Không phải ngẫu nhiên ông cha ta thường nói: “Mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng”. Những công dụng hữu ích của nó với cơ thể thực sự hỗ trợ giúp chúng ta có thể chất khỏe mạnh, sẵn sàng đón nhận sự oi ả nóng bức của mùa hè.

Mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng (Ảnh: kikocasals.com)

Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale, cùng họ với củ nghệ được trồng chủ yếu ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Châu Phi và Úc. Hợp chất chính của gừng là zingiberene có chứa gingerols. Theo các nhà khoa học, vị cay của gừng có liên quan đến các hợp chất capsaicin và piperine. Chính những thành phần tuyệt vời này làm cho nó trở nên đa năng và có ứng dụng rộng rãi.

Gừng là một loại gia vị không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Nó không chỉ giảm bớt mùi của thực phẩm mà còn làm giảm nhiều thành phần có hại tiềm tàng trong thực phẩm. Gừng vừa là vị thuốc vừa là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon miệng hơn.

Ăn một vài lát gừng trước bữa ăn sẽ có tác dụng kích thích tuyến nước bọt, tăng tiết dịch và nhu động dạ dày, nhờ đó tăng cảm giác ngon miệng (Ảnh: imunohelp.ru)

Theo Đông y gừng có vị cay tính ấm, chống viêm, tản phong hàn, chữa đờm, trị ho, trừ nôn mửa, giải độc, ngăn chặn lây lan, xua tan nhiệt, vừa là thực phẩm vừa là thuốc quý. Trên lâm sàng có thể điều trị các bệnh về cảm phong hàn, dạ dày lạnh, buồn nôn… Và dưới đây là những lý do gừng là món ăn không thể thiếu được trong mùa hè.

1. Kích thích sự thèm ăn

Trong mùa hè nóng bức, dịch vị dạ dày giảm sẽ làm ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Ăn một vài lát gừng trước bữa ăn sẽ có tác dụng kích thích tuyến nước bọt, tăng tiết dịch và nhu động dạ dày, nhờ đó tăng cảm giác ngon miệng. Điều này cũng là lý giải cho câu nói “Mùa đông ăn củ cải, mùa hè ăn gừng”.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện trong vị cay đắng của gừng tươi có các phức hợp như 6 – Zingiberol, Methadone (Amidon), Ginger oil và 4 chất khác phân tách ra được, đều có tác dụng ức chế hợp thành Prostaglana có tác dụng lợi mật rất mạnh. Do đó có thể thấy thường xuyên ăn hàng ngày chút gừng tươi sống và những thức ăn có gừng, có thể đề phòng được sự hình thành sỏi mật, ăn nhiều gừng có thể hạn chế sỏi mật tăng nhiều, lớn nhanh.

Khi thời tiết giao mùa, uống một cốc trà gừng có tác dụng rất tốt cho sức khỏe (Ảnh: sohu.com)

2. Trị say nắng, làm mát, giảm mệt mỏi

Khi thời tiết giao mùa, uống một cốc trà gừng có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Nếu uống đều đặn 2 đến 4 tách trà pha gừng tươi sẽ có tác dụng giúp xoang mũi thông suốt, long đờm, phòng chống gây tắc nghẽn đường khí thở. Gừng có tác dụng kháng virus và kháng khuẩn nên có lợi cho đường hô hấp. Ngoài ra những người loét miệng kiên trì uống trà gừng sẽ có tác dụng giảm và khỏi bệnh.

3. Chống oxy hóa, ức chế khối u

Gừng chứa các hợp chất diphenyl heptan, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Nhờ đó, trà gừng và các món có chứa gừng rất có lợi cho sức khỏe trong việc chống lại hiệu ứng phá huỷ tế bào bởi các gốc tự do, thủ phạm gây nhiều bệnh nan y trong đó có cả bệnh ung thư, tim mạch và đột quỵ.

Qua nhiều nghiên cứu các nhà khoa học phát hiện thấy, trong gừng có chứa nhiều hợp chất pararadol và gingerol, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, hạn chế khối u di căn sang các tế bào, mô và bộ phận khỏe mạnh khác.

Trà gừng có thể trị say nắng, làm mát, giảm mệt mỏi (Ảnh: healthofall.com)

4. Khử trùng khử độc

Nghiên cứu khoa học đã tìm thấy rằng gừng đóng vai trò nhất định giống như thuốc kháng sinh tự nhiên. Trong những ngày hè nóng nực, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, tăng trưởng và sinh sản có khả năng gây ra viêm dạ dày ruột cấp tính. Việc ăn hay uống gừng trong khoảng thời gian này đóng một vai trò quan trọng trong công tác phòng chống và điều trị. Chiết xuất gừng có tác động đáng kể tới sự ức chế nấm và tiêu diệt Trichomonas vaginalis, điều trị nhiều chứng đau khác nhau. Ngoài ra, nước ép gừng còn có công dụng hiệu quả trong điều trị hôi miệng và bệnh nha chu.

5. Chống say tàu xe, buồn nôn và ói mửa

Mùa hè là mùa du lịch, di chuyển và của nhiều cuộc hành trình. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bột gừng có tác dụng rõ rệt trong việc giảm các triệu chứng say tàu xe, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tỉ lệ hiệu quả đến 90%, và còn kéo dài trong suốt 4 giờ sau đó hoặc nhiều hơn.

Nhai dập rồi ngậm 1 – 2 lát gừng tươi có tác dụng chống nôn do thai nghén, say tàu xe, do tác dụng phụ của các loại thuốc hóa trị liệu chống ung thư, thuốc gây mê trong phẫu thuật, rất hiệu quả và an toàn.

Gừng có thể chống say tàu xe, buồn nôn và ói mửa (Ảnh: sanook.com)

6. Chữa bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ

Tạp chí Nông nghiệp và hóa thực phẩm của Mỹ có đăng tải nghiên cứu của các chuyên gia Đài Loan về tác dụng tuyệt vời của gừng trong việc điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ do nhiễm khuẩn. Đây là căn bệnh có mức tử vong rất cao ở các nước đang phát triển. Trong nghiên cứu, người ta đã dùng nước chiết xuất từ gừng để chữa bệnh tiêu chảy cho chuột, dịch chiết xuất này có tác dụng rất tốt trong việc ức chế chất độc gây bệnh tiêu chảy do khuẩn E. coli gây ra.

Đặc biệt các nhà khoa học đã phát hiện thấy zingerme, một hợp chất có trong gừng có tác dụng rất tích cực trong việc tấn công lại khuẩn E. coli. Với việc phát hiện thấy tác dụng to lớn này của củ gừng trong tương lai người ta sẽ ứng dụng để sản xuất các loại thuốc mới chữa bệnh tiêu chảy, vừa rẻ tiền, đơn giản lại có công năng tác dụng cao.

Gừng tuy thật tốt, nhưng cũng không vì thế mà quá lạm dụng. Không nên ăn quá 4 g gừng mỗi ngày. Một số người như phụ nữ mang thai, người đang dùng các loại thuốc khác, bị rối loạn về máu… cần hỏi thêm ý kiến của bác sĩ nếu bạn muốn dùng gừng thường xuyên.

Theo Secretchina
Kiên Định