Cổ nhân có câu “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời độc lạnh người sáu tháng ròng”. Trong giao tiếp giữa người Thầy thuốc và Bệnh nhân hiện nay, quả là thể hiện rất rõ nét ý nghĩa của câu nói này. 

Trong quá trình hành nghề y, tôi đã có nhiều trải nghiệm về sức mạnh của lời nói. Một lời dịu dàng ân cần có thể làm người bệnh quên đi khó chịu, nhưng cũng lời nói vô tình sẽ khiến bệnh nhân trở nên đau khổ hơn. Sau đây là hai mẩu chuyện ngắn điển hình mà tôi muốn kể lại.

Em lại dỗ bệnh nhân đi, bà cụ đang khóc kìa

Bà cụ là một trong những bệnh nhân đầu tiên trong cuộc đời của tôi.

Hôm đó tôi cố gắng nói to và chậm nhưng chắc nịch tuyên bố cho một bà cụ lớn tuổi, lãng tai rằng: “Bà bị suy thận mạn giai đoạn cuối rồi, giờ phải chạy thận suốt đời, không chạy thận là chết”.

Bà cứ “hả”, “hả” vài lần, mắt mở to, biểu cảm cụ thể tôi không rõ, vì mải ghi hồ sơ.

Một hồi sau, chị bác sĩ cùng khoa chạy lại nói:

“Em lại dỗ người ta đi, bà cụ đang khóc kìa em có thấy không?”

Tôi ngước mặt lên, thẫn thờ. Trải nghiệm này quả là không dễ chịu một chút nào. Tôi đứng hình và nhìn chị đồng nghiệp lại an ủi. Bà cụ được thể khóc to hơn, lấy vạt áo chùi nước mắt. Sau ngày hôm đó, tôi nhận ra: Bệnh nhân không chỉ là những trang giấy bệnh án, tôi cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

Bác sĩ làm tôi cảm thấy yên tâm

Sau bài học nhớ đời đó, tôi bắt đầu cẩn trọng trước lời nói của mình với bệnh nhân.

Thành quả là có nhiều bệnh nhân dù bị bệnh nhưng vẫn cảm thấy yên tâm sau khi nghe tôi giải thích. Có một cô bị viêm cầu thận cấp. Tôi giải thích sau khi bị bệnh cấp, thận sẽ hồi phục, cô chỉ cần chú ý tuân thủ điều trị thì sẽ tốt thôi. Dù cô vẫn không ngừng hỏi về tương lai, diễn tiến bệnh, bày tỏ lo lắng, nhưng tôi vẫn nhẫn nại giải thích là cô cần tuân thủ điều trị tốt, hiện tại cô đang khoẻ mạnh, các thông số cải thiện tốt, vậy thì không có gì đáng ngại. 

Cuối cùng bệnh nhân cũng dựa thẳng vào ghế và nhẹ nhõm mỉm cười:

“Nghe bác sĩ giải thích xong tôi cảm thấy như khỏi 70 phần trăm bệnh rồi”.

Rồi cô bắt đầu chê trách một đồng nghiệp của tôi vì anh ấy dám nói thẳng với cô ấy rằng: “Cô đã bị viêm cầu thận cấp, bệnh này rất nguy hiểm”. Cô nói hôm đó cô muốn ngất xỉu tại chỗ trong phòng khám luôn, về nhà đau buồn rất nhiều.

Tôi nghe xong, có một chút cảm thán. Không phải đồng nghiệp của tôi đã nói đúng đó sao. Có điều anh ấy đã không biết cách nói sao cho nhẹ nhàng hơn thôi. Tôi giải thích giai đoạn cấp nguy hiểm nhưng giờ cô đã vượt qua và thận đang hồi phục tốt hơn, cần theo dõi xem thế nào.

Quả là quá khó để có thể nói sự thật đau lòng một cách êm ái, ngọt ngào mà vẫn đảm bảo tính chân thật. Nhưng nếu chúng ta ân cần nói chuyện khéo léo, lo nghĩ cho người khác, liệu khi nói ra họ có đau lòng hay không, có tiếp thụ được hay không, thì kết quả thu được sẽ tốt đẹp, hoặc giảm bớt đi đau đớn của sự thật. Không chỉ trong ngành y, mà trong cuộc sống, nếu chúng ta có thể dùng những lời nói thiện lành, cũng có thể giúp mọi người xung quanh cảm thấy ấm áp, vui vẻ, cuộc sống cũng vì thế mà trở nên tốt đẹp hơn.

Bác sĩ Lê Chí Công