Cây đào không chỉ cho hoa chơi dịp Tết, mà còn đơm thành trái ngọt mát đầy dinh dưỡng bổ ích cho sức khỏe con người. Các bộ phận các của cây cũng là thuốc trị bệnh rất hữu ích

Về nguồn gốc cây đào, có nhiều thuyết được người đời truyền qua lại, trong đó Chuyện Khoa Phụ đuổi theo mặt trời được xem là xưa nhất.

Từ thời xa xưa, khi địa cầu mới khai thủy, vẫn còn tộc người khồng lồ sinh sống. Khoa Phụ là người khổng lồ, sống ở cực Bắc, quanh năm không thấy mặt trời mọc. Giữa biển cả rộng lớn tối tăm, ông muốn đến nơi chỉ có mặt trời mọc. Vậy là, ông quyết định đi tìm, chạy theo mặt trời. Cuối cùng ông cũng đuổi kịp mặt trời ở phía Tây. Tuy nhiên, do sống trong bóng tối lâu rồi, nên những tia nắng còn sót lại của mặt trời đã làm cho ông bị thương, miệng khô khát nước và muốn tìm nước để uống. Ông liên uống một hơi, cạn sông Hoàng Hà, Vị Thủy mà vẫn chưa hết khát.

Khoa Phụ đi về hướng Bắc để tìm một cái đầm lớn, nhưng càng đi càng mờ mịt. Ông đã ngã quỵ trên đường. Trước khi chết, Khoa Phụ suy nghĩ rằng, sau này cũng có người đuổi theo mặt trời giống ông. Để cho người đó không lâm vào tình cảnh như vậy, ông đã ném cây gậy thần lên không trung. Cây gậy thần lập tức biến thành một rừng cây. Sau đó, Khoa Phụ yên tâm nhắm mắt. Sau này, rừng cây đó cho những quả mọng nước, giòn ngọt hơi chua mà dân gian gọi là trái đào.

Đào là một trái cây mọng nước. (Ảnh: Newport Natural Health)

Công dụng của quả đào

Đào có tên khoa học là Prunus percica Stokes, thuộc họ Hoa Hồng Rosaceae. Quả là một loại quả hạch, hình cầu, đầu nhọn, có một ngấn lõm vào, chạy dọc theo quả. Vỏ ngoài có lông rất mịn, quả chín có những đám đỏ.

Trong quả đào có chứa nhiều chất dinh dưỡng như: các vitamin (A, B1, B2, B3, B6, C, E, K), β – carotene, folat, acid pantothenic, khoáng chất (kali, magie, canxi, sắt, mangan, photpho, kẽm, đồng. Loại quả này có lượng calo thấp, không chứa chất béo no, và là nguồn cung cấp chất xơ tốt.

1. Chống béo phì

Theo một nghiên cứu của khoa y sinh, Trường đại học Texas A & M, loại quả hạch như đào, mận đã được chứng minh là có thể phòng ngừa các bệnh liên quan đến béo phì gồm tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, và bệnh tim mạch. Nghiên cứu cho thấy quả hạch có hoạt chất sinh học và phenolic chống béo phì, chống viêm có thể làm giảm cholesterol xấu (LDL) liên quan đến bệnh tim mạch. Họ tìm thấy bốn loại phenolic chính trong các quả hạch: anthocyanin, axit chlorogenic, quercetin, và catechin, tất cả đều hoạt động cùng nhau để chống lại bệnh béo phì.

2. Ngăn ngừa ung thư

Là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin C tuyệt vời. Quả đào giúp chống lại sự hình thành của các gốc tự do – tác nhân hình thành ung thư. Các hợp chất phenolic và carotenoid tìm thấy trong đào có tính chống khối u và chống ung thư, cũng như giúp chống lại các loại ung thư khác nhau như ung thư vú, ung thư phổi và ung thư ruột kết.

Cũng từ nghiên cứu của Trường đại học Texas A & M cho thấy rằng chiết xuất từ đào có acid chlorogenic và acid neochlorogenic hiệu quả trong việc giết chết những tế bào ung thư vú ác tính nhất và không làm hại đến các tế bào khỏe mạnh bình thường.

3. Cải thiện làn da

Vitamin C dồi dào trong quả đào có thể làm giảm nếp nhăn, cải thiện kết cấu da và chống lại các tổn thương da do ánh nắng mặt trời. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành collagen – hệ thống hỗ trợ cho làn da của bạn.

Các nghiên cứu đã cho thấy, các chất chống oxy hoá zeaxanthin và lutein có tác dụng chống viêm đáng kể đối với tổn thương da do tia UV-B và bảo vệ da khỏi sự tăng sinh quá mức của tế bào. Flavonoids có trong quả đào có tác dụng bảo vệ da và giúp ngăn ngừa da bị đỏ do tia UV gây ra.

Quả đào giữ làn da thanh xuân. (Ảnh: Twitter)

4. Hỗ trợ ổn định đường huyết

Một nghiên cứu khác của Trường đại học Texas A&M cho thấy, ăn đào giúp bệnh nhân đái tháo đường type I có chế độ ăn nhiều chất xơ thì nồng độ glucose trong máu thấp và bệnh nhân đái tháo đường type II có thể cải thiện lượng đường trong máu, lipid và mức insulin tốt. Một quả đào trung bình cung cấp khoảng 2 gram chất xơ.

Trang “Hướng dẫn ăn kiêng cho người Mỹ” đề nghị cung cấp chất xơ 21-25 gram/ngày cho phụ nữ và 30-38 gram/ngày đối với nam giới.

5. Phòng bệnh tim mạch

Chất xơ, kali, vitamin C và chất choline trong quả đào, tất cả đều hỗ trợ sức khoẻ hệ tim mạch. Cứ trong 100g thịt quả đào thì chứa 190mg kali.

Giáo sư, bác sĩ Mark Houston, trường Y khoa Vanderbilt: “Việc tăng lượng kali cùng với việc giảm lượng muối ăn là sự thay đổi chế độ ăn uống quan trọng nhất mà mọi người có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo một nghiên cứu, những người tiêu thụ 4069 mg kali mỗi ngày sẽ giảm 49% nguy cơ chết do thiếu máu cơ tim so với những người tiêu thụ ít kali (chỉ khoảng 1000 mg/ngày)”. Vậy bằng việc tính toán dùng lượng đào hàng ngày kết hợp với những thực phẩm giàu kali khác sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng.

6. Có lợi cho mắt

Quả đào giàu beta-carotene, được chuyển thành vitamin A trong cơ thể. Beta – carotene đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực tốt và ngăn ngừa các bệnh về mắt như bệnh khô mắt và mù. Một nghiên cứu điều tra đã chỉ ra rằng carotenoid, lutein và zeaxanthin trong quả đào có tác động tích cực liên quan đến sự giảm tỷ lệ hiện tượng đục thủy tinh thể. Theo các nghiên cứu, lutein và zeaxanthin cư trú trong sắc tố của mắt và giúp bảo vệ võng mạc khỏi thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi già.

Ảnh: Báo pháp luật

Một số lưu ý khi dùng quả đào

Đào có thể là thực phẩm gây dị ứng. Nếu dùng đào khô, thì cần cẩn thận với chất dùng bảo quản sulfide có thể gây ra các phản ứng dị ứng như: nổi mẫn ngứa, khó thở.

Tuy đào có thể dùng cho phụ nữ có thai vì chất dinh dưỡng tương đối đa dạng. Tuy nhiên, ăn quá nhiều và thường xuyên, sẽ làm cho lượng acid folic tăng cao trong máu gây ra các chứng như chuột rút, tiêu chảy, buồn nôn cho bà bầu. Không những vậy theo như các nhà khoa học tại Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ công bố một công trình nghiên cứu rằng, nếu phụ nữ mang thai có lượng acid folic cao hơn bình thường thì trẻ sinh ra có nguy cơ phát triển hội chứng tự kỉ tăng 17,6 lần.

Ngoài ra, theo y học cổ truyền, những bộ phận khác của cây đào cũng có tác dụng làm thuốc rất hiệu quả.

Hoa đào: thu hái vào mùa xuân, khi bông hoa vừa mới bung nở. Phơi trong bóng râm, cho khô, bảo quản trong lọ thủy tinh. Khi dùng tán mịn 20 – 30 gram, uống cùng nước ấm. Trị các chứng phù thũng, cước chân (nóng đỏ sưng nứt đau ở ngón chân, thường xảy ra vào mùa lạnh), bị ho có nhiều đờm. Dùng trong một số công thức làm đẹp da của phụ nữ.

Đào nhân: là nhân hạt đào phơi sấy khô sau khi đã đập bỏ vỏ hạch. Đào nhân vị đắng, ngọt, tính bình. Có tác dụng hoạt huyết, hóa ứ, nhuận táo dùng trong trường hợp bế kinh, đau bụng kinh có máu cục, hoặc táo bón. Cũng có tác dụng chỉ ho, hóa đờm.

Lá đào: lấy lượng tùy ý nấu nước để tắm rửa trị rôm sảy mùa hạ.

Yến Dương