Nhiều người nghĩ, răng con mình nếu có bị sún thì cũng không đáng lo vì sau này sẽ có răng vĩnh viễn mọc lên thay thế. Tuy nhiên bác sĩ nha khoa thì lại rất e ngại cho hàm răng tương lai của các bé.
Có lẽ, sún răng là một phần lý do vì sao các bác sĩ chỉnh nha không thiếu việc để làm, các bé phải trường kỳ chịu đựng sự vướng víu, khó chịu của quá trình điều trị lâu dài mà có thể lên tới hai năm hoặc hơn.
Vậy răng sún có thể gây ra những vấn đề gì?
Điều đáng lo nhất khi bé bị sún răng là quá trình mọc răng vĩnh viễn sẽ bị ảnh hưởng, khiến răng mọc lệch, hàm răng bị khấp khểnh, ảnh hưởng xấu đến ngoại hình và chức năng. Vì thế, bé có thể phải đi chỉnh nha trong tương lai.
Ấy là chưa kể đến những ảnh hưởng hiện tại, sún răng khiến trẻ mất tự tin trong giao tiếp, khó ăn uống, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh sâu răng, viêm lợi. Ngoài ra còn khiến trẻ khó phát âm chuẩn, dễ quấy khóc và lười đánh răng.
Đáng buồn là, nếu trẻ đã bị sún răng rồi thì bạn chỉ có thể giữ cho tình trạng không nặng thêm, chứ phục hồi lại hình dáng răng ban đầu thì là một vấn đề nan giải ngay cả đối với các bác sĩ. Nhưng bạn vẫn nên đưa trẻ đến gặp các nha sĩ để được tư vấn các điều trị cần thiết khác hay cách chăm sóc đặc biệt cho trẻ.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Thường thì nguyên nhân chủ yếu khiến bé bị sún răng là do chế độ ăn uống và vệ sinh không đảm bảo. Nếu trẻ thường xuyên ăn đồ ngọt với chế độ ăn thiếu canxi và các khoáng chất, thêm cả vệ sinh không tốt thì sún răng là điều rất dễ hiểu.
Vì vậy, để đảm bảo bé không bị sún răng, chúng ta cần cho bé một chế độ ăn đầy đủ và cân bằng, lựa chọn đa dạng các loại thức ăn bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm chứa canxi, hạn chế đồ ngọt, các loại thức uống có ga…
Trong vệ sinh răng miệng thì cho bé đánh răng sau các bữa ăn, đặc biệt là trước khi đi ngủ bằng bàn chải và thuốc đánh răng phù hợp với tuổi của bé.
Trẻ bị sâu răng, sún răng cũng có thể liên quan đến thói quen ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn chứa nhiều đường, thường xuyên uống đồ uống có gas. Các loại thực ăn này khiến cho lớp men răng của trẻ bị tổn thương, bị ố và mủn dần.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, không nên cho uồng thuốc kháng sinh tetracycllin, vì loại kháng sinh này sẽ làm tăng nguy cơ xấu răng vĩnh viễn.
Các nha sĩ cũng khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho các cháu đi khám răng định kỳ đều đặn để kịp thời xử lý khi có vấn đề xuất hiện.
Tân Hạ tổng hợp
Xem thêm:
- Đánh răng nhiều, miệng vẫn hôi, lợi vẫn viêm là vì sao?
- Nha sĩ thí nghiệm cho răng vào nước tăng lực, Coca và nước, 2 tuần sau kết quả thật bất ngờ
- 6 năm mắc bệnh hiểm nghèo, cô gái trẻ đã ‘cải tử hoàn sinh’ nhờ Phật Pháp nhiệm màu
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.