Nhiễm khuẩn máu (hay còn gọi là nhiễm trùng huyết) là biến chứng phức tạp của tình trạng nhiễm trùng, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn, đôi khi chỉ là từ hành động nặn trứng cá, chích mụn…
Bệnh xảy ra do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm. Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi trong cơ thể, dẫn đến tổn thương các cơ quan như gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh.
Những đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn huyết
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên một số nhóm người sau đây có nguy cơ cao hơn:
– Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
– Người cao tuổi, đặc biệt là những người có vấn đề sức khỏe.
– Những người nhập viện hoặc phẫu thuật trong thời gian gần đây.
– Người bị tiểu đường, bệnh tim, xơ gan.
– Người bị suy giảm hệ miễn dịch do mắc các bệnh như HIV/AIDS hoặc ung thư
– Người dùng thuốc ức chế miễn dịch và thuốc chống đào thải sau cấy ghép nội tạng.
– Người bệnh có đặt các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập như đinh nội tủy, catheter, đặt ống nội khí quản…
Triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết
Do nhiễm khuẩn huyết có thể bắt đầu ở bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể nên bệnh cũng có nhiều triệu chứng khác nhau:
– Thở nhanh hoặc rối loạn nhịp thở.
– Sốt, ớn lạnh.
– Hạ nhiệt độ cơ thể sâu.
– Đi tiểu ít hơn bình thường.
– Nhịp tim nhanh.
– Buồn nôn, ói mửa.
– Bệnh tiêu chảy.
– Có thể có phát ban…
Các biện pháp phòng bệnh
– Điều trị sớm ổ nhiễm khuẩn ban đầu.
– Tránh chích nặn mụn nhọt, nhọt non, đinh râu.
– Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, duy trì lối sống lành mạnh, bỏ hút thuốc lá và uống rượu…
– Điều trị tốt các bệnh có sẵn như đái tháo đường, xơ gan…
– Chống nhiễm trùng bệnh viện.
Lan Phương