Bối mẫu còn gọi Xuyên bối mẫu, Triết bối mẫu, đây là dò hành phơi khô của cây. Xung quanh nguồn gốc tên gọi của vị thuốc là một câu chuyện khá thú vị. Dược liệu này đã giúp một thiếu phụ sinh nở được mẹ tròn con vuông, cứu gia đình chị khỏi cảnh nhà tan cửa nát.
Thời tiết những ngày cuối năm thay đổi liên tục là thời điểm cao trào của các bệnh về đường hô hấp cũng như viêm phổi nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Triệu chứng khó chịu nhất của chúng chính là ho kéo dài. Trong Đông y, để giải quyết tình trạng này có vị thảo dược tên gọi Bối mẫu.
Theo Đông y, Bối mẫu có vị đắng, ngọt, tính hơi hàn, qui vào các kinh Phế, Tâm. Thảo dược có tác dụng hóa đàm, chỉ khái, thanh nhiệt tán kết, chủ trị các chứng như phế hư cửu khái, ngoại cảm phong nhiệt hoặc đàm hỏa uất kết, loa lịch sang ung (lao hạch nhọt lở). Theo sách Bản kinh: “Bối mẫu chủ thương hàn phiền nhiệt, lâm lịch tà khí, sán hạ (sa ruột), hầu tý nhũ nang, kim sang phong kinh”. Xung quanh nguồn gốc tên gọi của thảo dược trị hen suyễn là câu chuyện khá thú vị, nó đã cứu một thiếu phụ được mẹ tròn con vuông, gia đình khỏi cảnh nhà tan cửa nát.
Câu chuyện nguồn gốc Bối mẫu
Chuyện rằng, vào thời nhà Đường tại một thị trấn nhỏ của tỉnh Giang Nam, Trung Quốc có hai vợ chồng nọ cưới nhau đã ba năm nhưng không sinh được con. Chồng chị là gia đình con một nên bố mẹ rất khao khát có cháu bế. Trong ba năm thiếu phụ sinh được ba người con, nhưng có một điều kỳ lạ đứa bé cứ ra đời là không sống được. Không những vậy, lần nào người mẹ cũng mệt nhọc thở dốc như gần đứt hơi làm cả nhà lo sợ cho tính mạng của thai phụ.
Một ngày nọ, có vị thầy bói đi ngang qua làng. Bà mẹ chồng hay tin liền mời tới xem vận số tướng mạng cho con dâu. Sau khi hỏi thăm ngày sinh tháng đẻ, ông mang ra các dụng cụ bói toán lóc cóc tính toán hồi lâu rồi trầm trọng đăm chiêu cất lời: “Cô cầm tinh bạch hổ tức là cọp trắng. Cọp phải ăn thịt dê, chó, lợn bởi vậy ba đưa con cô đều bị cô sát mất”. Nghe tới đây, bà mẹ chồng hốt hoảng giọng run rẩy nói: “Thưa thầy, vậy chúng con phải làm thế nào? Xin nhờ dạy cho chúng tôi cách thoát khỏi vận hạn này, tốn kém bao nhiêu cũng được”.
Thầy bói vuốt râu chậm rãi đáp: “Có một cách đó là lần sau khi con dâu bà sinh con hãy bảo cha đứa bé bế con chạy về hướng đông vì nơi đó có biển. Cọp vốn sợ nước, nếu đem đứa bé dấu ở nơi gần nước vài ngày, cọp tìm đến nơi thấy nước sẽ sợ chạy về rừng”.
Năm sau, người phụ nữ nọ lại sinh được một bé trai. Người chồng lập tức làm theo lời ông thầy bói dặn, tuy nhiên bé vừa được đem ra khỏi nhà không xa thì tắt thở. Bà mẹ chồng thấy vậy tức giận chửi ông thầy bói hết mực thậm tệ. Vì nóng ruột mong có cháu bế, bà bắt con trai phải bỏ vợ với lý do cô này kém đức không sinh được con sống, chỉ sinh con chết .
Hay tin chồng sắp bỏ, người thiếu phụ khóc lóc thảm thiết bỏ ăn bỏ uống. Biết chồng vẫn còn rất thương mình, nhưng hoàn cảnh gia đình chồng là con một, phải có bổn phận sinh con nối dõi tông đường nên dù không muốn cũng không dám cãi lời mẹ.
Tình cờ khi đó có thầy lang ở làng bên đi ngang qua nhà. Nghe tiếng khóc than kể lể và tiếng mắng chửi của bà mẹ chồng bèn dừng lại hỏi nguyên nhân. Sau khi biết rõ sự tình, ông bèn vào nhà thiếu phụ nọ hỏi thăm. Bước vào nhà, ông thấy một sản phụ mặt mày tái mét, sợ hãi đang khóc lóc thảm thiết. Bằng kinh nghiệm lâu năm ông đoán chị đang bệnh nặng. Ông tiến tới gần và ngỏ ý muốn thăm khám xem mạch, phước chủ may thầy có khi kết quả như ý.
Sau khi chẩn mạch, ông quay sang nói với mẹ chồng chị: “Con dâu bà bị hen suyễn rất nguy kịch, đó là nguyên nhân vì sao em bé sinh ra là bị chết. Tôi có thể trị liệu giúp cô ấy sinh được một đứa con khỏe mạnh”. Thiếu phụ đang lo sợ bị chồng bỏ, nghe thấy vậy vội vàng quỳ xuống chắp tay vái lạy để tạ ơn, riêng chồng và bà mẹ vì tin theo lời thầy bói nên vẫn tỏ vẻ hững hờ.
Nhìn thấy thái độ của họ, thầy lang cất giọng nghiêm nghị nói như ra lệnh: “Bảo con bà sửa soạn lên núi hái thuốc. Vị thảo dược này lá nhỏ dài, đầu cuống có hoa màu tím đậm. Tìm được cây ấy thì đào lên, gốc rễ sẽ có từng chùm củ, có múi như múi tỏi. Hãy hái đem về sắc nước uống”.
Người chồng vâng lời lên núi hái thuốc. Mỗi ngày hái xong, đem về rửa sạch đất cát và cho vào ấm sắc cho vợ uống. Người vợ uống thuốc đều đặn suốt ba tháng, sau đó chị không những lành bệnh sản hậu, sức khỏe tăng lên gấp bội, mặt mày lại hồng nhuận, tươi trẻ như thiếu nữ.
Chẳng bao lâu chị lại có thai và sinh được một bé trai khỏe mạnh. Lần sinh này không còn bị cơn hen suyễn làm thở dốc gần đứt hơi như những lần trước. Em bé cũng rất ngoan, ít khóc, được bú no xong là ngủ. Từ ngày có thằng bé gia đình chị đang từ đau khổ thất vọng trở thành hạnh phúc vui vẻ. Bà mẹ chồng khó tính, già nua lúc nào cũng muốn được bế cháu. Sau khi đầy tháng, gia đình họ tới nhà thầy lang để tạ ơn. Ông cũng rất vui vì bài thuốc của mình đã mang tới hạnh phúc cho một gia đình có nguy cơ đổ vỡ.
Khi gia đình ngỏ ý muốn biết tên của loại dược thảo nọ, thầy lang đành thú thật chỉ biết dùng chữa bệnh chứ không biết tên là gì. Nhìn thấy cháu nội khỏe mạnh hồng hào, bà mẹ chồng ngỏ ý xin phép đặt tên cho vị thuốc. Bà nói: “Dược thảo này đã giúp cho con dâu tôi sinh được một đứa con khỏe mạnh. Đây là một thứ thuốc tiên, là bảo bối quý nhất trần gian. Vậy tôi xin lấy chữ ‘Bối’ trong từ Bảo Bối ghép với chữ Mẫu là Mẹ. Đặt tên nó là cây Bối mẫu được không? Ý nghĩa nó là dược thảo quý như bảo bối của những người mẹ”. Tuy rằng trước đó có nơi gọi thảo dược này là Khổ Thái, hay Khổ Hoa, nghĩa là rau đắng, hoa đắng và nhiều tên khác nữa tuy nhiên từ lúc câu chuyện xảy ra, Bối mẫu được dùng trong y giới và dân gian cho đến bây giờ.
Bài thuốc bổ huyết từ Bối mẫu
Lê hấp đường phèn Bối mẫu: Lê to 1 quả, Bối mẫu tán bột 3g, đường phèn 6g. Lê gọt vỏ, tách bỏ hạt cho vào cùng hầm cách thủy chín. Bài thuốc thích hợp cho người viêm khí phế quản ho ít đờm, lao phổi ho khan, ho gà, ho do dị ứng, viêm họng.
Tam mẫu tán: Bối mẫu, Tri mẫu, Mẫu lệ; ba vị liều lượng thích hợp cùng tán thành bột mịn uống, ăn kèm với nước canh chân giò. Món này tốt cho sản phụ sau đẻ ít sữa.
Cháo bối mẫu: Bối mẫu 10g, gạo tẻ 50g, đường phèn vừa đủ. Bối mẫu tán mịn. Gạo tẻ nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào khuấy tan, cho tiếp bột Bối mẫu, đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn, khuấy đều là được, ăn nóng vào bữa sáng và tối. Thích hợp cho người viêm khí phế quản cấp và mạn tính, khí phế thũng.
Bối mẫu hạnh nhân ẩm: Bối mẫu 6g, Hạnh nhân 3g. Cả hai thứ đem giã vụn từng loại một rồi cùng đem nấu với nước trong 40 phút, lọc lấy nước bỏ bã, cho uống khi nguội (chia 2 lần uống trong ngày). Dùng cho trẻ em viêm khí phế quản ho dài ngày, đêm ho nhiều đờm hơn ban ngày, ho thành cơn mệt mỏi.
Kiêng kỵ: Người có chứng hư hàn (đờm lạnh, đờm loãng ướt) không dùng. Không được dùng với Ô đầu.
Kiên Định t/h