Nấm phổi là loại bệnh hay gặp ở xứ nhiệt đới nóng, ẩm và mưa nhiều. Một số dấu hiệu thường thấy của bệnh như ho, ho khan, khạc đờm, đau đầu, tức ngực, khó thở, sốt… Tuy nhiên nhiều người hay nhầm lẫn bệnh nấm phổi với cảm cúm, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Bệnh do một loại nấm Histoplasma gây bệnh viêm phổi nang sợi mạn tính hoặc hiếm gặp hơn là dạng nhiễm lan toả cấp tính ở phổi và gây tổn thương nhiều cơ quan như tim, gan, lách dễ dẫn đến tử vong. Loại nấm này thường sinh sôi, nảy nở trong thời tiết ẩm ướt.
Dấu hiệu
Bệnh nhân thường có các triệu chứng như ho, khạc đàm, khó thở, đau ngực và sốt.
Một số bệnh nhân u nấm đều có các triệu chứng sốt. Người bệnh sốt không cao, không phải sốt liên tục mà thành từng đợt có những thời gian không bị sốt. Sốt là biểu hiện của tình trạng dị ứng với nấm, hiếm khi sốt kéo dài, suy kiệt hoặc sụt cân.
Bệnh nhân khạc đàm rất nhiều, khạc đàm thường là do bệnh đi kèm hơn là do u nấm. Trong đàm có thể tìm thấy các tế bào nấm nếu mang đi xét nghiệm bằng cách soi tươi và quan sát dưới kính hiển vi.
Tuy nhiên, có thể các tế bào nấm này lại có nguồn gốc của nhiễm nấm từ đường tiêu hóa.
Khó thở: triệu chứng của các bệnh đi kèm như lao, giãn phế quản, áp-xe phổi, ung thư phổi… gây suy giảm chức năng hô hấp.
Ho và ho ra máu là triệu chứng nổi bật đặc trưng nhất của bệnh. Ho thường dai dẳng, kéo dài, trong đó có tới 95% các trường hợp là ho ra máu từ số lượng ít có dính đàm, đến nhiều có thể gây tử vong.
Trong số đó có 20% ho ra máu tái phát nhiều lần và ho ra máu với số lượng từ trung bình đến rất nhiều. Một số bệnh nhân bị ho ra máu kiểu sét đánh, tức là ho nhiều ồ ạt do tổn thương các mạch máu của phổi vì tế bào nấm ăn lan vào.
Ho ra máu là một triệu chứng làm bệnh nhân rất lo lắng và là chỉ định chính để can thiệp phẫu thuật cho bệnh nhân.
Đối tượng dễ mắc bệnh nấm phổi
Bệnh dễ xảy ra với những người làm việc ở vùng đất ẩm, đặc biệt là đất có nhiều phân gà, vịt, chim hoặc phân dơi. Những người quét dọn hoặc tiếp xúc với chuồng gà vịt, vùng đất dưới gốc cây có nhiều chim đậu, dưới hang dơi rất dễ mắc bệnh. Nấm Histoplasma capsulatum là loại nấm lưỡng hình, trông giống như một dạng mốc trong tự nhiên.
Người ta nhận dạng nấm dựa vào đặc điểm sợi nấm sinh ra những bào tử lớn và nhỏ, khi nuôi cấy nấm phát triển như một nấm hạt men mọc chồi tại mô của vật chủ hoặc trên thạch giàu dinh dưỡng.
Bào tử của loại nấm này có kích thước rất nhỏ nên khi hít thở chúng có thể lọt vào đến tận phế nang, tại đây chúng chuyển dạng thành những thể chồi.
Khi bệnh tiến triển gây phản ứng viêm hạt mạnh, hoại tử bã đậu và canxi hoá trong phổi giống như bệnh lao.
Ở người lớn nhiễm nấm có thể tạo thành mô sẹo hình khối tròn ở phổi. Đối với trẻ em bị nhiễm nấm lần đầu có thể khỏi hoàn toàn nhưng để lại những điểm canxi hoá ở hạch rốn phổi hay ở phổi; nhiễm nấm lan toả thoáng qua có thể tạo ra những u hạt lắng đọng canxi ở lách.
Lời khuyên:
– Bệnh nhân đã bị bệnh nấm Histoplasma lan toả cấp tính hay mạn tính đều phải điều trị bằng kháng sinh chống nấm dài ngày. Đối với bệnh nhân bị xơ hoá trung thất có thể cần phải phẫu thuật để điều trị.
– Cách phòng bệnh hiệu quả là khi làm việc hay sinh hoạt ở những vùng đất ẩm, đặc biệt là đất có nhiều phân chim, phân dơi, người quét dọn chuồng gà, chuồng nuôi gia cầm, thủy cầm phải mặc quần áo bảo hộ lao động, đội mũ và đeo khẩu trang để chống nấm xâm nhập, ngăn chặn hít phải nấm vào phổi.
– Cha mẹ hoặc người bảo mẫu phải quản lý tốt trẻ nhỏ, không để trẻ nô đùa ở những nơi ẩm thấp có nhiều phân chim, phân gia cầm, phân dơi. Khi phát hiện các triệu chứng nghi nhiễm nấm ở phổi cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Phương Nam