Sau khi ăn nhộng 20 phút, người đàn ông xuất hiện dị ứng toàn thân dẫn đến sốc phản vệ phải vào viện cấp cứu gấp.
Theo Báo Giao Thông, ngày 6/12, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, người bệnh T. V. B. 48 tuổi, trú tại Lưu Kỳ – Thủy Nguyên – Hải Phòng nhập viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, huyết áp không đo được, tiên lượng rất nặng.
Gia đình cho biết trước nhập viện khoảng 20 phút, ông B. có ăn chừng 15 con nhộng tằm thì xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, nôn ra thức ăn, rét run. Ngay lập tức được người nhà đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu.
VnExpress thông tin, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III (rất nặng) và lập tức cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ.
Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời, hiện tại người bệnh đã ổn định, tỉnh táo, các chỉ số lâm sàng bình thường và sẽ được xuất viện sau 1-2 ngày điều trị.
Theo tìm hiểu từ Vietq, những con nhộng tằm to hơn nhộng còn trong kén, được bày bán ở chợ với giá rẻ là loại nhộng đã kéo sợi, được luộc chín trước khi bán. Để bắt mắt, những con nhộng này được một số thương lái đem ngâm nước để căng mọng, ngoài ra một số thương lái đã bất chấp nguy hiểm sử dụng hóa chất tẩy trắng để tẩy nhộng nhằm đánh lừa thị giác của người tiêu dùng.
Ngoài nguy cơ ăn phải nhộng tẩm hóa chất, nguyên nhân gặp phải gây ngộ độc là nhộng tằm có chứa nhiều protein (đạm), không thể bảo quản được lâu, dễ bị ôi thiu. Khi không được bảo quản tốt, chất đạm sẽ bị phân hủy thành chất độc gây hại cho cơ thể.
Dưới đây là một số lưu ý cần tránh khi ăn nhộng tằm:
Không ăn khi nhộng để lâu
Khi nhộng tằm chết thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau. Lúc này, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể. Vì vậy, nếu nhộng tằm để quá 1 tuần khi thời tiết lạnh hoặc quá 20 giờ khi thời tiết nóng thì tuyệt đối không nên ăn.
Nhộng đã mua về tốt nhất nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 – 5oC.
Không chế biến chung với cá, tôm
Rất ít người biết rằng nhộng tằm nhiễm độc có thể gây ngộ độc, thậm chí có thể dẫn đến tử vong khi không biết cách chế biến và bảo quản. Để tránh ngộ độc từ nhộng tằm, tốt nhất không nên ăn nhộng tằm sống, hoặc mới qua chế biến sơ. Nhộng tằm phải được rửa kĩ lưỡng trước khi chế biến. Lưu ý: Không chế biến nhộng tằm với cá hoặc tôm.
Không ăn khi bị gout
Nhộng tằm có chứa nhiều chất đạm, vì thế những người bị bệnh gout nên kiêng tuyệt đối, ăn vào bệnh dễ tái phát và gây đau ngay lập tức.
Không ăn khi có tiền sử dị ứng
Mặc dù rất giàu dinh dưỡng nhưng nhộng tằm có chứa một số chất gây dị ứng nên những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng dễ gặp hiện tượng này. Vì thế khi bị dị ứng vì ăn nhộng tằm với triệu chứng như: buồn nôn, chóng mặt, đau bụng dữ dội, đi ngoài, da bị mẩn đỏ cần phải kịp thời đi khám ngay và nên tránh ăn để tránh dị ứng, ngộ độc…
Không ăn quá nhiều
Nhiều người thích ăn nhộng tằm nên thường chế biến một lần ăn nhiều bữa. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc vì ăn nhộng từ tủ lạnh. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù bổ nhưng người dùng không nên ăn quá nhiều, chỉ ăn nhộng tằm một cách phù hợp, khoảng 2-3 bữa/tháng là đủ.
Đối với trẻ em, khi cho ăn nhộng tằm cần cho ăn ít một để thăm dò trước. Nếu trẻ không có dấu hiệu dị ứng thì mới tiếp tục cho ăn lần sau.
Video xem thêm: Thực hư chuyện hàng trăm người bị ngộ độc sau khi dự tiệc cưới