Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environment International cho thấy, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao phát triển bệnh đường hô hấp nếu 3 tháng cuối thai kỳ mẹ tiếp xúc với phấn hoa.

Theo The Indian Express, nhóm nghiên cứu của Đại học La Trobe (Melbourne, Úc) đã phân tích mẫu máu thu được từ hàng trăm trẻ sơ sinh ở Melbourne, Đan Mạch và Đức.

Bircan Erbas, Phó Giáo sư Đại học La Trobe (Melbourne) cho biết, ở vài tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu tiếp xúc với phấn hoa có thể dẫn đến các bệnh hô hấp dị ứng ở trẻ.

Những trẻ được sinh ra trong mùa phấn hoa có nồng độ IgE trong máu cao. IgE là một protein được sản xuất bởi hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus và các chất gây dị ứng.

Nồng độ IgE cao thay đổi theo mùa trong năm và xảy ra ở những thời điểm khác nhau giữa các quốc gia. Các em bé sinh ra ở Melbourn có nồng độ IgE cao khi sinh vào tháng 10-12; trong khi các em bé ở Đức và Đan Mạch thì thời điểm khoảng tháng 4 – mùa hoa nở rộ ở châu Âu- là có nồng độ IgE cao nhất.

Trước đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ sơ sinh có nồng độ IgE cao trong máu dây có thể tiến triển thành dị ứng, nhưng mức độ ảnh hưởng của việc tiếp xúc với phấn hoa trong tử cung thì ít được đề cập đến.

Phó Giáo sư Erbas cũng nhấn mạnh, không phải tất cả các em bé sinh ra trong mùa phấn hoa sẽ có nguy cơ bệnh hô hấp hay dị ứng. Nghiên cứu này đã đưa ra cái nhìn sâu sắc, giúp các nhà nghiên cứu dự đoán và xử lý bệnh hen suyễn.

Theo The Indian Express

(Tổng hợp)