Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhân Dân 115 (Tp.HCM) vừa điều trị cho bệnh nhân K.S.H.D. (18 tuổi, Phú Yên) bị sốt kéo dài, viêm phổi, nhiễm trùng huyết do nấm bội nhiễm.

Theo Vietnamnet, trước khi nhập viện 20 ngày, D. bị sốt cao, lạnh run, ho đàm đục, thở mệt. Dù điều trị ở bệnh viện địa phương, tình trạng không thuyên giảm.

Qua các xét nghiệm, các bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhân dân 115 chẩn đoán, cô gái bị nấm bội nhiễm vi trùng, dẫn tới bệnh kéo dài cả tháng không khỏi.

Hiện, nữ bệnh nhân đã tỉnh táo, hết sốt và ăn uống được sau khi được hạ sốt tích cực, bù nước và điện giải, truyền hồng cầu lắng, kết hợp dùng thuốc kháng sinh, kháng nấm…

Bội nhiễm (ngoài bệnh lý chính, bệnh nhân còn nhiễm thêm một số loại vi trùng, vi khuẩn khác dựa trên cơ sở bệnh lý chính) là biến chứng của bệnh viêm mũi họng xuất tiết.

Khi xảy ra bội nhiễm, người bệnh sẽ thấy vô cùng khó chịu ở cổ họng do chất dịch màu trắng làm họ thường xuyên phải khạc đờm để cải thiện tình hình. Thậm chí, khi nuốt nước bọt cũng cảm thấy đau, nghẹn trong cổ họng. Một số người bị viêm nhiễm phần niêm mạc họng hầu, tồn đọng dịch đờm gây mùi hôi tanh khó ngửi.

Các bác sĩ khuyến cáo, cần tầm soát nguyên nhân nhiễm nấm và điều trị sớm trên cơ địa bệnh nhân sốt kéo dài, dùng kháng sinh và nằm viện lâu ngày. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng giúp người bệnh phục hồi sức khỏe khi điều trị nhiễm trùng nặng.

Khi nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt có ho và đờm kéo dài, cần đi khám, không nên chủ quan. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, gây nguy hiểm sức khỏe.

Giữ gìn vệ sinh răng miệng, bảo vệ mũi bằng khẩu trang y tế mỗi khi ra đường, xây dựng môi trường sống trong lành… sẽ giúp giảm nguy cơ viêm mũi họng xuất tiết và những bội nhiễm của nó.

Lan Phương