Ngày 3/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng số trường hợp mắc bệnh ung thư ở Trung Quốc đang tăng lên với một tốc độ “hung hãn”.
WHO thông báo, mỗi năm có khoảng 2,2 triệu nam giới và phụ nữ ở Trung Quốc chết do các loại bệnh ung thư khác nhau, theo Tập đoàn Truyền thông Úc đưa tin.
“Ở Trung Quốc bệnh ung thư phát triển với tốc độ hung hãn,” trích lời của Bác sỹ Bernhard Schwartlander – phát ngôn viên của WHO tại Trung Quốc. “Cần cải thiện phòng chống bệnh ung thư ở Trung Quốc – ví dụ như, giảm tỷ lệ hút thuốc đang ở mức rất cao, đặc biệt trong số nam giới Trung Quốc – sẽ cứu nhiều triệu mạng sống mỗi năm.”
Ông cũng nói với báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, rằng Trung Quốc chiếm 25% trong tổng số ca tử vong do ung thư toàn cầu. Ông nói thêm: “Điều giản đơn tốt nhất mà bạn có thể làm cho sức khỏe của mình chính là ngừng hút thuốc ngay bây giờ.”
Xem thêm: Trung Quốc: Đất, nước, không khí – Tất cả đều ô nhiễm! (phóng sự ảnh)
WHO cũng cho rằng các vấn đề nan giải của Trung Quốc như ô nhiễm không khí cũng là một nhân tố góp phần gây ra bệnh ung thư, cụ thể ở nơi có dân cư đông đúc, các khu vực thành thị.
Phụ nữ Trung Quốc thường được chẩn đoán mắc chứng bệnh ung thư vú, Cơ quan của Liên Hợp Quốc này cho biết. “Nhận biết là bước đầu tiên để phát hiện sớm và khắc phục các hậu quả của bệnh ung thư,” bác sỹ Schawartlander nói. “Với vài ngoại lệ, các bệnh ung thư giai đoạn đầu ít gây chết người và có thể điều trị dễ dàng hơn so với các bệnh ung thư vào giai đoạn cuối.”
Cũng trong khi đó, Hiệp hội Ung thư Mỹ đã đưa ra một bản cập nhật thông báo.
“Theo ước tính từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC), trong năm 2012 có 14,1 triệu trường hợp mắc ung thư mới và 8,2 triệu ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Vào năm 2030, gánh nặng toàn cầu này được dự đoán tăng lên 21,7 triệu trường hợp mắc ung thư và 13 triệu ca tử vong, nguyên nhân đơn giản là do sự tăng trưởng và già hóa dân số,” theo bản cập nhật thông báo.
“Gánh nặng trong tương lai có lẽ sẽ còn lớn hơn bởi vì việc áp dụng lối sống phương Tây, chẳng hạn như hút thuốc, chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, lười hoạt động thể chất, giảm sinh đẻ và ít vệ sinh hơn, ở các nước có nền kinh tế đang phát triển.”
Bởi Jack Phillips, Epoch Times
Biên dịch: Hoàng Tuấn