được như trước và bạc dần, dễ gãy rụng
7. Suy giảm thị lực
Ngủ không đủ giấc khiến đôi mắt thường xuyên mệt mỏi, cay, không chỉ suy giảm thị giác mà còn tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt.
8. Lo âu và trầm cảm
Giấc ngủ không đầy đủ là nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng và trầm cảm. Hormone Cortisol tiết ra nhiều khi thiếu ngủ gây căng thẳng, lo âu có thể dẫn đến trầm cảm.
9. Tăng cân
Ít ngủ dẫn đến sự thèm ăn thực phẩm không lành mạnh như bánh pizza, bánh mì kẹp thịt, nước ngọt… Bạn có xu hướng ăn chúng thường xuyên vào ban đêm nên dễ tăng cân. Mức độ cholesterol cao làm tăng nguy cơ nhiều bệnh tật.
Không chỉ ngủ đủ lâu, mà thời điểm đi ngủ và thức dậy cũng cực kỳ quan trọng, cần đúng nhịp điệu với các chu kỳ hoạt động sinh lý bên trong cơ thể. Các thầy thuốc xưa và nay đều khuyên mọi người nên ngủ sớm (trước 11h đêm) và dậy sớm (trước 6h sáng) là tốt nhất. Buổi trưa, chỉ cần ngủ ngon được 5 phút thì cũng không kém vài giấc ngủ vài giờ đồng hồ.
Minh Thành t/h
Xem thêm:
- Vợ mất, một mình gà trống nuôi con, người chồng tìm ra cách độc đáo ru đứa con thơ của mình chìm vào giấc ngủ
- Sự tái sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy
- Vì sao khi ngủ nhiều hơn thì lại mệt hơn? Mẹo ngủ 5 phút tương đương với 6h
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.